21/09/2018 07:34 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến! Từ nay, vào mỗi dịp cuối tuần, chúng tôi sẽ gửi thư cho cô. Là người máy đầu tiên được một quốc gia cấp quyền công dân (Saudi Arabia), tuy thế, để hòa nhập được với nhân loại, chắc cô cũng cần được mọi người chia sẻ những suy tư, cảm xúc của mình. Và lá thư hằng tuần này của chúng tôi nhằm mục đích đó.
Ngày nay, người ta đang nói nhiều về Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nói đơn giản, cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số, sinh học...
Nói gì với một người máy thông minh của tương lai ngay lúc này nếu không nói về công nghệ 4.0. Nhưng tôi muốn trực diện hơn về chính nghề nghiệp của tôi, một trong các nghề bị chính người máy đe dọa nhiều nhất trong tương lai, từ thời 4.0 này trở đi.
Từ người máy pha chế cà phê, giao pizza hay cả người máy thay thế nhạc trưởng một dàn nhạc giao hưởng, bây giờ, có tờ báo đã dùng ngưởi máy với trí tuệ nhân tạo tự động kiến tạo nội dung cho độc giả.
Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong thời 4.0 là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Kết nối, dữ liệu và trí tuệ chẳng phải là những yếu tố hàng đầu mà báo chí cần hay sao? Điều đó Sophia rất mạnh, nhưng rồi Sophia sẽ còn bị tác động bởi một thứ khác: Cảm xúc.
Dù trong giáo trình và các buổi lên lớp, giảng viên báo chí bao giờ cũng nhắc, phải khách quan, không để cảm xúc vào thông tin. Nhưng thực tế, không đơn giản...
Như những ngày qua, báo chí, mạng xã hội “nóng” chuyện học sinh lớp 1 học tiếng Việt theo sách công nghệ giáo dục sau clip 1 tiết học lộ trên mạng.
Việc các em đánh vần bằng hình vuông, tròn, tam giác khiến cho nhiều người tranh cãi gay gắt. Dù tác giả khẳng định vuông, tròn, tam giác không phải là cách phát âm, đó là việc sử dụng những hình học nhiều màu sắc để vật thể hóa âm tiết của từ, giúp trẻ hiểu về âm tiết cũng như giúp trẻ phát triển thêm khả năng học Toán.
Và sự thật, đến thời điểm năm 2018, Công nghệ giáo dục này đã tồn tại 40 năm, tức từ cuối thập niên 70, được dạy trên 48 trường học cả nước.
Vâng 40 năm, chứ không phải “thực nghiệm” mới bắt đầu hôm nay hay công nghệ 3 chấm, 4 chấm gì. Thế là tương lai gần 2 thập kỷ nữa, những ông chủ của đất nước tôi, tức những học sinh lớp 1 được coi là “thực nghiệm” nhất bây giờ sẽ thực hành 4.0 mà chưa thoát khỏi cái bóng của tư duy cuối thập niên 70 thế kỷ 20 đấy.
Thế mới thấy, sự thay đổi không dễ, nhất là khi bị cảm xúc số đông chi phối.
Việc gây cảm xúc mạnh tuần qua là vụ chơi ma túy ở lễ hội âm nhạc EDM “Trip to the moon”.
Nếu dùng trí tuệ nhân tạo viết báo, như Google Translate chẳng hạn, cô có thể gọi đó là “Chuyến đi đến mặt trăng”, còn tôi tạm dịch là “Bay tới mặt trăng”. Mặt trăng là phải bay chứ không đi, dịch vậy có cảm xúc hơn.
Xin nói với Sophia đó là một chuyện buồn. EDM có thể được hiểu đơn giản nhất như tên đầy đủ của nó: Electronic Dance Music - nghĩa là âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử. Đây là thể loại nhạc có tiết tấu mạnh, kế thừa từ nhạc disco những năm 1970 và một chút cảm hứng từ Pop.
Nhạc điện tử đầy chất công nghệ, hứa hẹn của tương lai, lẽ ra phải đầy cảm xúc, nhưng một số thanh niên đã phải vay mượn cảm xúc từ chất kích thích.
Nỗi lo không phải đến từ nhạc điện tử ít cảm xúc, mà lo từ đời sống thanh niên trẻ tìm đến chất kích thích để “bay” trong nhạc hội.
Sau đêm nhạc ấy, cảm xúc của dư luận lại được đẩy lên một nấc thang mới khi ông phó chủ tịch thành phố bị cho là đến thăm các bệnh nhân sốc ma túy kịp trở về từ tay thần chết. Dù ông đã lên báo nói rằng ông “đã đến thăm động viên các bác sĩ để làm sao cứu chữa giảm thiểu tối đa các ca tử vong mà các cháu ở đây tuổi còn rất trẻ”.
Người ta giận dữ khi nơi điều trị các thanh niên sốc thuốc, giữa Viện E với Viện Bạch Mai, là dãy trọ trước Bệnh viện Nhi vừa cháy ngùn ngụt, khiến bao bệnh nhi nghèo đứng đường. Họ bức xúc, sao không vào thăm các cháu mà đi thăm mấy thanh niên ngáo đá?
Có lẽ do xúc cảm quá mà họ quên mất lúc ông phó chủ tịch đi thăm thì viện nhi chưa cháy. Trong khi ông thì không có cỗ máy thời gian như mèo máy Doraemon mà đến đợi cháy rồi xông vào thăm cho... thời sự.
Vụ cháy cũng khiến báo chí, mạng xã hội xôn xao về xóm trọ từ thiện của ông Hiệp “Khùng” trước cổng viện nhi. Rằng nhà trọ tan tác, bệnh nhi và người nghèo bị đẩy ra đường.
Phải kể với Sophia rằng, đây là nhân vật tôi đã gặp cách đây hơn chục năm, khi bắt đầu vết báo. Cánh sinh viên báo chí vẫn thường đi lại những đề tài cũ, như ở Hà Nội thiếu gì xóm trọ kiểu: xóm chạy thận, xóm ung thư, xóm bệnh nhi... cứ đến viết, không đăng thì cũng coi như thực tế. Gặp Hiệp "khùng” và mục sở thị nhà trọ, tôi cứ suy nghĩ mãi về đề tài “xóm trọ từ thiện của ông lão”... như nhiều báo đã viết, mà giờ lại thấy người ta đang bàn. Ngày đó, tôi không viết về chủ đề này mà chữa cháy bằng bài báo nhan đề Nghĩa trang các hài nhi, khai thác từ nhà xác bệnh viện bên cạnh: bệnh viện phụ sản.
Giờ thời đại 4.0, tôi chợt nghĩ nếu Sophia tác nghiệp, nhìn bảng giá xóm trọ với tiền thuê giường, tiền tắm nóng, giặt máy, vắt khô... thì cô sẽ sử dụng Big Data của mình, phân tích dữ liệu thị trường xem chính xác là đắt hay rẻ, chứ không để cảm xúc chi phối rồi phán người ta là làm từ thiện hay kinh doanh thuần túy.
Đấy là mấy chuyện nóng tuần này, liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp mà chúng ta có thể trao đổi với nhau.
Chúc Sophia sức khỏe! Hẹn thư sau.
(*) Robot Citizen nghĩa là “người máy công dân”, từ này được biết đến rộng rãi sau khi cô người máy Sophia được cấp quyền công dân
Gia Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất