13/03/2022 19:00 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1973, Aerosmith phát hành album đầu tay mang tên nhóm, khởi đầu sự nghiệp mà sau này sẽ là một trong những ban nhạc rock phi thường nhất mọi thời đại.
Thế nhưng, vào thời điểm đó, album lại bị các nhà phê bình chê bai tơi bời. Sự nghiệp suýt chết yểu của nhóm chỉ được cứu lại bằng một đĩa đơn, đó chính là Dream On.
Cũng lại thật trớ trêu khi Dream On ban đầu vốn không được ban nhạc ưa thích cho lắm. Nó hoàn toàn khác so với những ca khúc còn lại trong album, là một “con cừu đen” trong mắt mọi người.
Từ tiềm thức xa xôi
Dream On khởi nguồn như thế nào? Nếu nói một cách chính xác thì ca khúc đã hình thành từ khi Steven Tyler - trưởng nhóm Aerosmith - mới lên 3. Cậu bé Tyler khi đó thường nằm dưới cây dương cầm, nghe bố chơi đàn. Bố Tyler là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản, theo thời gian, đã vô hình ngấm những giai điệu vào trong tâm khảm cậu con trai. Và sau này, như Tyler viết trong cuốn hồi ký Does The Noise In My Head Bother You?, hợp âm Dream On đã hiện lên khi ông nhớ lại chuyện xưa.
Cụ thể thì đó là khi Tyler lên 16, 17 tuổi, ngồi bên cây dương cầm. “Lúc đó, tôi chẳng biết gì về viết nhạc cả. Đó là chỉ là bản sonnet nhỏ tôi chơi vào một ngày nọ. Tôi chẳng bao giờ nghĩ nó rồi sẽ thành một ca khúc thật sự” - Tyler hồi tưởng.
Phải tới vài năm sau, trước những va váp đầu trong sự nghiệp âm nhạc, Dream On mới trở lại lần nữa, như một cách giải tỏa. Nhưng không phải trong một sớm một chiều, Tyler mất thêm 6 năm nữa, sửa đi sửa lại, mới hoàn thành ca khúc. Mà không chỉ bằng nỗ lực, còn có một cú hích không ngờ góp phần tạo nên Dream On. Nó gắn liền với sự cố ly kỳ về chiếc “va li” khét tiếng, chứa đầy tiền, mà Tyler vô tình tìm thấy. Hóa ra, chiếc va li này thuộc về một số gangster trong vùng. Tyler đã giấu nhẹm không nói cho các bạn cùng nhóm biết và lấy tiền đó mua một chiếc keyboard RMI. Trên chiếc keyboard này, ông hoàn thành Dream On và cũng dùng chính cây keyboard này để biểu diễn ca khúc sau này (Liên quan tới chuyện này, khi đám gangster quay lại tìm va li, Tyler một lần nữa giả ngơ, coi như không biết gì).
Với lịch sử giai điệu vô cùng lòng vòng như vậy, Dream On đã bắt đầu du dương như từ một giấc mơ. Đó là tiếng guitar chậm rãi, vừa nhẫn nại lại vừa quyết đoán. Nó khi trầm khi bổng cho tới khi bùng lên rực rỡ, kỳ vĩ. Đó là lúc khao khát duy nhất của thực tế cất lên bằng ca từ: Hãy biến giấc mơ thành hiện thực.
Tuy chắp bút khi Tyler còn rất trẻ nhưng thật đáng kinh ngạc, Dream On giống như một chiêm nghiệm về cả cuộc đời. Ca khúc mở đầu bằng hình ảnh Tyler nhìn vào gương, thấy gương mặt mỗi ngày lại hằn thêm dấu vết thời gian. Hình ảnh này như một nhắc nhở rằng cuộc đời là một cuộc trả vay.
Nửa cuộc đời, ông đã học được nhiều điều, từ cả những nhà thông thái tới những kẻ ngốc, và nhất là từ những thất bại. Giờ đây, bất chấp những khó khăn của đời, và rằng biết đâu ngày mai Chúa nhân từ sẽ mang ta đi, ông thấy mình phải tiến lên, tìm một vị trí trong đời. “Đó là khao khát có thể trở thành ai đó: Hãy mơ ước cho tới khi giấc mơ của bạn thành sự thật” - Tyler giải thích.
Dù vậy, chính Tyler khi đó hẳn cũng không biết rằng những ca từ này sẽ là lời tiên tri chính xác về số phận của mình và cũng chính nó quyết định bước ngoặt lớn của đời mình.
Ca khúc “Dream On” của Aerosmith:
Giấc mơ thành sự thật
Dream On lần đầu được biểu diễn trước công chúng là vào tháng 11/1971, tại Shaboo Inn ở Willimantic, Connecticut. Cát-xê ban nhạc nhận được chỉ là 175 USD cùng một chai gin.
Ca khúc được biết tới nhiều hơn khi xuất hiện trong album đầu tay của Aerosmith là Aerosmith (1973).
Ban đầu, ban nhạc không thật sự mặn mà với nó. “Nhớ lại hồi đó, chúng ta ghi dấu ấn qua chơi nhạc sống. Và với tôi, rock & roll là hiện thân của năng lượng, thể hiện trong buổi diễn. Đó là điều đã lôi kéo tôi tới với rock & roll, nhưng Dream On lại chỉ là một bản ballad” - tay trống Joe Perry nhớ lại - “Tôi không thật sự đánh giá cao tính âm nhạc của nó cho tới mãi tận sau này. Nhưng tôi biết đó là một ca khúc tuyệt vời nên mới đưa nó vào danh sách biểu diễn. Chúng tôi cũng biết rằng nếu cứ chơi toàn rock & roll thì sẽ không có nhạc được phát lên đài và nếu muốn có hit lọt top 40, ballad là lối phải đi. Tôi chỉ không biết liệu có thể thường xuyên diễn nó hay không bởi hồi đó, ta chỉ có nửa giờ để ghi dấu ấn, khó mà chơi những khúc nhạc chậm”.
Quả thật, khi ra mắt cùng album, Dream On đã giành được ít nhiều thắng lợi. Nó thành hit ở quê nhà Boston. Tuy nhiên, trên toàn quốc, ca khúc chỉ leo lên tới No.59 Billboard Hot 100. Nhất là, thành công nhỏ này lập tức bị chìm nghỉm bởi những lời chê bai dành cho Aerosmith.
“Ca khúc này tóm tắt những điều tồi tệ mà tôi đã trải qua khi tham gia một ban nhạc mới. Hầu hết các nhà phê bình đều chê bai gay gắt album đầu của chúng tôi, rằng chúng tôi là đồ nhái The Stones” - Tyler tới giờ vẫn hậm hực nhớ lại. Bản thân Tyler khi đó bị gọi là bản sao của Mick Jagger với phong cách hung hãn trên nền tảng blues.
Cùng với những lời chê bai, doanh số Aerosmith cũng thấp thảm hại. Cũng phải nói thêm rằng, một phần thất bại của album là do không được hãng đĩa Columbia quảng bá tử tế. Columbia khi đó chỉ tập trung vào album đầu của Bruce Springsteen, phát hành trước đó 1 tuần. Như vậy, ngay từ đầu, Columbia đã không mấy mặn mà với Aerosmith.
Thất bại toàn tập ngay trong album đầu - cả từ phía phê bình lẫn công chúng - cùng các album sau cũng không quá đột phá, ngày càng đẩy sự nghiệp của Aerosmith tới bờ vực nguy hiểm, có khả năng bị Columbia buông tay.
Giữa lúc bấp bênh này, Aerosmith đã bám vào lá bài khả dĩ nhất của mình. Cuối năm 1975, ban nhạc xin Columbia phát hành lại Dream On dưới dạng đĩa đơn. Ban đầu, ca khúc chỉ ra mắt Hot 100 ở vị trí No.81, nhưng vài tháng sau đã làm nên chuyện khi leo tới No.6! Để thấy rõ quyết tâm dồn vào cú đánh có thể là cuối cùng này, Dream On có tới 45 phiên bản, cải tiến dần để có thể phù hợp hơn với khán giả nghe đài!
Tới lúc này thì Steven Tyler có thể nói: Giấc mơ đã thành hiện thực!
Aerosmith sau đó không chỉ thừa thắng xông lên mà các sản phẩm trước đó từng bị chê bai của họ cũng được nhìn nhận lại theo hướng tích cực hơn nhiều. Một thoáng mơ hồ ngày thơ bé thì giờ là biểu tượng lớn sau gần nửa thế kỷ, còn Aerosmith được coi là ban nhạc hard-rock quan trọng bậc nhất của Mỹ giữa thập niên 1970.
Sau Dream On, Aerosmith đã sản sinh ra nhiều bản ballad mạnh mẽ, đáng nhớ khác. Nhưng Dream On vẫn là di sản lớn nhất, về chất lượng, nội dung và cái mà nó đại diện: Sự khao khát của một ban nhạc muốn chinh phục thế giới. Hơn thế, Dream On còn là động lực cho rất nhiều người muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa: “Hãy hát cùng với tôi nào, hát cho những năm tháng/ Hát cho những nụ cười và những giọt lệ/ Hát cùng tôi, cho ngày hôm nay/ Biết đâu vào ngày mai, Chúa nhân từ sẽ mang ta đi thật xa”.
Những điều chung quanh “Dream On” Trái với lo lắng của Joe Perry, Dream On luôn có thời lượng để biểu diễn, và bền bỉ trong suốt nửa thế kỷ. Ca khúc cũng được nhiều người cover, xuất hiện rộng rãi trên phim ảnh và quảng cáo, đặc biệt là nhiều lần vang lên ở Super Bowl. Một điều thú vị khác về Dream On: Đó là ca khúc duy nhất trong album đầu tay mà Steven Tyler hát bằng giọng thật của mình, giọng falsetto cao xuyên thấu. Vốn không tự tin với giọng thật, ở những ca khúc khác, Tyler luôn cố hát trầm hơn, nghe như James Brown. Ngày nay, nhắc tới Aerosmith, không ai có thể quên chất giọng chói tai này. Dream On cũng được lấy làm tên cho cuốn tự truyện của vợ cũ Tyler, nữ diễn viên Cryrinda Foxe, xuất bản năm 1996 với tên đầy đủ Dream On: Livin' On The Edge With Steven Tyler and Aerosmith. Trong sách, Tyler bị chỉ trích là người chồng tồi tệ khi chu cấp rất ít cho con cái và nhiều hành vi sai trái khác. Tyler không hài lòng chút nào với nội dung sách, nhưng cuối cùng cũng gạt qua một bên khi Cyrinda bị mắc bệnh ung thư não. Tyler đã chi trả các hóa đơn y tế cho tới khi vợ cũ qua đời năm 2002. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất