14/04/2025 06:19 GMT+7 | Văn hoá
Chúng ta bước sang một tuần lễ mới, với tin vui lớn trong đời sống di sản, khi "Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân" của Việt Nam vừa chính thức được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Tư liệu thế giới.
Đồng thời, Hội đồng chấp hành UNESCO cũng đã thông qua quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO phê duyệt việc vinh danh và kỷ niệm ngày sinh của một số danh nhân trên thế giới - trong đó có Lê Quý Đôn của Việt Nam - tại phiên họp dự kiến vào cuối năm nay.
Ở một diễn biến khác, UNESCO cũng đã có những đánh giá tích cực về công tác chuẩn bị hồ sơ, lưu giữ, trao truyền, quan tâm đầu tư và quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ở trong nước và trên thế giới từ Việt Nam.
Theo kế hoạch, hồ sơ này sẽ được đệ trình UNESO thông qua cũng vào cuối năm nay để công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Nhạc sĩ Hoàng Vân
Có nghĩa, nếu thuận lợi, trong một thời gian nữa, Việt Nam sẽ có thêm Di sản văn hóa phi vật thể thứ 17 được UNESCO vinh danh. Đồng thời, nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 - 2026) cũng sẽ là danh nhân thứ 8 của Việt Nam được UNESCO tôn vinh.
***
Nhìn lại, đã 32 năm kể từ thời điểm Việt Nam lần đầu sở hữu một danh hiệu di sản cấp thế giới (cố đô Huế năm 1993). Để bây giờ, chúng ta đã có một "bộ sưu tập" phong phú, với nhiều danh hiệu tương tự, gần trên như mọi lĩnh vực mà UNESCO đặt ra.
Cũng rất đáng ghi nhận, càng theo thời gian, nhận thức - cũng như cách tiếp cận và xây dựng hồ sơ - của Việt Nam với các danh hiệu này càng trở nên linh hoạt.
Việc một "gia tài sáng tác" khổng lồ của cố nhạc sĩ Hoàng Vân được gia đình dày công sưu tập đã trở thành Di sản Tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam gắn với một nhạc sĩ là ví dụ điển hình.
Rồi, nếu nhìn rộng hơn, chúng ta cũng sẽ thấy: Từ một di sản truyền thống, tranh Đông Hồ đang dần tìm được chỗ đứng trong đời sống hiện đại những năm gần đây.
Không còn "nằm im" trên giấy dó, các họa tiết, bố cục, biểu tượng từ dòng tranh dân gian này đang được các nhà thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, mỹ thuật ứng dụng… khai thác như một kho tư liệu giàu bản sắc, để từ đó kể những câu chuyện văn hóa Việt Nam bằng ngôn ngữ thị giác đương đại trên nhiều sản phẩm.
Hoặc ở một khía cạnh khác, việc vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đang có điểm tương đồng lớn với xu thế tái khẳng định và lan tỏa những giá trị nền tảng của tri thức, của tinh thần học tập và tự học - vốn đang trở thành những yêu cầu cấp bách trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đầy bất định.
Bởi, nhìn vào những gì mà danh nhân này để lại, có thể thấy: những ghi chép, tổng hợp và phân tích của ông không chỉ cho thấy tầm tri thức rộng lớn, mà còn cho thấy một phương pháp luận tự học, tự nghiên cứu rất hiện đại - với việc đọc rộng, ghi chép kỹ, tổng hợp có hệ thống, luôn đặt câu hỏi và đi đến tận gốc của vấn đề. Nói cách khác, đó chính là mẫu hình của người học chủ động - điều mà nền giáo dục hiện đại đang hướng đến trong thời buổi bùng nổ về công nghệ.
Từ một "gia tài sáng tác" được vinh danh đến một ngành nghề được bảo vệ, từ một nhà bác học cổ xưa đến một dòng tranh dân gian đang hồi sinh, những tin vui liên tiếp trong tuần qua là dịp để ta ý thức rõ hơn: Một xã hội phát triển không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn ở khả năng gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản văn hóa.
Ở đó di sản không đơn thuần là những giá trị thuộc về quá khứ cần được bảo tồn, mà còn là một phần của hiện tại và tương lai, với tư cách một động lực có thể kích hoạt bản sắc, sự sáng tạo và sự bền vững.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất