Cafe đầu tuần: Khi Tottenham muốn được gọi là Spurs

24/02/2025 13:52 GMT+7 | Bóng đá Anh

Những người tinh mắt xem chương trình của Sky Sports phát trực tiếp trận thắng 1-0 của Tottenham Hotspur trước Manchester United một tuần trước sẽ nhận thấy một sự thay đổi nho nhỏ.

1. Khi huấn luyện viên trưởng Ange Postecoglou được phỏng vấn trước trận đấu và được hỏi về niềm vui khi các cầu thủ của ông trở lại sau chấn thương, dưới thanh mô tả ghi vai trò của ông là "Huấn luyện viên trưởng Tottenham Hotspur".

Khi đội hình xuất phát của Tottenham được hiển thị ở phía bên trái màn hình, ở trên cùng có ghi "Spurs". Và khi đồ họa bắt đầu phát hình ảnh từng người trong đội, bắt đầu với HLV Postecoglou, chữ viết trên ngực ông là "Spurs".

Nếu bạn xem chương trình của Sky Sports phát trận thua 2-3 của Tottenham trước Everton vào ngày 19/1, chi tiết này có vẻ hơi khác. Trong cuộc phỏng vấn trước trận đấu của Postecoglou, ông được mô tả là "HLV trưởng Tottenham". Đồ họa đội bóng chỉ có từ "Tottenham" ở trên cùng. Và hình cận HLV Postecoglou khoanh tay lại cũng có chữ "Tottenham" trên ngực.

Khi Sky Sports hiển thị bảng xếp hạng Premier League, nơi họ đứng thứ 18/20, cũng lại là "Tottenham".

Câu trả lời hoá ra nằm trong một email được gửi tới các đài phát sóng Premier League vào ngày 10/2. Với tiêu đề "Cập nhật Tên gọi Tottenham Hotspur", email làm rõ cách mà câu lạc bộ muốn được gọi tên.

Tottenham Hotspur đã yêu cầu được gọi đầy đủ là Tottenham Hotspur, với Spurs là phiên bản ngắn ưa thích. Câu lạc bộ yêu cầu các đài không gọi mình là Tottenham.

Hướng dẫn này đã được gửi đến các nhà phát sóng Premier League trên toàn thế giới. Những thay đổi mà Sky Sports thực hiện trên đồ họa của họ cũng đã được các mạng khác phát sóng các trận đấu của Tottenham áp dụng. Trang web Premier League cũng tuân theo.

Giải thích của câu lạc bộ về thay đổi này rất đơn giản: Tottenham là tên của khu vực, nhưng không phải là tên của câu lạc bộ. CLB không chủ trương gọi mình là Tottenham, và điều này không có gì mới mẻ: Nó đã là quan điểm của đội bóng kể từ năm 2011. Họ chỉ chợt nhớ ra rằng mình cần phải được gọi đúng tên trở lại.

Cafe đầu tuần: Khi Tottenham muốn được gọi là Spurs - Ảnh 1.

Tottenham không muốn “bị” gọi là... Tottenham

2. Có gì thay đổi giữa một Spurs đang ngụp lặn ở vị trí 18/20 với một Spurs vừa thắng liên tiếp 2 trận để leo lên vị trí thứ 12? Vẫn là đội hình như thế, vẫn HLV cũ, nhưng họ đã thực sự chiến đấu.

Tôi không muốn áp đặt, nhưng email về chuyện tên gọi vừa rồi có lẽ cũng có một vai trò tinh thần nào đó: Một CLB tự dưng nhận ra rằng họ đã bị gọi nhầm tên suốt 14 năm, và họ muốn chấn chỉnh lại điều này. Rồi họ đột nhiên giành chiến thắng.

Có thể chỉ là sự trùng hợp, nhưng một thí nghiệm tâm lý học về danh tính vào năm 1973 đã rút ra một kết quả: Ý thức về cái tôi mạnh mẽ bao nhiêu thì động lực hành động lớn bấy nhiêu.

Một sáng thức dậy, ban lãnh đạo của Tottenham Hotspur có lẽ đã thử rà soát lại xem có gì không ổn không, và họ tự dưng nhớ ra rằng bản ngã của mình đang bị bỏ quên, từ một cái tên bị gọi nhầm 14 năm. Một cú hích đôi khi đơn giản chỉ là nhớ lại xem mình là ai.

Có rất nhiều đội bóng đang cần một cú hích như thế. Man City vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng sau khi bị Real Madrid loại khỏi Champions League và đang kém Liverpool đến gần 20 điểm trên bảng xếp hạng Premier League. Manchester United còn hoang mang hơn, với một HLV mới, một đội hình lộn xộn và một tương lai vô định với nợ nần bủa vây.

Arsenal thì vẫn thế: Cho dù Mikel Arteta có dùng bao nhiêu biện pháp tâm lý, thì đội bóng này vẫn vứt đi cơ hội tranh đua mỗi khi họ được trao cờ vào tay. Chelsea thì sao? Chỉ còn là một tập thể với cá tính nhợt nhạt và không có động lực trong cuộc đua vô địch, thậm chí là Top 4.

3. HLV Ruben Amorim của Manchester United đã thất vọng đến nỗi trong phòng họp báo sau trận, trái với vẻ điềm đạm thường thấy, ông chỉ trích rằng các cầu thủ của mình gần như không "tồn tại" trong nửa đầu trận đấu, và bị trừng phạt bởi sự hời hợt đó.

Rất khó để trả lời xem cuối cùng thì một CLB cần làm gì để thoát ra khỏi khủng hoảng hoặc sức ì. Họ là những cầu thủ triệu phú, những HLV nhận cả triệu bảng mỗi năm, và tất cả có lẽ đều không cần ai phải nhắc nhở rằng nhiệm vụ của họ là gì nữa.

Nhưng cuối cùng thì bóng đá vẫn là một trò chơi mà bất kể khoảng cách giàu nghèo ra sao, trình độ thế nào, thì chiến thắng sẽ chỉ dành cho đội bóng nào tìm ra ý nghĩa để chiến đấu. Còn ý nghĩa đó nằm ở đâu, thì mỗi tập thể phải tự tìm câu trả lời.

Có thể là sáng mai thức dậy, sẽ có thêm một đội bóng vỗ trán và nhận ra rằng hoá ra suốt 14 năm, họ đã bị gọi tên sai cách.

Phạm An

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm