13/01/2025 11:35 GMT+7 | Tin tức 24h
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn báo cáo công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), có trụ sở tại London (Anh), nhận định rằng các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở châu Á sẽ là động lực giúp quy mô nền kinh tế toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong 15 năm tới.
Theo phân tích của CEBR, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ đạt 221.000 tỷ USD vào năm 2039, tăng từ 100.000 tỷ USD hiện nay, với phần lớn mức tăng này phản ánh sự bật tăng của các quốc gia kém phát triển. Châu Á cũng có các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Bảng xếp hạng Kinh tế Thế giới của CEBR, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia đang trên đà củng cố vị trí của mình như một cường quốc kinh tế toàn cầu. Ấn Độ được dự báo sẽ thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025 với GDP vượt qua mốc 5.000 tỷ USD và sẽ vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029. Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến đạt quy mô 12.800 tỷ USD vào năm 2039.
Chuyên gia Pushpin Singh, nhà kinh tế cấp cao tại CEBR, nhận xét: "Kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục đi lên nhờ lực đẩy từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, các cải cách cơ cấu cũng như hoạt động đầu tư có mục tiêu vào cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. Trong khi áp lực ngắn hạn như lạm phát và chi tiêu tiêu dùng chậm lại đang đặt ra những thách thức, triển vọng dài hạn của nền kinh tế Ấn Độ vẫn khá mạnh mẽ, cho thấy vai trò của nước này như một động lực chính của tăng trưởng toàn cầu".
Các quốc gia khác ở châu Á dự kiến cũng sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó có Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới kể từ năm 2016 và được dự báo sẽ lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào năm 2039. Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và đà phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Bangladesh được dự báo sẽ tăng 16 bậc, từ vị trí thứ 37 lên vị trí thứ 21 thế giới. Trong khi đó, Philippines sẽ tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 33 lên vị trí thứ 23. Việt Nam cũng sẽ tăng 9 bậc lên vị trí thứ 25 trong Bảng xếp hạng Kinh tế Thế giới của CEBR.
Tuy nhiên, một nền kinh tế châu Á sẽ không thể thăng hạng là Trung Quốc. Theo đánh giá của CEBR, Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tới. Chuyên gia Sam Miley, nhà kinh tế đồng thời là giám đốc bộ phận dự báo của CEBR, đánh giá: "Nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với những thách thức đáng kể, bao gồm sự giảm tốc của các hoạt động kinh tế trong nước, áp lực giảm phát dai dẳng và sự thay đổi nhân khẩu học, trong bối cảnh nước này cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản và nhu cầu nội địa ngày càng suy yếu".
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, với GDP ước tính tăng 4,9% năm 2024 và 4,5% trong năm 2025. Tuy nhiên, WB cảnh báo niềm tin hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng yếu cùng với những "cơn gió ngược" trong lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2025.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất