15/02/2023 16:06 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Cuối năm 2016, Lê Hữu Toàn (SN 1993, quê Đắk Lắk) có chuyến đạp xe xuyên Việt hai tháng từ Cà Mau ra Hà Giang để trải nghiệm. Hành trình đem lại cho Toàn nhiều trải nghiệm, đặc biệt khi đi qua những vùng núi phía Bắc, Toàn rất ấn tượng với những ngôi nhà bằng đá vừa đẹp lại độc đáo, gần gũi của đồng bào dân tộc thiểu số.
“Ngay lúc đó mình suy nghĩ, nếu có tiền chắc chắn sẽ xây dựng một ngôi nhà bằng đá. Sau chuyến đi xuyên Việt, mình có tìm hiểu và tham khảo rất nhiều kiến trúc, lâu đài và nhà làm bằng đá, phác thảo bản vẻ ngôi nhà tương lai”, Toàn nói.
Và thế là, ước mơ về một ngôi nhà bằng đá độc lạ được chàng trai trẻ cứ thế nhen nhóm. Nhưng phải đến năm 2021, Toàn mới bắt tay vào thực hiện. Ngôi nhà cũ 3 gian của gia đình Toàn xây dựng từ gần 30 năm trước, xây dựng theo phong cách truyền thống, hiện đã xuống cấp ít nhiều.
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, TP. HCM giãn cách xã hội. Công việc của Toàn bị ảnh hưởng. Dù không thể đi làm nhưng bù lại, thu nhập của chàng trai không bị ảnh hưởng. Tích lũy được chút vốn, Toàn về quê bàn với gia đình xây nhà. Nhưng đổi lại, anh chỉ nhận được những cái lắc đầu phản đối.
“Từ trước giờ, gia đình chưa thấy ai xây nhà như vậy cả. Mọi người lo không biết đá có xây được không. Mình cũng hỏi ý kiến tham khảo của cô chú hàng xóm để được tư vấn thêm. Tất cả đều nói chưa thấy nhà như vậy bao giờ, sẽ không xây được đâu.
Nhưng mình vẫn kiên định với ý tưởng, thuyết phục với gia đình, nói rằng đây là ước mơ mà mình đã ấp ủ từ 4 năm trước nên rất muốn thực hiện nó, đồng thời cho gia đình xem những tấm ảnh về các ngôi nhà bằng đá mình đã tham khảo. Và cuối cùng gia đình mình cũng đồng ý và ủng hộ”, Toàn tâm sự.
Chàng trai trẻ quả quyết với người thân, nếu không tìm thấy được loại đá để làm nhà thì sẽ xây bằng gạch bình thường. Ngày hôm sau, Toàn cùng chú ruột đi 50km tới một huyện khác để tìm đá chẻ. Quan sát dọc đường đi, anh tìm thấy một số nơi có loại đá đúng như ý định và hỏi người dân tìm đến nhà thợ chẻ đá.
Sau khi lên tham quan bãi đá, thương lượng giá cả, Toàn hoàn tất đặt cọc. Bước kế tiếp, anh bắt tay vào tìm thợ xây: “May mắn nhà chú của mình bên cạnh mới sửa nhà. Mình qua nói chuyện đặt vấn đề để xây dựng luôn. Khi nói xây nhà bằng đá, thợ đều ngạc nhiên vì chưa thấy ai xây như vậy bao giờ, họ mới chỉ thấy xây bờ bao và đập thôi. Nhưng cuối cùng họ vẫn đồng ý nhận”.
Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn
Bắt tay vào thi công, Toàn gặp khó khăn vì có quá nhiều vấn đề phát sinh. Tiền chở đá chẻ rất cao, mỗi lần chỉ chở được 500 viên bởi khối lượng rất nặng, quãng đường đi xa, 50km. Mỗi viên đá có giá 4.800 đồng, trong khi tiền vận chuyển trung bình 1 viên là 2.000 đồng.
“Vì đá nặng, sợ lún nên mình đổ 12 đế móng. Móng có thể chịu tải được ngôi nhà 3- 4 tầng. Nhóm thợ rất vất vả để vận chuyển và xây. Mỗi lần thồ bằng xe rùa chỉ được 4 viên, và khi lên càng cao thì càng khó đưa đá lên. Phải mất nguyên một ngày với 40 người để hoàn thiện phần móng”, Toàn bày tỏ.
Vì đá không đồng đều nên hầu hết phải đập và đẽo lại để để xây dựng và chỉ xây thẳng được một mặt. Toàn xây thẳng mặt ngoài, còn phía trong bị lồi lõm khá nhiều. Điều này cũng dẫn đến việc trát tường phòng ngủ và nhà vệ sinh tốn thêm hồ, thời gian bị trì hoãn lâu hơn.
Thời điểm thi công đúng lúc dịch bùng phát, việc xây nhà của Toàn phải dừng theo chỉ thị 16, hai lần. Đến tháng 10/2021, Toàn trở về TP.HCM làm việc trở lại. Khi đó, ngôi nhà đã hoàn thiện 90%. Tổng diện tích là 80m2, bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 nhà bếp, 1 nhà tắm, 1 WC, 1 gác lửng 24m2. Tổng chi phí xây dựng khoảng 500 triệu.
Toàn hạnh phúc khi bước chân vào ngôi nhà được xây với bao tâm huyết: “Mình thật sự rất vui. Mùa hè nhà rất mát, mùa đông lại ấm. Vì không ở nhà thường xuyên nên mình chưa trang trí được. Nhưng trong tương lai mình sẽ phủ kín tường ngoài bằng dàn cây leo tường và hoa hồng leo”.
Ngôi nhà trong mơ của Hữu Toàn đã hoàn thiện
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất