Chánh Tín và những 'đôi mắt xanh'

07/01/2020 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ghi dấu ấn từ phim đầu tiên là Vĩnh biệt tình Hè (1974), trong khoảng 30 phim điện ảnh, phim video và phim truyền hình đã tham gia, vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa vẫn là đỉnh cao sự nghiệp của Nguyễn Chánh Tín, cũng như của lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Tầm cỡ quốc tế của Nguyễn Chánh Tín

Tầm cỡ quốc tế của Nguyễn Chánh Tín

Trong Minh sử có câu rất hay: “Nhân sinh cái quan luận định, nhất nhật vị tử, tức nhất nhật ưu trách vị dĩ”, (tạm hiểu: Đậy nắp quan tài mới có thể luận định đúng sai). Tài tử Nguyễn Chánh Tín như thế nào trong lòng đồng nghiệp?

Phim nhựa Ván bài lật ngửa (8 tập, sản xuất từ năm 1982 đến 1987) với kịch bản do Nguyễn Trương Thiên Lý chuyển từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm, Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) làm đạo diễn. Đây cũng là một trong những phim dài tập nhất của Việt Nam trước năm 1990.

Từ “mắt xanh” của ê kíp làm phim...

Trong một lần trả lời báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), nhà thơ - nhà biên kịch Bùi Chí Vinh khẳng định: “Tôi cho rằng đại tá Nguyễn Thành Luân là vai diễn bất hủ của Nguyễn Chánh Tín, của điện ảnh Việt Nam, nâng anh ấy lên hàng tài tử quốc tế”. Đạo diễn Phương Điền cũng đồng tình: “Tôi nghĩ không phải nền điện ảnh nào cũng may mắn có được một tài tử đẳng cấp và duyên dáng như anh. Đẳng cấp của anh ngang tầm quốc tế”. Vai này vốn dựa trên nguyên mẫu nhân vật lịch sử Phạm Ngọc Thảo - một tình báo huyền thoại của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Vai điệp viên Nguyễn Thành Luân để đời của Nguyễn Chánh Tín. Ảnh trích từ phim “Ván bài lật ngửa”

Khi tuyển vai này cho phim, đã có nhiều tên tuổi lớn được ngắm đến như Thế Anh, Lâm Tới… rồi cả nhà báo Huỳnh Bá Thành. Trong thời “gạo châu củi quế”, vậy mà sau khi quay nhiều buổi với một diễn viên khác, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thấy không đạt, phải tạm dừng phim để chọn một người khác, cuối cùng Nguyễn Chánh Tín được bất chợt nhớ đến. Nhưng éo le thay, lúc đó Nguyễn Chánh Tín đang bị giữ vì vượt biên, làm sao có thể ra thử vai. Chuyện này đến tai ông Dương Đình Thảo (Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM lúc bấy giờ), ông đã trình lên các cấp lãnh đạo để bảo lãnh cho Chánh Tín ra thử vai.

“Đây là vai diễn quan trọng, nên diễn viên không chỉ làm hết sức, mà còn phải làm gấp 2 gấp 3 sức lực của mình” - Lê Hoàng Hoa từng nói như vậy về công lao và tài năng của Nguyễn Chánh Tín. Còn với nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc thì: “Mạnh dạn giao việc cho người tài và xứng đáng, không cứng nhắc xiết chặt lý lịch, cách làm này của những nhà quản lý lúc bấy giờ đã mang lại 3 điều lợi: khán giả không bị bội tín khi được xem một xuất phẩm xứng đáng, người làm nghề - nói như đạo diễn Lê Hoàng Hoa - được thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, còn nhà sản xuất (cũng là nhà nước) an tâm vì đã làm ra được một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao”.

Phim Ván bài lật ngửa đã lần lượt giành giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam năm 1983, giải Đặc biệt tại LHP Việt Nam 1985 - đây cũng là một trường hợp hiếm hoi của Việt Nam khi một phim đoạt giải 2 lần tại LHP Việt Nam. Riêng Nguyễn Chánh Tín thì đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 1985, đây là một trong những dấu mốc để Chánh Tín được phong Nghệ sĩ Ưu tú.

Chú thích ảnh
NSƯT Nguyễn Chánh Tín năm 2010. Ảnh: Bùi Dzũ

Tới “mắt xanh” của Chánh Tín

Trên trang của mình, đạo diễn Charlie Nguyễn viết: “Tôi được làm việc với chú Tín (nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín) qua 4 bộ phim là Dòng máu anh hùng, Cưới ngay kẻo lỡ, Fan cuồng, Em Chưa 18. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lúc tôi khoảng 5, 6 tuổi, chú chở tôi trên chiếc mô-tô đi xem kịch của chú đóng. Khi chạy vô cửa rạp hát, cả trăm người kéo tới xung quanh để xem mặt chú. Tôi ngồi trên bình xăng phía trước nên cảm nhận được giây phút đó rất trọn vẹn. Đó cũng là vở kịch đầu tiên tôi xem chú diễn. Trong vở kịch, chú mặc một bộ vét trắng trông rất phong độ và thu hút. Sau này tôi vẫn thường hay nghĩ có lẽ đêm đó đã khởi nguồn cho sự đam mê nghệ thuật của tôi. Cuộc đời là vô thường nhưng những gì là sự thật sẽ không bao giờ mất”.

Nhiều nghệ sĩ như Trần Cảnh Đôn, Lý Hùng, Quyền Linh, Phước Sang, Nguyễn Dương, Vân Sơn, Johnny Trí Nguyễn, Lý Hương, Long Nhật… cho biết dấu ấn Nguyễn Chánh Tín với sự nghiệp của họ khá rõ ràng. “Anh ấy luôn biết cách khích lệ anh em trẻ theo đuổi đam mê, dám dấn bước trong công việc diễn xuất nhọc nhằn. Nhưng anh ấy không nói xã giao hoặc nói cho có với tất cả mọi người, mà chỉ nói khi nhận ra ở người ấy đủ tố chất để theo nghề, chứng tỏ con mắt xanh” - Phước Sang chia sẻ.

“Chính cậu là nguồn cảm hứng đưa tôi, Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn vào con đường nghệ thuật” - danh hài Vân Sơn khẳng định về cố nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, và cũng là người cậu của mình .

Tang lễ của NSƯT Chánh Tín diễn ra tại nhà riêng (quận 7, TP.HCM) từ chiều 4/1, sau khi ông qua đời vào buổi sáng cùng ngày ở tuổi 68. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 6h sáng ngày mai, 8/1, sau đó gia đình sẽ đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM).

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm