Ca khúc giáng sinh 'White Christmas': Đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại

22/12/2019 07:26 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ với 18 phút ghi âm, Bing Crosbyđã vĩnh viễn in đậm tên mình trong lịch sử âm nhạc thế giới với ca khúc White Christmas. Đánh bại kỷ lục của White Christmas là điều mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng khao khát bởi ca khúc này chính là đỉnh cao của thành công và sâu lắng.

Đâu là ca khúc Giáng sinh cổ xưa nhất?

Đâu là ca khúc Giáng sinh cổ xưa nhất?

Khi nghĩ về những bài hát mừng Giáng sinh (Christmas carol) truyền thống như "Away In A Manager" hay "It Came Upon A Midnight Clear", chúng ta vẫn thường cho rằng đây chính là những chuẩn mực, hình mẫu cổ xưa, đã được lưu truyền qua nhiều thời đại. Nhưng sự thật không hẳn như vậy.

Giai điệu hòa bình này được tác giả vĩ đại người Mỹ Irving Berlin viết ra giữa thời chiến loạn lạc. Phi chính thống, u sầu, với chỉ vỏn vẹn 54 từ, ca khúc thể hiện sự khao khát giản dị là được trở lại với những ngày hạnh phúc xưa cũ.

Giáng sinh buồn thời chiến

“Những ca khúc làm nên lịch sử và lịch sử làm nên các ca khúc” - như tác giả Berlin từng nói - chính là lời thâu tóm ngắn ngọn nhưng chuẩn xác nhất về White Christmas. Nhưng lịch sử ở đây không chỉ là lịch sử nhân loại mà còn là lịch sử cá nhân của một con người.

Irving Berlin - người cũng đứng sau Cheek To Cheek, God Bless America và nhiều ca khúc kinh điển khác - vốn là một người nhập cư gốc Nga và vì là người Do Tháinên không ăn mừng lễ Giáng sinh.Vào dịp cuối năm, khi người người rộn ràng chào đón ngày lễ lớn này, Berlin lại tràn ngập nỗi u uất: Cậu con trai 3 tuần tuổi của ông qua đời vào đúng ngày Giáng sinh năm 1928.

Chú thích ảnh
Irving Berlin (1888-1989) là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ

Mỗi năm, vào ngày này, khi các gia đình tề tựu bên món gà Tây, ông và vợ lại đến thăm mộ đứa con đoản mệnh. Ca khúc White Christmas, do đó, tuy không phải viết về nỗi đau mất con, nhưng vẫn phảng phất nỗi buồn về một hạnh phúc đã đi mất.

Có nhiều giả thuyết quanh lịch sử White Christmas. Một trong số đó là Berlin đã bắt đầu viết nó năm 1940, tại miền California ấm áp, khi đang nghỉ ở khách sạn La Quinta, nơi ẩn dật yêu thích của nhiều văn nghệ sĩ thời đó. Berlin thường thức thâu đêm suốt sáng để viết nhạc. Một ngày, ông nói với thư ký của mình: “Tôi muốn anh viết lại ca khúc tôi viết cuối tuần qua. Nó không phải là ca khúc hay nhất tôi từng viết mà là ca khúc hay nhất bất cứ ai từng viết trên đời”. (Do Berlin không biết viết hay đọc bản nhạc, ông cần có thư ký viết lại những gì ông ngân nga).

Theo Jody Rosen,tác giả cuốn sách White Christmas: The Story Of An American Song, về lịch sử và sức ảnh hưởng của ca khúc White Christmas thật ra là “một biến cố bất ngờ”. “Tôi phát hiện ra Berlin ban đầu viết ca khúc này như một bản parody (giễu nhại)” - Rosen viết. “Nó khởi đầu là một ca khúc khôi hài mới mẻ, đả kích thói ủy mị của những bản ballad thế kỷ 19. Chỉ tới khi viết tới đoạn điệp khúc nổi tiếng, Berlin mới nhận ra ông đã đụng trúng mỏ vàng: bản “trào phúng” ballad ủy mị của ông bỗng trở thành một bản ballad ủy mị chân chính, thật lòng”. Rosen cũng tin rằng bí ẩn thẳm sâu của ca khúc là về cái chết của con trai Berlin.

Dù sự thật có là thế nào, khi lần đầu lên sóng vào đêm Giáng sinh năm 1941, White Christmas đã trở thành giai điệu quốc gia, giúp xoa dịu đi nỗi tang tóc đang bao phủ lên khắp nước Mỹ sau cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng cách đó vài tuần. Mạng lưới phát thanh của quân đội Mỹ sau đó“ngập lụt” trong những yêu cầu phát White Christmas. Hàng triệu lính Mỹ đã tìm thấy niềm an ủi trong giấc mơ được về nhà vào ngày lễ: “Tôi đang mơ về một Giáng sinh trắng/ Như những Giáng sinh tôi từng biết/ Nơi ngọn cây lấp lánh và lũ trẻ lắng tai/ Để nghe tiếng chuông của xe trượt tuyết trong tuyết”.

Nhiều năm sau, khi được hỏi làm thế nào một người theo đức tin Do Thái lại có thể viết một ca khúc như vậy, Berlin đáp: “Tôi đã viết nó trên tư cách một người Mỹ”. Berlin, dù là người Do Thái gốc Nga, đã cùng cha mẹ và 8 anh chị em chuyển tới Mỹ khi ông mới lên 5, năm 1893, trước nạn bài Do Thái.

Chú thích ảnh
Bing Crosby trong bộ phim “White Christmas” năm 1954

Bản thu của Bing Crosby

Ngày nay, White Christmas là ca khúc Giáng sinh được ghi âm nhiều nhất: Có tới hơn 500 phiên bản của ca khúc ở nhiều thứ tiếng. Trong số những người hát lại, có thể kể tới hàng loạt cái tên lừng lẫy “từ cổ chí kim” như Frank Sinatra, Elvis Presley, The Supremes,Bob Marley, Bob Dylan, Eric Clapton, U2, Lady Gaga, Jessie J… Nhưng lúc sinh thời, Berlin đã chỉ đích danh Bing Crosby là người thể hiện White Christmas. Crosby là người đầu tiên thể hiện ca khúc này trước công chúng trên chương trình Kraft Music Hall, phát sóng vào ngày 24/12/1941 và cả nước Mỹ đã phải lòng nó. Tiếc là bản ghi âm gốc trên chương trình này đã mất.

Tới tháng 5/1942, Crosby mới thu âm chính thức ca khúc. Ông chỉ mất 18 phút để hoàn thành phần thu và White Christmas được phát hành vào tháng 7/1942 như một phần trong phim âm nhạc Holiday Inn. Thành công bùng nổ! Chỉ riêng trong năm 1942, bản thu của Crosby đã có 11 tuần đứng đầu các BXH Billboard và đoạt giải Oscar cho Ca khúc gốc hay nhất.

Được tái phát hành bởi hãng đĩa Decca, đĩa đơn trở lại vị trí No.1 trong mùa lễ năm 1945 và 1946, trở thành đĩa đơn duy nhất 3 lần riêng biệt đứng đầu các BXH Mỹ.

Từ đó tới nay, sau 77 năm, White Christmas vẫn nằm trong số những ca khúc được yêu thích nhất vào những ngày cuối năm. Hơn thế, White Christmas được Guinness ghi nhận là đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 50 triệu đĩa được bán ra. Tính tất cả các phiên bản, bao gồm cả trong album, đã có hơn 100 triệu đĩa có White Christmas được bán. Con trai Crosby - Nathaniel Crosby - đùa rằng: “Tôi nghĩ mọi người định hình cha tôi với Giáng sinh cũng giống như Jesus hay Santa Claus”.

Nhưng cũng như ông già Noel, Crosby luôn nhận được không ít những tâm sự buồn qua thư yêu cầu. Mỗi lần đi hát phục vụ binh sĩ Mỹ ở nước ngoài, Crosby thường buộc phải hát White Christmas, điều để lại trong ông nhiều cảm xúc lẫn lộn.

“Tôi khá do dự về điều này bởi ca khúc luôn khơi dậy hoài niệm giữa những binh sĩ, và điều đó khiến họ buồn” - Crosby chia sẻ trong một buổi phỏng vấn. “Có trời chứng giám, tôi không đi xa tới vậy để khiến họ buồn. Vì lý do này, đã nhiều lần tôi cố gắng cắt nó khỏi buổi diễn, nhưng các chàng trai này luôn gào lên yêu cầu”.

Kỷ niệm buồn nhất trong sự nghiệp của Crosby cũng là về White Christmas, vào tháng 12/1944. Khi đó, ông đã phải cố gắng để không gục ngã khi hát White Christmas trước 100.000 lính Mỹ nước mắt nghẹn ngào. Rất nhiều trong số những chàng trai này đã bỏ mạng trong cuộc chiến Bulge vài ngày sau đó.

Nhưng một công bố khoa học trên tạp chí Scientific Reports cho thấy, khi người ta buồn, chính những ca khúc buồn thế này mới là liều thuốc để xoa dịu nỗi đau, chứ không phải những ca khúc vui tươi bề ngoài. Và trong ngày Giáng sinh, đâu phải ai cũng có được niềm vui sum họp bên gia đình. Vẫn luôn có những cô bé bán diêm giữa trời Đông giá rét. Kể cả giữa hân hoan, White Christmas cũng gợi cho con người niềm trân trọng với quá khứ khổ đau, để có được ngày vui hôm nay.

Sức sống mãnh liệt của White Christmas sau từng ấy năm có lẽ nằm ở chính những điều này: Rằng ai cũng có thể gợi lên được những tình cảm tốt đẹp khi nghe nó. Mỗi khi ca khúc được hát lên, không còn những thù hận, chỉ còn hòa bình và những hy vọng về tương lai tươi sáng, đúng như tinh thần của ngày mừng Chúa giáng sinh.

Top 10 đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại

1. White Christmas - Bing Crosby (50 triệu bản)
2. Candle In The Wind 1997/Something About the Way You Look Tonight- Elton John(33 triệu bản)
3. In The Summertime - Mungo Jerry (30 triệu bản)
4. Silent Night - Bing Crosby (30 triệu bản)
5. Rock Around the Clock - Bill Haley & His Comets (25 triệu bản)
6. I Will Always Love You - Whitney Houston (20 triệu bản)
7. It’s Now Or Never - Elvis Presley (20 triệu bản)
8. We Are The World - USA for Africa (20 triệu bản)
9. If I Didn’t Care - The Ink Spots (19 triệu bản)
10. Yes Sir, I Can Boogie - Baccara (18 triệu bản)

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm