04/04/2014 09:12 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sau bức thư của Nghiên cứu sinh Ngô Quang Vinh đăng tải, rất nhiều người Việt học tập, sinh sống và làm việc trong và ngoài nước cảm thấy buồn và tức giận khi một bộ phận người Việt đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh cả cộng đồng.
Thể thao& Văn hóa có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục về vấn đề trên.
* Đầu tiên, xin hỏi TS có hay ra nước ngoài không?
- Tôi cũng hay đi công tác nước ngoài, với mật độ vừa phải.
*Vậy sau mỗi chuyến công tác, TS mua các món đồ xách tay về?
- Có. Nhưng không nhiều, chủ yếu làm quà cho gia đình, bạn bè.
*Gần đây, xảy ra hàng vụ việc liên quan tiếp viên hàng không của hãng hàng không quốc gia; cảnh sát Nhật học tiếng Việt để xử lý người vi phạm; và các tấm biển cấm nhiều nơi trên thế giới có chữ tiếng Việt để nhắc nhở người Việt tuân theo quy định chung. TS đánh giá sao về điều này?
- Cảm giác đầu tiên khi nghe những “tin dữ” liên tiếp như vậy là cay đắng và thất vọng. Song khi truyền thông vào cuộc mạnh mẽ như vừa qua, tôi lại thấy trong đó có những nét tích cực riêng.
Vì Việt Nam không phải là dân tộc duy nhất trên thế giới có “thói hư tật xấu”. Trước đó, Bá Dương ở Trung Quốc đã nổi tiếng với cuốn Người Trung Quốc xấu xí. Rồi cuốn “Người Mỹ xấu xí” cũng được Chính phủ Mỹ coi là tài liệu tham khảo quan trọng... Bất cứ dân tộc nào cũng mang trong mình khiếm khuyết. Nhưng sự khác nhau giữa văn hóa ứng xử của các dân tộc khác nhau ở chỗ có dám nhìn thẳng bản chất vấn đề, để khắc phục những khiếm khuyết và vươn lên.
Và đây là cơ hội để chúng ta tự “mổ xẻ” tích cách để hoàn thiện mình.
*Có ý kiến cho rằng, những sự vụ gần đây là biểu hiện của căn tính tiểu nông, manh mún, chộp giật, ông nghĩ sao?
- Luận điểm này rất yếu. Bởi không phải mình Việt Nam có văn minh lúa nước. Và nữa, nói tới căn tính dân tộc phải gắn với tiến trình phát triển văn hóa, lịch sử chứ không thể tách bạch, suy nguyên vậy được.
*Trong suốt dặm dài lịch sử, giai đoạn nào tác động lớn nhất tới căn tính người Việt gây những ảnh hưởng không tốt tới văn hóa ứng xử thưa ông?
- Đó là những giai đoạn đất nước bế quan tỏa cảng. Mọi hệ giá trị về luật pháp, đạo đức (thứ để điều chỉnh hành vi ứng xử) đều được xây dựng bằng những yếu tố nội sinh.
Dù các yếu tố nội sinh mang những giá trị rất tốt song khi nó không được giao thoa, sự phát triển dễ dẫn tới lệch lạc theo một chiều hướng nào đó.
Hơn thế, sự quan phương biệt lập cũng khiến những “lời ru” đất nước ta rừng vàng biển bạc, con người ta anh dũng kiên cường thành giá trị tưởng chừng bất biến.
Và khi đất nước mở cửa, người Việt lập tức bị shock văn hóa và cả những khác biệt trong xã hội khiến ta có những hành vi lệch chuẩn.
*Cụ thể “sự khác biệt trong xã hội” ở nước ta so với các nước khác thế nào thưa ông?
- Thật khó để so sánh một quốc gia với tất cả các nước khác. Song thử nhìn lại, những lỗi mà chúng ta đang chỉ trích một bộ phận cộng đồng người ở nước ngoài, trong xã hội ta có không?
Tôi có thể khẳng định chúng ta có rất nhiều. Không chỉ ăn cắp vặt, chuyện “đánh quả lớn” cũng không phải là chuyện lạ tai nữa.
Còn vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng... thì ai cũng rõ tình trạng trong nước đang như nào.
*Theo ông, ngoài tác động từ truyền thông, điều gì sẽ làm người Việt.. bớt “xấu xí”?
- Để tác động từ gốc, đương nhiên là giáo dục.
*Ông có thể nói rõ hơn?
- Chúng ta cần dạy những đứa trẻ là một người bình thường với những ý thức, trách nhiệm của con người. Thay vì dạy các em thành các “siêu nhân” có khả năng tính toán siêu tốc, viết siêu đẹp song không biết đâu là chuẩn mực đạo đức.
*Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phạm Mỹ (thực hện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất