02/07/2023 19:02 GMT+7 | Giải trí
Khi đêm buông xuống nước Anh tại lễ hội Glastonbury mới đây, Elton John đã hát Don't Let The Sun Go Down On Me (Đừng để mặt trời lặn trong anh) để chào khán giả xứ sương mù. Vang vọng, dịu dàng, Elton nhẹ nhàng làm sống dậy ký ức về cả sự nghiệp vĩ đại như thể ca khúc vốn nằm trong máu của ông. Thế nhưng, hóa ra, sự ra đời của ca khúc lại vô cùng chông gai.
Elton John đã từng nhổ Don't Let The Sun Go Down On Me ra như một mớ rác rưởi. Nhiều năm sau, mớ rác rưởi đó lại vực lại sự nghiệp của ông và giữ vị trí chói sáng cho tới giờ.
Mặt trời lặn
Don't Let The Sun Go Down On Me là 1 trong nhiều sáng tác của bộ đôi Elton John và Bernie Taupin trong giai đoạn đồ tím, sẽ hình thành cái về sau là album Caribou (1974)lừng lẫy.
"Ký ức duy nhất của tôi về ca khúc này là chúng tôi muốn viết một thứ gì đó thật lớn lao. Ý tôi là, lớn theo cách kịch tính như Phil Spector làm trong You've Lost That Lovin' Feelin'" - Taupin nhớ về Don't Let The Sun Go Down On Me - "Hy vọng nó mạnh mẽ mà không khoa trương. Tôi không chắc rằng suy nghĩ này trong đầu có khiến tôi biến tấu ca từ theo cách khác. Mặc dù, nhìn lại, chúng tôi dường như mang hơi hướng dòng Brill Building hơn".
Thừa nhận mình thuộc diện "não cá vàng" (trong một lần xem game show, Taupin trả lời sai 4/5 câu về ca từ chính mình sáng tác!), nhưng có một điều chắc chắn là Taupin luôn hướng tới một lối mới mẻ hơn để trình bày ý tưởng. "Tôi muốn trở nên thú vị hơn thay vì nói kiểu cũ mòn như: Anh yêu em, anh yêu em, trái tim anh tan nát nếu em rời đi" - ông chia sẻ - "Ném một quả bóng cong. Đừng để mặt trời lặn xuống trong anh. Làm một bước ngoặt tăm tối ở đó".
Và như thế, Don't Let The Sun Go Down On Me trở thành một cách diễn tả đầy hình ảnh mà không phô phang về một người đàn ông đang trên bờ vực tăm tối của cuộc đời. Cô đơn, đánh mất chính mình, anh cầu xin một bàn tay giơ ra để cứu vớt, lắng nghe, thấu hiểu. Để mặt trời đừng lặn trong anh.
Về giai điệu, Elton John tiết lộ rằng, "âm thanh, lối hòa âm và cách họ cấu trúc ca khúc" của The Beach Boys có ảnh hưởng lớn lên nhiều ca khúc của ông, mà điển hình chính là Don't Let The Sun Go Down On Me. Không chỉ dừng ở ảnh hưởng, khi thu âm, ông đã mời về chính 2 thành viên của nhóm là Carl Wilson và Bruce Johnston để hát đệm. Ngoài ra, còn có một loạt các ca sĩ đang trên đà nổi tiếng quy tụ về phòng thu cho dàn hợp xướng khổng lồ theo đúng phong cách Spector.
Mọi thứ tưởng chừng đã bày sẵn ra mâm nhưng cuối cùng, ca khúc lại gặp trở ngại vì một lý do mà khán giả ngày nay hẳn không thể nghĩ ra: Giọng của Elton John!
Nhà sản xuất Gus Dudgeon đã rất chật vật để hòa tất cả giọng cùng nhạc cụ với nhau (trên thực tế, họ đã loại kha khá giọng đệm, chỉ giữ lại giọng của Wilson, Johnston, Billy Hinsche và Toni Tennille) nhưng không thể can thiệp vào sự bất mãn của Elton.
Trong cuốn sách Sir Elton: The Definitive Biography của Philip Norman, Dudgeon tiết lộ: "Khi Elton thu âm ca khúc này, ông ấy đang ở trong tâm trạng cực kỳ tệ hại. Khi thu âm, có lúc ông ấy gào lên, lúc thì lầm bầm hay có khi chỉ đứng đực đấy, nhìn chằm chằm vào phòng điều khiển. Cuối cùng, ông bỏ tai nghe xuống và nói: "Được rồi, nghe thử xem chúng ta có gì".
Bản gốc “Don’t Let the Sun Go Down on Me” của Elton John
Khi Dudgeon bật cho ông nghe, Elton thất vọng: "Rác rưởi. Anh thích thì gửi nó cho Engelbert Humperdinck, nếu ông ta không thích thì gửi cho Lulu làm demo".
Sự chán nản của Elton có thể thấy trong bản thu ngày này qua câu "don't discard me" (đừng bỏ anh). Âm thanh của câu này nghe hơi lạ bởi Elton đã cường điệu giọng Mỹ vì thất vọng với phần thu âm của mình. Nhà sản xuất Dudgeon đã định bỏ câu này vào phần hòa âm nhưng Tennille đã khuyên ông đẩy nó ra phía trước và người nghe giờ đây có thể phần nào nhận ra bóng tối bắt đầu len vào giữa mặt trời rực rỡ.
"Khi Elton thu âm ca khúc này, ông ấy đang ở trong tâm trạng cực kỳ tệ hại. Khi thu âm, có lúc ông ấy gào lên, lúc thì lầm bầm hay có khi chỉ đứng đực đấy…" - nhà sản xuất Gus Dudgeon.
Mặt trời lại mọc
Có thể Bernie Taupin chỉ thuần túy "vị nghệ thuật" khi viết Don't Let The Sun Go Down On Me, nhưng cũng có thể, một cách vô thức, ông đã phản ánh thực trạng người bạn tâm giao Elton John khi đó.
Elton thừa nhận rằng ông không muốn thử một ca khúc như Don't Let The Sun Go Down On Me vào đầu sự nghiệp của mình. Ông cảm thấy giọng hát của mình được cải thiện theo năm tháng, và vào năm 1974, ông chưa đủ tự tin và khả năng để hát quãng âm rộng đến vậy. Cùng với đó là lịch trình chặt đến vô lý càng khiến ông căng thẳng.
Ông và ban nhạc đã đi lưu diễn suốt 5 tháng trước đó, từ năm 1973, trước khi tới phòng thu Caribou Ranch ở Colorado vào tháng 1/1974 để thu âm album tiếp theo trong thời gian chỉ 10 ngày! Họ phải cắt bớt quy trình (thu ít hơn, trau chuốt ít hơn) và tất nhiên, sáng tác mau vội hơn.
Ngay sau khi thu âm xong album, Elton lại tất tảlên đường tới Nhật Bản để bắt đầu chuyến lưu diễn từ ngày 1/2.
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Trong phần băng chìm nặng nề ẩn dưới, Elton đang ở giai đoạn suy sụp khi phải vật lộn với chính mình, chủ yếu từ nghiện rượu, trầm cảm và thất bại trong những quan hệ cá nhân. Khi đang lưu diễn ở Mỹ, ông tới gặp người giúp mình vượt qua các vấn đề cá nhân và tặng ca khúc cho người đó.
Sau khi được mix tại Los Angeles, album Caribou phát hành vào tháng 7/1974 với Don't Let The Sun Go Down On Me là đĩa đơn mở đường. Ca khúc đạt tới No.2 tại Mỹ còn album đạt No.1 và ở lại suốt 4 tuần.
Có thể nói, dù trong tình trạng căng thẳng, họ vẫn tạo ra một album rất ấn tượng, minh chứng cho năng lượng sáng tạo khổng lồ của những người tham gia. Với riêng Elton, khó chịu khi thu âm là vậy nhưng vào năm 1975, ông vẫn tri ân Don't Let The Sun Go Down On Me, không phải vì nó trở thành hit mà đơn giản bởi "tôi thích nó và nó có ý nghĩa rất lớn với tôi".
Ý nghĩa của Don't Let The Sun Go Down On Me với Elton sẽ còn lớn hơn vào 17 năm sau, năm 1991, khi phiên bản song ca với George Michael trở thành hit No.1 cả ở Anh và Mỹ, điều bản gốc không làm được.
Elton từng hát Don't Let The Sun Go Down On Me với Michael trên sâu khấu Live Aid lịch sử vào năm 1985. Nhưng phải sau này, khi họ song ca tại hòa nhạc ở Wembley của Michael vào ngày 19/3/1991 và một lần nữa, tại hòa nhạc ở Wembley của Elton vào 4 ngày sau đó, bản song ca mới được phát hành. Không rõ phiên bản nào được sử dụng hay được ghép nối lại với nhau nhưng Michael được ghi nhận là nhà sản xuất, chứng tỏ đã có một vài khâu chỉnh sửa ở đây. Phiên bản với Michael được bán dưới dạng đĩa đơn với doanh thu chuyển tới cho quỹ hỗ trợ người bị HIV/AIDS The London Lighthouse và quỹ từ thiện vì trẻ nhỏ Rainbow Trust.
Những lần Elton xuất hiện cùng Michael vào năm 1991 là 2 trong số ít lần ông xuất hiện năm đó. Lý do là bởi ông đang trong chương trình cai nghiện nghiêm ngặt từ năm 1990 và xa rời công chúng để tập trung vào vấn đề sức khỏe. Sức khỏe thể chất và tinh thần đi xuống, sự nghiệp của Elton cũng rơi vào cảnh lao đao.
Nhưng khi Don't Let The Sun Go Down On Me thắng lớn ở cả 2 bờ Đại Tây Dương, nó đã mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp của Elton. Ông bỏ được rượu, ma túy cùng chứng rối loạn ăn uống. Thành công của ca khúc cho thấy nhu cầu về nhạc của ông vẫn còn rất lớn. Được đà xông lên, Elton trở lại vào năm 1992 với album The One, lấy lại phong độ với 2 hit nữa là ca khúc chủ đề và The Last Song!Mặt trời lặn rồi mặt trời lại mọc!
Gắn với những chuyến lưu diễn của Elton John
Từ khi ra mắt tới nay, Don't Let The Sun Go Down On Me luôn là ca khúc được yêu thích trong những chuyến lưu diễn của Elton John. Không chỉ bởi ca từ và giai điệu đẹp, ca khúc luôn gợi lại những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp của huyền thoại âm nhạc người Anh.
Don't Let The Sun Go Down On Me cũng nhận nhiều giải thưởng và được giới thiệu vào Đại sảnh danh vọng Grammy năm 2012. Tất nhiên, đông đảo nghệ sĩ đã cover lại, từ Roger Daltrey của The Who tới Miley Cyrus. Đặc biệt, có 3 hit đình đám của Guns N' Roses lấy cảm hứng từ Don't Let The Sun Go Down On Me là November Rain, Don't Cry và Estranged.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất