Uyển chuyển và may mắn, Bùi Thạc Chuyên quyết không phải là “tay mơ” trong chuyện… đi xin tiền làm phim.
Thời điểm Bùi Thạc Chuyên hoàn thành bộ phim mới nhất của anh - "Lời nguyền huyết ngải" (dự kiến ra rạp vào ngày 12/1/2012 tới), thì đồng thời Đẹp cũng bị anh “làm khó” vì một “lời nguyền” khác: Lên báo nào cũng được, miễn không phải… Đẹp! Lý do vì sao thì cả Đẹp và anh đều biết, và vẫn chưa quên.
Thuyết phục mãi (sau khi đã có bài phỏng vấn) rồi Chuyên cũng đồng ý cho chụp hình nhưng tới gần ngày chụp lại... đổi ý: “Bài có thể đăng đâu thì đăng, nhưng còn chụp hình hay không là việc của tôi”.
Mấy “cộng sự ruột” của anh lắc đầu: “Ôi, bác ấy mà đã giận thì lâu quên lắm!”. Có người “an ủi”: “Phàm những người vừa làm phim kinh dị xong khó tính lắm! Nữa là bác Chuyên nhà ta!”. Có lẽ “lời nguyền” kia chưa được anh “hóa giải” thực sự (khi chưa đủ “độ lùi thời gian”?).
Tôi làm phim ma lâu rồi!
* Thay vì chiếu dịp Giáng sinh, “Lời nguyền huyết ngải” (LNHN) lại chọn Tết âm. Đó là lỗi tiến độ hay “chiến lược” của nhà sản xuất?
Điều đó phụ thuộc vào kế hoạch của nhà sản xuất. Tuy nhiên, dù là thời điểm nào thì theo tôi cũng không thành vấn đề. Vì bây giờ điện ảnh Việt nam tốt rồi, mùa nào cũng chiếu được. Vừa rồi “Long Ruồi” và các phim chiếu vào những mùa khác trong năm đều cho doanh thu tốt cả. Vấn đề còn lại chỉ là phim hay mà thôi.
* 3 năm cho LNHN - anh có nghĩ bấy nhiêu là quá “xa xỉ” cho một bộ phim thương mại?
- Đúng là so với các bộ phim thương mại hiện nay thì quá trình sản xuất LNHN hơi dài. Nếu như “Chơi vơi” làm tôi mất nhiều thời gian ở khâu đi tìm kinh phí, chuẩn bị sản xuất thì LNHN tiêu hao năng lượng của tôi nhất ở khâu viết kịch bản.
* Bất ngờ kết thân với phim kinh dị, đó là vì anh (cũng như nhà sản xuất) nghĩ nó là món độc trên mâm cỗ phim Tết hay là “âm mưu” từ trước của anh?
- Chẳng có gì là bất ngờ ở đây cả, vì với tôi, phim kinh dị là một “người lạ quen biết”. Ngay bộ phim ngắn đầu tay của tôi đã là phim kinh dị rồi. Đó là một bộ phim ma tôi làm cùng một người bạn từ năm 1991. Đây là thể loại tôi rất hứng thú. Nó kích thích trí tưởng tượng của người làm phim rất nhiều. Tất cả các thành phần làm phim, cả đạo diễn lẫn diễn viên đều bị kích thích và gần như "phát rồ" vì bộ phim. Đó là điều hết sức thú vị!
* Chuyển từ dòng “phim tác giả” sang dòng “phim... khán giả”, có lúc nào, anh cảm thấy “sống trong sợ hãi” không, trước áp lực phải mang doanh thu về cho nhà sản xuất?
- Sợ ư? Nếu sợ thì tôi chỉ sợ nhất là làm phim thương mại mà theo kiểu nghĩa vụ, “dập bánh khảo”. Với LNHN, nhà sản xuất đã cố gắng đem lại chất lượng cao nhất cho bộ phim trong bối cảnh thị trường còn rất nhỏ bé như hiện nay. Thêm nữa, sau khi làm xong “Chơi vơi”, bộ phim cũng có rất đông khán giả đến xem, tôi đã nghĩ điện ảnh cần có khán giả.
Tôi mong chạm được đến số đông
* Nghĩa là anh bắt đầu quan tâm đến chuyện làm phim cho số đông, không chỉ bởi “đơn đặt hàng” từ nhà sản xuất?
- Thì bởi đương nhiên nó là nguồn nuôi sống điện ảnh. Với dòng phim thương mại thì điều này rất rõ ràng.
Nhưng anh biết là phim nghệ thuật thì khác, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nhiều phim đạt giải đình đám tại các LHP lớn, được giới phê bình tán thưởng đều khó làm nên chuyện ở phòng vé...
Nếu nói phim ảnh là một món hàng thì phương thức bán hàng của những bộ phim nghệ thuật rất khác. Những phim tạm gọi là thương mại, thu hút khán giả, thời gian của nó chỉ được tính bằng một tháng đầu tiên sau phát hành. Thậm chí ở Mỹ là chỉ sau ba ngày. Sau đó, người ta không nhắc đến nó nữa.
Nhưng với phim nghệ thuật, 40-50 năm sau chúng vẫn còn được chiếu. Những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới đến nay vẫn còn được chiếu tại các rạp ở châu Âu. Có những phim tác giả cũng rất lãi vì đầu tư không quá lớn. Nó có thị trường của nó, là những khán giả cao cấp, các LHP và những thư viện phim như TPD... thế giới cũng tìm cách cân bằng việc đó bằng cách trao những giải thưởng như Oscar chẳng hạn. Có năm người ta trao giải cho phim ít tiền như “The hurt locker”, cũng có năm lại trao giải cho phim được đầu tư rất nhiều tiền như “Titanic”… Còn những LHP khác, người ta chú trọng vào sự sáng tạo và khác biệt...
40-50 năm sau vẫn còn chiếu
* Ở nước người hẳn là khác với chuyện “tồn kho” ở ta, và gắn liền với nó là ba chữ: “phim nhà nước”?
- Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay có những người ác cảm với phim do nhà nước đầu tư. Họ cho đó là những phim giả danh nghệ thuật, sống bằng tiền bao cấp mà không nhắm tới khán giả. Tôi không cho là vậy, có những bộ phim do nhà nước tài trợ vẫn cứ hay, chẳng sao cả! Nhưng phải nói rằng một bộ phim ra đời phụ thuộc rất nhiều vào khát vọng của nhà sản xuất.
Tôi không thích “tiệc tùng” cho lắm nhưng cũng muốn thử
* Do vậy, nhiều người, trong đó có anh đã chọn cách khác là đi xin kinh phí từ các quỹ nước ngoài và các nguồn tài trợ từ tư nhân để làm phim?
- Nếu có khát vọng làm một bộ phim thể nghiệm để thỏa mãn cá nhân thì điều đó cũng tốt. Tất nhiên người thất bại cũng nhiều nhưng đó là con đường không nên coi thường. Cũng như đừng coi thường phim thương mại bởi vì đó là một bài toán rất khó.
* Đó có phải là lý do khiến anh quyết định thử sức với một bộ phim thương mại?
- Tôi có mong muốn làm sao chạm được đến số đông. Tôi muốn mình làm một cái gì đó bài bản, chuyên nghiệp. Nhiều người nói những người làm phim nghệ thuật không có khả năng làm những bộ phim chiều khán giả mà chỉ làm những cái ba lăng nhăng theo ý mình. Thực ra không phải như vậy. Điện ảnh là một cuộc chơi mà ở đó chúng ta có lúc đi dự tiệc, có những lúc chỉ đi chơi với dăm ba người bạn tri kỷ. Bản tính của tôi thì không thích tiệc tùng cho lắm nhưng cũng muốn thử xem.
* LNHN của anh có lên đến “triệu đô” không?
- Chưa bộ phim nào ở Việt Nam hiện nay được đầu tư lên đến triệu đô cả. Hy vọng là năm sau sẽ có. Trừ khi phim thu về 40 tỉ như “Long Ruồi” thì nhà đầu tư có thể mạnh tay chi cả triệu đô. Còn thì hiện nay phim Việt đầu tư trên dưới 10 tỉ là tối đa. Đây cũng là mức LNHN đã chạm tới.
“Trăm hay không bằng tay quen”
Nhiều người nói Bùi Thạc Chuyên khó tính, có thể một phần là do “thần mặt” vẻ như “khó đăm đăm” của anh, với điệu cười nhếch mép, nửa miệng không rõ yêu - ghét gần như cố hữu ở anh. “Khó tính đến mức không cho… vợ đóng phim mình thì biết rồi đấy! Quyết không có “nàng thơ”!” – một cộng sự của anh đùa. Thậm chí, có người còn bảo Chuyên “chảnh”. “Nhưng khi làm việc với anh, tôi lại không thấy thế. Nếu khó tính chăng là ở chỗ anh tỏ ra rất “ngoan cố” và “lì đòn” trước những khó khăn để được làm phim theo đúng ý mình” – Đạo diễn Phan Đăng Di nói.
- Cùng bỏ phiếu cho sự khó tính này, cô Duyên của “Chơi vơi” nói: “Vì tôi cũng là người rất kỹ tính trong công việc nên khi làm việc cùng một người đạo diễn cầu toàn như anh Chuyên thì có thể ví như “cá gặp nước”.
Nhưng một mặt, Chuyên đồng thời cũng là một người rất linh hoạt để thích ứng với môi trường làm phim mà anh có. Đủ để ít nhất 3 năm làm được 1 phim như anh đã, khi thì làm bằng kinh phí nhà nước, khi thì tự đi xin tài trợ và khi thì do tư nhân đặt hàng. Trong khi người bạn cùng khóa với anh, đạo diễn Quang Hải thì cho đến nay vẫn mới chỉ dừng lại ở “Chuyện của Pao”(dĩ nhiên ở đây chỉ nói riêng phim nhựa) cùng những dự án phim dang dở để đến nỗi phải mang tiếng là “đạo diễn chiếu phim bằng… mồm”. Để được làm phim, Chuyên vì vậy không nhất thiết đóng gông mình bằng ba chữ “phim nghệ thuật” hay “phim tác giả” như một nhà làm phim độc lập thường chọn.
Để có một bộ phim nghệ thuật như “Chơi vơi”, một phim mình thích như vậy lâu lắm. Cũng đến lúc cần phải làm phim. Quan niệm đó thay đổi khi tôi đi dự một số LHP ở Hongkong, Rotterdam. Tôi thấy nhiều nhà làm phim trẻ họ không câu nệ chuyện đó, phải làm phim này hay phim kia bởi cơ hội của anh đến rất ít. Hiện nay điều kiện cho phép người làm phim tự do hơn nhiều. Nếu có một chiếc máy ảnh tốt, bạn cũng đã có thể quay được một bộ phim tốt để chiếu ở các rạp digital.
Tại sao cứ ngồi chờ trong khi mình không có nhiều thời gian? Vậy nên cứ làm những gì mình cho là hay, là hấp dẫn. Nó là cuộc chơi mà. Vấn đề là phải làm đến nơi đến chốn, làm hết trách nhiệm và sức lực của mình. Mendoza, một đạo diễn đến từ Phillipines 2 năm làm 3 phim, 1 được vào Venice, 1 vào Cannes. Đâu có tầm thường! Điều đó cho thấy phải làm nhiều phim thì mới rèn luyện tư duy của mình. Và phải làm nhiều dạng. Tất nhiên mỗi con đường đi khác nhau. Có người chỉ làm một dạng phim và đi rất sâu. Tôi không nói sự thay đổi phong cách của mình là hay và phải thừa nhận LNHN là một bộ phim làm tôi mất nhiều sức lực và mang đến cho tôi nhiều áp lực kinh khủng. Nhưng đổi lại, nó rất thú vị.
* Được biết, “giải” xong “Lời nguyền” thì cũng là lúc anh khởi động một dự án mới?
- Đó là một phim tôi viết kịch bản cùng một người khác. Bộ phim độc lập này có tên là “Ngủ mơ” (Dream State), hiện vẫn đang trong giai đoạn làm kịch bản và... đi xin thêm tiền. Ở đâu có tiền thì xin, 5.000-7.000 euro cũng xin. Phim ít tiền cũng làm, có bao nhiêu tiền cũng quay, hứng lên thì quay, làm đến bao giờ hoàn thành thì thôi…
Uyển chuyển và may mắn, Bùi Thạc Chuyên quyết không phải là “tay mơ” trong chuyện… đi xin tiền làm phim. “Ngủ mơ” vì vậy sau khi giành giải “Dự án phim hay nhất” tại HAF (Đại hội Tài chính Điện ảnh Hongkong) cùng số tiền khoảng 400 triệu đồng thì mới đây, lại vừa cùng “Cha và con và những chuyện khác…” của đạo diễn Phan Đăng Di đã được Quỹ Hubert Bals của LHP Rotterdam hỗ trợ 10 ngàn euro (mỗi phim) để phát triển dự án…
* “Ngủ mơ” mà thực ra là… thức dậy, vậy là phim độc lập, phim nghệ thuật vẫn là con đường dài mà anh chọn đi, còn phim thương mại chỉ là cuộc chơi đổi gió?
- Không, phim thương mại mang tính nghề nghiệp nhiều hơn. Giống như một người thợ thủ công, ngoài lúc sáng tác ra anh còn phải gõ, phải đục, phải thực hành chứ không thì quên nghề mất. Làm phim cũng vậy. Nếu 5 năm không làm phim anh sẽ không biết diễn viên nào cả. Anh phải thường xuyên gặp gỡ, giao tiếp với diễn viên. Với LNHN, tôi được thử những cách làm việc khác nhau với diễn viên chứ không phải chỉ để đổi gió. Không làm phim, thời gian đó anh sẽ đứng ngoài đời sống điện ảnh và sẽ bị trật ra ngoài. Những bộ phim thương mại cho mình được làm nghề, được hít thở không khí làm phim. Bên cạnh đó mình vẫn phải phát triển các dự án phim độc lập. Người ta chỉ hơn nhau ở mục đích, khát vọng lớn hay nhỏ.
* Hỏi thật, anh đã bao giờ “ngủ mơ” thấy một lúc nào đó phim của mình không chỉ tham dự các hạng mục phụ mà sẽ được tranh giải chính thức tại các LHP lớn trên thế giới?
- Điều đó ai cũng muốn nhưng thực sự nghĩ đến những chuyện đó rất mệt. Làm phim tham dự LHP và đoạt giải với tôi không phải mục đích tối thượng. Người làm nghề chỉ mong được làm phim và có một môi trường mà mình được tắm trong đó, được làm điều mình thích. Làm phim mới là điều quan trọng chứ không phải chuyện danh hiệu vì danh hiệu ai cũng có thể đặt cho mình.
* Với LNHN, anh đã thực sự “quên” được “Chơi vơi” chưa?
- Tôi luôn nghĩ mình chẳng có gì. Một bộ phim khi đã xong là vai trò của nó chấm dứt ở đó. Sau bộ phim ấy cũng có thể mình sẽ trở về con số 0. Thực tế là không phải anh đã làm một bộ phim hay rồi thì phim sau cũng sẽ hay. Chuyện một đạo diễn bậc thầy làm phim trước rất hay nhưng sau rất dở, thậm chí dở tệ là rất bình thường. Tôi nghĩ chẳng việc gì phải lo lắng chuyện đó cả cho nó nhẹ đầu!
… Và vì Bùi Thạc Chuyên đã “quên” “Chơi vơi” (dĩ nhiên là theo cách nói của anh) nên chắc hẳn đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để Đẹp “nhắc lại chuyện cũ” với anh xung quanh câu chuyện casting đầy “kịch tính” của “Chơi vơi”, trừ khi bạn cố công tìm hiểu nó bằng cách… tra google.
Dù rằng, “lời nguyền” vẫn còn đó.
Nhưng nói như chính LNHN, trong đoạn trailer vừa được tung lên mạng vừa qua thì: “Đâu đó trong thế giới này… bí ẩn tồn tại giữa chúng ta. Có những bí ẩn… phải được khám phá…”, và… không nên khám phá (nữa) – hẳn vậy?
Diễn viên người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan:
“Khi xem “Sống trong sợ hãi”, Linh Đan đã rất thích và hy vọng có ngày được làm phim với anh Chuyên. Tới lúc nhận được lời mời từ “Chơi vơi” thì điều đó đã trở thành hiện thực: một kịch bản hay và một đạo diễn giỏi.
Có thể nói rằng anh Chuyên là một nghệ sĩ tài năng thực thụ. Nếu như ở “Sống trong sợ hãi”, Linh Đan thích sự tương giao giữa các tuyến nhân vật và cách xử lý diễn xuất của nó thì đến “Chơi vơi”, điều đáng kể hơn cả chính là sự mới mẻ trong cách nhìn và thể hiện. “Chơi vơi” được đánh giá cao trên phim trường quốc tế, Linh Đan cho là vì thế.
Ngoài ra, Linh Đan cũng rất thích tính kiên nhẫn, bền bỉ và sự khéo léo uyển chuyển trong “đường lối đối ngoại” của anh Chuyên. Mặc dù là một nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật nhưng anh Chuyên đồng thời hiểu được khía cạnh thương mại của nghề làm phim. Chính vì vậy anh đã có thể thuyết phục được các nhà sản xuất, nhà tài trợ và làm cho họ hài lòng mà không phải thoả hiệp những sáng tạo nghệ thuật thực sự của mình.
Anh Chuyên à, khi nào thì mình lại có thể làm phim cùng nhau?
* Diễn viên Đỗ Hải Yến:
“Gửi gắm vai Duyên của “Chơi vơi” cho tôi, Bùi Thạc Chuyên “đặt hàng” rằng: anh muốn một cô Duyên luôn như một dòng nước trông hiền hòa và trôi mênh mang nhưng bên trong thì luôn cố gắng khám phá dòng chảy cho riêng mình. Đứng trước một vai diễn gần như không có gì để diễn ấy, “điểm bám” mạnh nhất của tôi có lẽ chính là niềm tin: Một đạo diễn có tài như Bùi Thạc Chuyên chắc chắn biết rất chính xác đường dây mà mình đang đi. Để làm được một bộ phim có không khí đặc biệt và kén khán giả như “Chơi vơi”, tôi nghĩ rằng đạo diễn ngoài lòng yêu nghề, sự dũng cảm thì còn phải rất đặc biệt và giỏi nghề nữa!” |
Theo Đẹp