19/08/2024 07:22 GMT+7 | Văn hoá
Chúng ta vừa bước sang ngày 19/8 của năm 2024. Tròn 79 năm trước, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Và như một thông lệ, trong dịp kỷ niệm này, câu chuyện về các di tích gắn với ngày 19/8 tại Hà Nội vẫn thường xuyên được nhắc tới...
Thực tế, những năm qua, khá nhiều di tích in dấu ấn của ngày 19/8 lịch sử tại Hà Nội đã được bảo tồn và tôn vinh từ rất sớm. Điển hình trong số đó là những công trình kiến trúc quan trọng và nổi bật như Nhà hát Lớn, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) hoặc ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo - vốn là trụ sở Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội năm 1945.
Hoặc ở góc độ khác, vào năm 2023 vừa qua, trụ sở công an quận Hoàn Kiếm (số 2 Tràng Thi) cũng đã được trùng tu hoàn thiện. Có tên gọi quen thuộc "bốt Hàng Trống", trong lịch sử, đây từng là Sở cảnh sát Trung ương của chính quyền Pháp tại Hà Nội và bị quần chúng cách mạng đánh chiếm ngay trong ngày 19/8/1945 cùng với Bắc Bộ phủ.
Thậm chí, dù chỉ còn là một phần kiến trúc cũ, trường hợp cổng trại Bảo an binh cũ (phố Hàng Bài) cũng là một trường hợp đáng chú ý - khi đây là địa điểm gắn với việc giao nộp vũ khí của lực lượng bảo an binh cho chính quyền cách mạng vào chiều 19/8/1945. Vào năm 2023, cùng với việc khánh thành Nhà hát Hồ Gươm tại đây, di tích cổng trại Bảo an binh đã được các cơ quan chức năng trùng tu, trả lại hình dáng nguyên bản và trở thành một điểm nhấn thú vị của thành phố. (Việc trùng tu này từng được đưa vào đề cử tại Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2023 do báo Thể thao & Văn hóa - TTXVN tổ chức)…
***
Khi những di tích thuộc về ngày 19/8 lịch sử đã và đang được bảo tồn đúng mức, rõ ràng câu chuyện còn lại là việc khai thác giá trị của chúng một cách hợp lý giữa nhịp sống hiện đại - đặc biệt là đối với các du khách trẻ tuổi.
Đó không hẳn là một bài toán đơn giản, khi nhiều trường hợp trong số này hoặc còn đang được sử dụng vào những công năng đặc thù, đồng thời lại nằm rải rác ở các địa điểm khác nhau thay vì trong một quần thể. Nhưng, với sự phát triển của công nghệ, cũng như tư duy mới về không gian đô thị, việc tạo ra "sức sống" mới cho những di tích này không hẳn bất khả thi.
Đơn cử, vào dịp này mỗi năm, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những tour tham quan "ảo" kết nối các di tích liên quan tới cuộc Tổng khởi nghĩa để thu hút những người muốn tìm hiểu về lịch sử. Đó không chỉ là những thông tin và hình ảnh hiện tại của hệ thống di tích, mà còn có thể là những tư liệu lịch sử - hoặc hình ảnh, thông tin đa phương tiện được tái tạo từ tư liệu.
Thậm chí, bên cạnh những di tích cụ thể, hệ thống các không gian gắn với ngày 19/8 cũng có thể được khai thác ở một mức độ hợp lý trong dịp này, chẳng hạn như trục phố Tràng Tiền - mà theo tư liệu chính là nơi quần chúng xếp thành đội ngũ, diễu hành từ Nhà hát Lớn qua trục đường này để tỏa đi các phố phường trong ngày lịch sử.
Và cuối cùng, vẫn phải nhắc tới trường hợp của Quảng trường Cách mạng tháng Tám - không gian đã từng được nhiều nhà sử học đề nghị bổ sung những hình thức tôn vinh hợp lý. Thực chất, khu vực này hiện chỉ có một bảng giới thiệu nhỏ và dễ bị người xem bỏ qua, đặc biệt là đặt trong dòng lưu thông có tốc độ khá cao của lượng xe tại đây. Đã có khá nhiều ý tưởng về việc nên quy hoạch lại hướng giao thông tại khu vực này, kết nối với không gian của vườn hoa Cổ Tân và vườn hoa 19/8 liền kề, đồng thời bổ sung cho quần thể này một vài kiến trúc nhỏ để gợi nhớ về ngày 19/8 lịch sử. Để rồi, cùng với sự phát triển của các hoạt động du lịch đêm quanh Hồ Gươm và tại khu vực Nhà hát Lớn trong tương lại, nơi đây sẽ trở thành một không gian công cộng lý tưởng mang dấu ấn lịch sử…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất