21/06/2021 07:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 21/6, cả nước đang dồn sức chống dịch, nhưng vẫn không quên dành cho đội ngũ những người cầm “bút sắt” những lời chúc tốt đẹp nhất.
Mọi năm vào dịp này, từ trung ương đến địa phương đều tưng bừng tổ chức các hoạt động vinh danh báo chí. Nhưng năm nay, những hoạt động liên hoan, trao giải báo chí, giao lưu, thăm hỏi tặng hoa… đã giảm đi rất nhiều.
Với mục đích thực hành tiết kiệm và giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch Covid-19, Thông tấn xã Việt Nam đã có thông báo về việc “TTXVN không tổ chức đón tiếp các đoàn khách đến thăm, chúc mừng và đề nghị các các cơ quan, đoàn thể, tổ chức không gửi hoa chúc mừng đến trụ sở TTXVN”, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam...
Sau hơn 30 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, vừa qua thành phố Đà Nẵng lại phải bắt đầu chu kỳ chống dịch mới sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm. Các bãi biển ở Đà Nẵng lại dừng hoạt động từ 12h trưa qua, 20/6. Như thế, Đà Nẵng đã, đang và sẽ còn chịu rất nhiều thiệt hại do dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, tôi và đồng nghiệp nhận được những tin nhắn, đặc biệt của doanh nghiệp thân thiết rằng tình hình khó khăn quá nên không tổ chức gặp mặt được. Đúng là quá thương cảm cho các doanh nghiệp. Gặp gỡ nâng ly trong bối cảnh việc kinh doanh ngưng trệ, thử hỏi sao mà vui vẻ được?
Lâu nay, thường thì doanh nghiệp hay quan tâm đến báo chí với tư cách là người bạn đồng hành trong việc tuyên truyền, quảng bá các giá trị của thương hiệu mình đến với công chúng, vậy nên đến ngày doanh nhân hay đến lúc họ lâm vào khó khăn, việc báo chí chia sẻ, động viên với doanh nghiệp, cũng là lẽ tất nhiên.
Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch, doanh nghiệp đâu phải chỉ là những nạn nhân cần được hỗ trợ. Rất, rất nhiều công ty, tập đoàn hay cá nhân các chủ doanh nghiệp đã nổi lên như những “hiệp sĩ” trên tuyến đầu chống dịch với toàn thể xã hội. Không chỉ đóng góp tiền của vào quỹ vaccine hay các hoạt động thiện nguyện vì cơm ăn áo mặc cho những đồng bào lao đao vì dịch mà họ còn xây dựng bệnh viện dã chiến, tài trợ hay thậm chí là đầu tư sản xuất các thiết bị phòng, chống, điều trị Covid-19. Họ xứng đáng được báo chí và cả xã hội tri ân trong suốt thời kỳ “dịch giã” này. Bởi thế khi nhận được lẵng hoa chúc mừng nào đến với mình trong dịp 21/6 này, tôi thành thực muốn chuyển đến những người trên tuyến đầu chống dịch, trong đó có họ.
***
Doanh nghiệp đã làm được nhiều điều như vậy, còn báo chí hiện nay đã tạo được niềm tin cho công chúng tương xứng với kỳ vọng của xã hội và với chức năng vốn có của mình hay chưa?
Trong sự bùng nổ của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng 4.0, nghề làm truyền thông, báo chí bây giờ khá “hot”, ai cũng có thể bước chân vào, nhưng cũng vì thế mà không ít người dễ dàng bỏ qua những phẩm chất cơ bản của nghề này.
Kỷ nguyên số cũng chứng kiến sự lên ngôi ngoạn mục của mạng xã hội. Một tòa soạn có khi vẫn bị lép vế trước một KOL (Key Opinion Leader - người dẫn dắt quan điểm). Nhiều ngôi sao mạng với xuất phát điểm học vấn, đạo đức, tư cách thấp vẫn có thể dẫn dắt một lượng cư dân mạng khổng lồ, kiếm bộn tiền nhờ quảng cáo. Một số cư dân mạng quá khích cùng những đối tượng thạo công nghệ còn tự cho mình cái quyền sử dụng mạng xã hội để tấn công báo chí nhằm ngăn cản báo chí đưa ra công luận những vấn đề không vừa ý họ…
Có thể thấy rằng, sự bùng nổ của truyền thông xã hội là một thách thức đối với báo chí trong việc giành lại bạn đọc và giữ được vị thế là phương tiện thông tin đại chúng tin cậy của xã hội.
Xin mượn lời của nữ nhà báo Ellen Goodman, nhà bình luận và diễn giả nổi tiếng người Mỹ, từng giành được giải thưởng Pulitzer danh giá của Mỹ: “Trong báo chí luôn tồn tại sự giằng co giữa “đưa tin nhanh nhất” và “đưa ra sự thật”.
Đúng vậy, báo chí chân chính ngoài sứ mệnh cao cả nhất: Đưa ra sự thật, còn phải giàu lòng trắc ẩn, có tư tưởng “khai trí”, “khai khí” cho dân thông qua sự nghiệp của mình.
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất