17/01/2022 07:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GD&ĐT, một con số thống kê khiến cho chúng ta phải suy nghĩ: Do dịch bệnh Covid-19, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.
Dịch bệnh Covid-19 đã bước sang năm thứ 3, những thiệt hại do nó gây ra trên toàn cầu cho đến giờ thì ai cũng biết. Nó khiến cho hàng triệu triệu người trên toàn thế giới phải nghỉ học kéo dài, riêng Việt Nam có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng việc đến trường, chuyển sang các hình thức học khác trong nhiều tháng liên tiếp.
Mặc dù ngành giáo dục đã chủ động “chuyển trạng thái” hoạt động để ứng phó với dịch Covid-19; chương trình và nội dung giáo dục cũng đã được thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Nhưng những con số đưa ra như trên vẫn khiến dư luận lo ngại. Đại dịch không chỉ làm chậm trễ việc tiến bước trên con đường học tập của một vài ngàn người, mà có nguy cơ làm chậm trễ cả một thế hệ, nếu không có những giải pháp hiệu quả.
Tại Hà Nội và một số địa phương khác, cho đến giờ phút này, đa số học sinh phổ thông vẫn chưa thể quay trở lại trường cho dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, và nỗi lo thi cử của học sinh cuối cấp đang lớn dần.
Lại nói về sự thích ứng. Tôi nhớ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát đầu năm 2020, một bài viết đã chỉ ra rằng dịch Covid-19 là cơ hội để giáo dục nước nhà thay đổi, trong đó có cơ hội sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục cho phù hợp với thực tiễn. Bài viết dẫn chứng: Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều nước trên thế giới như Anh, Ấn Độ, Australia... đã hủy hoặc hoãn các kỳ thi trung học phổ thông. Còn chúng ta, trong nội dung Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2019 và có hiệu lực từ 1/7/2020, không có một điều khoản nào quy định trong trường hợp một địa phương, một vùng, hay toàn quốc bị thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh xung đột thì việc dạy, học và thi của học sinh, sinh viên như thế nào.
Mấy ngày gần đây, câu chuyện nông sản xuất khẩu bị ùn ứ tại cửa khẩu biên giới khiến cho dư luận lo lắng. Đấy cũng là cái giá cho sự chưa thích ứng với diễn biến phức tạp của thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, mặc dù chuyện này cũng đã xảy ra nhiều lần trong những năm trước đây.
Nhưng khác với các ngành, nghề khác, “Sản phẩm của giáo dục, dạy học là con người, là tương lai của dân tộc...” - Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói vậy. Cho nên việc 70.000 sinh viên chưa thể tốt nghiệp lúc này với lý do dịch bệnh Covid-19 cũng như học sinh tại nhiều địa phương cho đến nay vẫn đang tiếp tục học trực tuyến cần phải được nhìn nhận, đánh giá và có các giải pháp linh hoạt hơn, sao cho thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Vì vậy, tại hội nghị tổng kết vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó là tăng cường bù đắp chất lượng giáo dục đại học, sau đại học cho sinh viên, học viên. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã lên kế hoạch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường tại tất cả các quận, huyện. Đấy có thể coi là những tín hiệu tích cực.
2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra, khi Chính phủ kêu gọi sự thích ứng an toàn, linh hoạt, rất nhiều ngành đã dần hồi phục trở lại do có sự điều chỉnh kịp thời. Với ngành giáo dục, mong rằng sự thích ứng sẽ nhanh chóng và linh hoạt hơn nữa.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất