Arsenal kém Barca về đẳng cấp

16/03/2016 18:46 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Lần gần đây nhất Arsenal tới Camp Nou, năm 2011, kịch tính lên tới cao trào cả trong và ngoài sân cỏ. Cột mốc đó là rất có ích để nhìn thấy khoảng cách giữa họ với Barca kể từ khi 2 đội đối đầu nhau ở chung kết Champions League 2006.

4 và 22 chiếc cúp

Bàn thắng vào những phút cuối của Juliano Belletti ở Paris 10 năm trước đã khiến đội bóng chỉ còn 10 người chiến đấu rất can đảm của HLV Arsene Wenger ra về trắng tay. Từ đó tới nay, Arsenal có thêm 4 danh hiệu nữa, một nửa là Community Shield.

Cũng trong thập kỷ đó, Barcelona đoạt 22 chiếc cúp khác nhau, bao gồm 3 Champions Leagues. Họ thống trị cả châu Âu và thế giới (3 World Club Cup), chứ không chỉ TBN.

Trở lại với trận đấu 5 năm trước ở Camp Nou. Kịch tính bắt đầu từ trước khi khai cuộc. Pep Guardiola nhận xét về Jack Wilshere: “Anh ấy là một cầu tuyệt vời cả ở Arsenal và ĐT Anh, nhưng anh ấy may mắn (ở Arsenal), vì ở đây chúng tôi có rất nhiều cầu thủ trẻ với trình độ như thế. Thêm nữa, ở đó họ không chịu áp lực phải giành danh hiệu”.

02h45 ngày 17/3, Barcelona - Arsenal (lượt đi 2-0): Vùng lên hay sụp đổ hoàn toàn?

02h45 ngày 17/3, Barcelona - Arsenal (lượt đi 2-0): Vùng lên hay sụp đổ hoàn toàn?

Chỉ có Arsene Wenger mới đặt cược vào chiến thắng cho Arsenal. Vì đội bóng cùng quẫn của HLV người Pháp chỉ còn thiếu một bước chân nữa trước khi sa chân vào hố thất vọng.

Khó thể nói Guardiola vô tình. Đó không phải là một nhận xét về Wilshere, mà rõ ràng là về Arsenal và Wenger. Lúc đó, năm 2011, Pháo thủ đã trải qua 5 năm trắng tay (và sẽ thêm 3 năm nữa).

Nhưng Guardiola không phải là không có lý. Giai đoạn trắng danh hiệu dài nhất ở Camp Nou (1999-2003) từng gây ra hỗn loạn về xã hội tại xứ Catalunya cũng như những cuộc cách mạng liên tục ở Barca.

Phát ốm vì thất bại, bóng đá thiếu sức sống và bị Real Madrid cuỗm mất Luis Figo, các hội viên Barca nổi loạn, bỏ phiếu đuổi cổ những người cũ và đưa vào ghế chủ tịch một nhà điều hành trẻ trung, năng động: Joan Laporta, người thề trung thành với những triết lý Johan Cruyff.

Laporta đã đặt nền móng cho 12 năm thành công nhất, bền vững nhất và cả với thứ bóng đá đẹp mắt nhất trong lịch sử CLB. Đòi hỏi với Barca là rõ ràng và dứt khoát: họ không chỉ phải vô địch ở mọi giải đấu họ tham gia, mà còn phải chiến thắng với tư cách là đội đá đẹp nhất.

Còn đòi hỏi với Arsenal trong giai đoạn đó là gì? Chiếc cúp hạng 4 nổi tiếng của Wenger! Những nhận xét của Guardiola không phải là xúc xiểm Wilshere hay Arsenal, ông chỉ đơn giản nói lên sự thật: yêu cầu cơ bản ở Emirates chưa bao giờ là vô địch Premier League, chứ đừng nói Champions League.

Đầu tư bài bản

Không sai, Barca có Lionel Messi, Xavi và Andres Iniesta, khiến việc chiến thắng dễ dàng hơn nhiều, nhưng vấn đề còn ở chỗ bên cạnh bộ ba đó, mọi cầu thủ của Guardiola đều được yêu cầu phải vô địch, không gì khác.

Ở Arsenal, người ta chỉ nói về dài hạn, tình hình thực tế và viện ra những lý do giải thích cho thất bại của việc không vô địch, hay ca ngợi vị trí thứ 4 cũng là thành công. Những lời của Guardiola 5 năm về trước càng đúng ở mùa giải này, khi Barca đang hướng tới một mùa giải ăn ba nữa, còn Arsenal đã bị loại khỏi 2 giải cúp quốc nội, bị Spurs và Leicester bỏ xa ở Premier League và tới Camp Nou với 2 bàn bị dẫn trước.

Cũng đáng nhớ lại xem Guardiola nói về những ai khi ông so sánh Wilshere với các cầu thủ trẻ Barca. Nhìn lại, có thể kể ra đây Sergi Roberto, Nolito, Oriol Romeu, Sergi Gomez, Jonathan Dos Santos, Thiago, Rafinha, Martin Montoya và Gerard Deulofeu.

Tất cả họ giờ không còn ở Barca, trừ Sergi Roberto và Rafinha. Sergi Roberto ra mắt cũng ở Champions League mùa 2011 đó, nhưng mất mấy mùa giải nữa mới thực sự có chỗ đứng vừa phải ở CLB. Rafinha bị mang cho mượn ở Celta Vigo và tới giờ chưa chắc suất đá chính.

Thiago phải ra đi để tìm kiếm cơ hội ra sân và hiện vẫn được Guardiola dìu dắt, nhưng như HLV người Catalunya đã tiên đoán, những cầu thủ trẻ khác của ông không chịu nổi áp lực thành tích và sự cạnh tranh khốc liệt tại Camp Nou, họ lần lượt phải ra đi. Những người đó có người hơn, người kém so với Wilshere, nhưng đều là các tài năng trẻ sáng giá ở thời của mình.

Camp Nou là nơi luôn muốn thấy các cầu thủ trẻ tỏa sáng, nhưng hành trình lên đội 1 cực kỳ chông gai. Đơn giản là bạn phải giỏi nhất nếu muốn chơi cho một nhà vô địch. Cho một đội đặt mục tiêu về đích hạng 4 thì lại không nhất thiết.

Và không chỉ có những người tự đào tạo, những người được mua về cũng phải là giỏi nhất.

Petr Cech đã là một người thay thế Jens Lehmann mà Wenger tìm kiếm bấy lâu. Để so sánh, ngay lúc còn chưa bán đi Victor Valdes, thủ môn hay nhất mọi thời của họ, Barca đã công bố việc đưa về 2 tay giữ gôn thượng thặng khác, Claudio Bravo và Marc Andre Ter Stegen.

Luis Suarez lẽ ra cũng đã là người của Arsenal, nếu Wenger bỏ được thói keo kiệt của ông. Ivan Rakitic? Một chữ ký trong mơ với Pháo thủ. Jeremy Mathieu? Cao lớn, tốc độ và đủ khéo léo cho bất cứ đội nào ở Premier League. Javier Mascherano? Thủ lĩnh tuyến giữa mà Arsenal đã không có nhiều năm qua. Tất cả đều từng là những mục tiêu của Wenger, để rồi không ai tới Emirates cả.

Rồi khi Samuel Eto’o quyết định rời Camp Nou năm 2009, Wenger đã muốn có anh, nhưng rồi ông cân nhắc và cho rằng tiền đạo này đã qua thời đỉnh cao và không thể có giá trị gia tăng nữa (cũng là lý do khiến ông bán đi Thierry Henry, Patrick Vieira và Robin van Persie). Eto’o giành cú ăn ba với Inter ngay mùa sao đó. Gonzalo Higuain là một sự tiếc nuối khác mà nhiều CĐV áo đỏ-trắng sẽ không bao giờ quên.

Đào tạo những tài năng trẻ ở đẳng cấp như Messi, Pique, Puyol, Iniesta, Xavi, Valdes, Busquets và Pedro là điều không thể với gần như mọi đội bóng, trừ Barca, nhưng Barca đã không chỉ chiến thắng bằng những người đó, họ còn biết mua sắm rất xác đáng, dám chi, chịu chi và sẵn sàng chi.

Tối nay, Gerard Pique vắng mặt vì chấn thương và Arsenal đang ở thế không còn gì để mất, nhưng vấn đề của họ là đẳng cấp, chứ không phải chiến thuật hay chiến lược.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm