15/02/2023 22:26 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Cuộc tìm kiếm đứa con trai kéo dài 25 năm cuối cùng đã kết thúc bằng sự đoàn tụ. Chàng trai 27 tuổi rời xa cha mẹ nuôi triệu phú để về với gia đình máu mủ của mình.
Trong những ngày qua, video quay lại cảnh người thân hội ngộ đã thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc. Chàng trai Mai Chí Cường 27 tuổi bị bắt cóc khi mới 2 tuổi và được tìm thấy 25 năm sau.
Không giống như những đứa trẻ bị bắt cóc khác, Mai Chí Cường như “chuột sa hũ nếp”, là "người may mắn" thật sự. Bị bắt cóc từ gia đình khá giả và được nhận nuôi bởi một gia đình triệu phú, cư dân mạng đã gọi anh là: Số con nhà giàu bất chấp trắc trở.
Khi được truyền thông chú ý, đối diện trước camera, Mai Chí Cường đã nói: "Thật ra, đôi khi, hạnh phúc không mua được bằng tiền".
Năm 1997, cha mẹ Mai Chí Cường là ông Mai Hiền Hoa và bà Phan Trường Nga đưa con trai nhỏ đến khởi nghiệp ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc).
Ngày 23/7/1997, trời mưa to, mẹ đang nấu ăn, chị gái đang làm bài tập về nhà và Mai Chí Cường, 2 tuổi, đang nghịch nước trước cửa một mình.
20 phút sau, mẹ đi ra không thấy con, hỏi con gái lớn mới biết con trai đang chơi ở cửa. Người mẹ vội vàng chạy đi tìm nhưng không thấy bóng dáng con trai đâu!
Con trai mất tích, mẹ đau buồn suy sụp, nằm trên giường hơn nửa tháng, sau đó mắc chứng trầm cảm, thậm chí còn nghĩ chuyện kết liễu đời mình.
Từ đó, hai vợ chồng bắt đầu cuộc hành trình dài gian nan tìm con, tìm mọi cách nghĩ ra: Huy động người thân, bạn bè cùng tham gia tìm kiếm; gọi cảnh sát; đăng tin trên báo chí và truyền hình; đăng thông báo tìm người mất tích trên toàn quốc; liên hệ Ngân hàng máu...
Nhưng kết quả thất vọng tràn trề, trong nỗi hối hận vô bờ bến, hai vợ chồng trách móc nhau. Chồng trách vợ chăm con không chu đáo, vợ trách chồng bận rộn công việc. Cả hai đều đang trên bờ vực sụp đổ, và họ cần tìm lối thoát cho cảm xúc của mình.
Mất con trai gần như tan vỡ gia đình. Ông Mai Hiền Hoa nói: “Ba, bốn năm đầu khi con trai mất tích, vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã, không còn cảm giác như một gia đình nữa”.
Niềm tin phải tìm được con trai đã giúp hai vợ chồng vượt qua khó khăn. Để tìm con, người cha đã lặn lội khắp nửa Trung Quốc: Quý Châu, Quảng Đông, Vân Nam, Trùng Khánh...
Chặng đường dài để tìm được con là một việc vô cùng tốn công sức, tiền bạc. Mỗi lần ra ngoài tìm kiếm, người cha phải tiêu tốn rất nhiều tiền, phải đối mặt với đủ kiểu lừa gạt, tống tiền. Mặc dù vậy, gia đình chưa bao giờ từ bỏ ý định tìm kiếm con trai.
25 năm, hơn 9.000 ngày đêm, gia đình chìm trong sự giày vò của “tìm kiếm, chờ đợi, ân hận và đau đớn”.
Mỗi năm đến sinh nhật con trai, cả nhà đều chìm trong không khí u ám, mua bánh kem cho con trai nhưng không ai đủ can đảm cắt ra. Trong bữa cơm sum họp trong ngày lễ, họ sẽ dọn bàn và dọn bát đũa cho con trai, nhưng không ai buồn ăn.
Khi cha mẹ mua nhà cho con gái lớn và con trai út, họ cũng mua một căn cho Mai Chí Cường vì tin chắc anh sẽ trở về.
Cuộc sống của cha mẹ ruột như địa ngục sau sự việc mất con, Mai Chí Cường thì sao?
Mai Chí Cường, lúc đó mới 2 tuổi, bị bán cho một gia đình ở Phủ Điền, Phúc Kiến. Cha mẹ nuôi cực kỳ giàu có, sở hữu mấy bệnh viện tư nhân, tài sản lên tới hàng trăm triệu NDT.
Cha mẹ nuôi ban đầu có hai cô con gái, nhưng vì để có con trai nối dõi tông đường, họ đã tìm cách mua Mai Chí Cường, sau đó vài năm họ lại sinh thêm một bé trai.
Lớn lên trong gia đình có bố mẹ giàu có nên cuộc sống của Mai Chí Cường rất sung túc. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh không muốn đi học nữa, cha mẹ nuôi cũng thấu hiểu và ủng hộ: "Đối với một gia đình như chúng tôi, việc có đi học đại học hay không thực sự không quan trọng".
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp cấp ba, Mai Chí Cường làm việc trong bệnh viện của gia đình. Anh đeo đồng hồ trăm nghìn NDT (hơn 340 triệu đồng), lái Ferrari triệu đô và đương nhiên không phải lo lắng về chuyện cơm áo gạo tiền.
Tuy nhiên, tình yêu của cha và mẹ mà Mai Chí Cường cảm thấy dường như không đủ. Anh lớn lên cùng ông bà ngoại, và có lẽ có sự nhạy cảm trong tính cách nên anh đã cảm thấy mình không phải con ruột từ nhỏ.
Phóng viên hỏi Mai Chí Cường tại sao lại cảm thấy như vậy, anh nói: "Từ một số chi tiết của cuộc sống", ngoài ra không tiết lộ cụ thể cho phóng viên.
Từ cách trò chuyện và ánh mắt, bạn có thể cảm nhận được sự nhân hậu, nhẫn nhịn, nhạy cảm cũng như khát khao về tình cha, tình mẹ, tình gia đình. Chính vì niềm khao khát ấy, cộng với ấn tượng mơ hồ về “đồng lúa, đầm sen” ở quê nhà, Mai Chí Cường đã nảy ra ý định đi tìm cha mẹ đẻ.
Một ngày nọ, anh đến sở cảnh sát đăng ký tìm kiếm người thân, nhưng không ôm quá nhiều hy vọng. Thật bất ngờ, trong vòng chưa đầy một tháng, anh đã được cảnh sát giúp tìm lại cha mẹ ruột.
Sau 25 năm dài tìm kiếm và chờ đợi, gia đình nhà họ Mai cuối cùng đã đạt được ước nguyện và tìm thấy con trai Mai Chí Cường.
"Hạnh phúc không mua được bằng tiền" - cảm xúc chân thành của một đứa trẻ bị bắt cóc
Trước khi nhận người thân, Mai Chí Cường đã nóng lòng chạy đến khách sạn để tạo bất ngờ cho cha mẹ mình. Ngày nhận nhân thân, bố mẹ ôm anh khóc nức nở: “Con ơi, cha đã tìm con 25 năm rồi, con có biết không?”.
"Con tên là Mai Chí Cường, người Giang Tây, hôm nay cùng bố mẹ trở về Giang Tây...".
Mai Chí Cường đã khóc và ôm cha mẹ nói: "Lần đầu tiên con cảm nhận được cảm giác thân thiết như vậy".
Sau khi tìm được người thân thành công, Mai Chí Cường không chút do dự cùng cha mẹ ruột trở về nhà, đồng thời chuyển hộ khẩu về quê. Anh nhanh chóng hòa nhập với gia đình thực sự của mình, gửi hoa và nấu ăn cho cha vào “Ngày của Cha”, vui vẻ sống cùng chị gái và em trai... Cuộc tìm kiếm đứa con kéo dài 25 năm cuối cùng đã kết thúc bằng sự đoàn tụ.
So với nhiều đứa trẻ bị bắt cóc khác, Mai Chí Cường quả thực may mắn, được lớn lên trong gia đình giàu có và được trở về với cha mẹ ruột. Tuy nhiên, đừng vì người mua là một triệu phú mà nạn buôn bán trẻ em bị ngó lơ! Đó không thể là lý do để giảm nhẹ tội cho những kẻ buôn người!
Như Đổ Tiểu Hoa, một người cũng đang tìm kiếm thân nhân đã giúp Mai Chí Cường thành công tìm lại cha mẹ, cho biết: “Điều kiện dù có tốt đến đâu cũng không thể che giấu được tội danh mua bán trẻ em”.
Vật chất dù phong phú đến mấy cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt về tình cảm của trẻ. Hơn nữa, không phải cha mẹ ruột của Mai Chí Cường không đủ khả năng nuôi anh, không cần đến cha mẹ nuôi hiện tại, anh vẫn có cuộc sống đủ đầy và có thể hạnh phúc hơn!
Mai Chí Cường hiện đang làm việc cho công ty kinh doanh của gia đình cha mẹ ruột, một công ty cung cấp vật tư khách sạn.
Ông Mai Hiền Hoa cho biết ông sẽ dạy con trai cả cách điều hành công việc kinh doanh và sau này sẽ giao công ty cho anh.
“Cho dù họ giàu có đến đâu, tình yêu của họ khác với chúng tôi - tình yêu của cha mẹ ruột”, ông Mai Hiền Hoa nói với phóng viên.
Mai Chí Cường cho biết anh không cảm thấy xa lạ với gia đình ruột thịt của mình chút nào vì “tôi có thể cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ dành cho tôi”.
Mai Chí Cường cũng cho biết anh muốn sống một cuộc sống bình thường và đơn giản, đồng thời nhận lời phỏng vấn của truyền thông chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của mọi người đến những gia đình khác vẫn đang tìm kiếm đứa con bị bắt cóc của họ.
Đừng chỉ nhìn vào chiếc đồng hồ trăm nghìn trên tay mà bỏ qua nỗi cay đắng “sống chui rúc” suốt 25 năm của Mai Chí Cường. Câu nói "Hạnh phúc không mua được bằng tiền" không phải là “câu cửa miệng” của những người giàu có, mà là cảm xúc chân thành của một đứa trẻ bị bắt cóc.
Cầu mong trên thế giới không còn cha mẹ phải nếm trải nỗi đau chia ly!
Nguồn: SCMP, 163
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất