22/01/2021 07:06 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Một tin vui cho người dân thủ đô Hà Nội chúng tôi, sau không gian phố đi bộ Hồ Gươm (vừa mở rộng), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (cạnh Hồ Tây), mới đây, quận Hai Bà Trưng đã đề nghị thành phố cho phép lập đề án tổ chức không gian phố đi bộ khu vực Hồ Thiền Quang…
Theo như đề xuất, không gian đi bộ, không gian văn hóa khu vực Hồ Thiền Quang sẽ bao gồm: Khu vực Trần Nhân Tông (đoạn từ phố Quang Trung đến Trần Bình Trọng) và khu vực phụ cận (gồm công viên Thống Nhất, vườn hoa bao quanh Hồ Thiền Quang, Nhà văn hóa Thanh thiếu niên).
Sophia biết không, thông tin này đã đánh thức ký ức của rất nhiều người Hà Nội về một miền xanh của thành phố, vốn không hề xa xôi gì, chỉ cách Hồ Gươm vài cây số, nhưng không phải ai cũng để tâm. "Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng" - nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nhớ như thế, để bất kỳ ai đi dưới vòm hoa sữa ven hồ cũng phải lắng lòng. Hoa sữa Hồ Thiền Quang đã là một "thương hiệu" của Hà Nội.
Hồ Thiền Quang có diện tích khoảng 5 héc ta. Tất nhiên địa điểm này không thể so sánh với không gian phố đi bộ Hồ Gươm, bởi nó không có nhiều các giá trị văn hóa phi vật thể tầm cỡ như sự tích Hồ Hoàn Kiếm, di sản phố cổ... Nhưng nếu Sophia ghé qua nơi đây thì tôi cũng sẽ có rất nhiều câu chuyện văn hóa để kể với cô.
Đầu tiên tôi sẽ dẫn cô ghé vào 3 ngôi chùa Quang Hoa, Thiền Quang và Pháp Hoa nằm trên bán đảo nhỏ, ở phía Tây của hồ, đã được xếp hạng di tích thắng cảnh năm 1989. Ghé qua chùa Quang Hoa, chúng ta có thể ngắm những bức y môn, bức cốn được chạm trổ rất công phu về những đề tài như tứ linh, trúc lão, hoa văn thực vật… Đó là những kiệt tác mỹ thuật cổ.
Cũng như Hồ Gươm hay Hồ Trúc Bạch, Hồ Thiền Quang còn có một hòn đảo nhỏ ở góc hồ, trên đó có Nhà Văn hóa Học sinh, Sinh viên Hà Nội. Hòn đảo này nếu phát huy được giá trị, ắt hẳn sẽ là địa điểm lý tưởng để giới trẻ tổ chức các hoạt động văn hóa và... check-in.
Tiếp đến, tôi sẽ dẫn cô sang Công viên Thống Nhất, nằm đối diện Hồ Thiền Quang qua bên kia phố Trần Nhân Tông. Có thể cô sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, hơn nửa thế kỷ trước, khu vực này là một bãi rác và vùng đầm lầy của 2 làng Vân Hồ và Thể Giao. Với thiết kế và kỳ vọng nơi đây sẽ là công viên hòa bình và khát vọng thống nhất, Công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng năm 1958. Mồ hôi và công sức của rất đông học sinh, sinh viên các trường đại học, các công nhân viên chức và người dân đã đổ xuống đây khi thực hiện các công việc như san đất, nạo vét lòng hồ, trồng cây... Khi đó không có công xá gì cả, tất cả đều là lao động tự nguyện của nhân dân để hình thành cảnh quan như hiện nay…
Cuối năm 1960, công viên được hoàn thành. "Và nhớ những công viên vừa mới xây, bước chân em chưa mòn lối" - vẫn câu hát của Hoàng Hiệp. Không hiểu sao, mỗi khi đi dạo trong Công viên Thống Nhất, tôi luôn hình dung "em" trong câu hát trên chính là một trong những nữ học sinh, sinh viên, công nhân viên... 70 năm trước đã đào đất đắp hồ, dựng xây nên chốn thanh bình này.
Không gian văn hóa khu vực Hồ Thiền Quang đẹp đẽ và nhân văn như thế. Nhưng nhớ lại những năm tháng đã qua, có lúc người ta cũng chạnh buồn. Nhiều năm trước, khi nói đến Hồ Thiền Quang, người ta nghĩ đến một một nơi tập trung tệ nạn xã hội. Tôi nhớ một bài viết trên báo ANTĐ năm 2012, theo đó "Hồ Thiền Quang trước đây từng là... thiên đường của dân gay Hà Nội..."
Nhưng đấy là chuyện của nhiều năm trước. Rõ ràng, thời gian qua nếu không quyết tâm làm cho xanh, sạch, đẹp thì Hồ Thiền Quang đã không thể có được diện mạo như hiện nay. Bởi thế, công việc tới đây còn nặng nề hơn: Xây dựng một không gian văn hóa phố đi bộ để đánh thức toàn bộ và nâng tầm vị thế của Hồ Thiền Quang trong bức tranh kinh tế, văn hóa của Thủ đô.
Hy vọng đề án sẽ sớm thành hiện thực.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất