Bùi Chí Vinh: chàng “Z Men” cho tuổi teen

15/03/2010 14:27 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Văn sĩ Bùi Chí Vinh vừa ấn hành tập 1 Những hiệp sĩ Z Men (NXB Trẻ) nhân dịp Hội sách TP.HCM 2010. Bùi Chí Vinh là tác giả của những vần thơ được vỗ tay nồng nhiệt khi đọc lên ở chốn đông người. Nhưng anh cũng là tác giả ăn khách của những đầu sách viết cho tuổi mới lớn. Những hiệp sĩ Z Men được xem như sự trở lại sau nhiều năm anh “đi vắng” ở thể loại sách dành cho tuổi teen và đây cũng là lần đầu anh viết truyện khoa học giả tưởng.

TT&VH có cuộc trò chuyện với văn sĩ Bùi Chí Vinh


* Bộ truyện Những hiệp sĩ Z Men của anh hiện đã hoàn thành bao nhiêu tập? Sao anh lại dùng chữ Z - khiến người ta nhớ đến hiệp sĩ Zorro - một biểu tượng có tính nhân loại cho bộ truyện này?

- Xin giữ bí mật về số tập của bộ truyện khoa học giả tưởng Z Men. Tôi đang viết tập 2 tựa đề Z Mentrận chiến ngược thời gian với khả năng có thể hoàn thành trong vòng 10 ngày hoặc 20 ngày hoặc 30 ngày tùy theo sự tiêu thụ tập 1 Những hiệp sĩ Z Men tại Hội sách thành phố.

Nếu tập 1 bán chạy và được tái bản thì trình tự sản xuất những tập tiếp theo sẽ diễn tiến cực nhanh. Nhanh như cách đây 15 năm dù tôi đã gối đầu 10 tập Năm Sài Gòn cho NXB Kim Đồng, nhưng sau 4 tuần phát hành, con số in nối bản đã lên gấp 3 gấp 4 lần ấn bản ban đầu dự kiến. Nói cho cùng sách bán chạy là quan trọng nhất.

Riêng chữ Z được tôi chọn cho Những hiệp sĩ Z Men, không chỉ là biểu tượng có tính nhân loại nhắc đến sự nghiệp của anh hùng trừ gian diệt bạo Zorro, mà còn là một biểu tượng đề kháng với tín hiệu X của bộ phim X Men lừng danh được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên nổi tiếng. Tại sao X Men với những nhân vật tưởng tượng gây được dấu ấn với khán giả xem phim, mà Z Men lại không thể gây ấn tượng mạnh với độc giả tuổi teen qua tín hiệu Z hiệp sĩ?

* Năm nhân vật chính trong Những hiệp sĩ Z Men đại diện cho 5 quốc gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Nga, Nhật và Pháp. Để biến một nhân vật thành đại diện cho một đất nước, hoặc có thể hiểu là một nền văn hóa, anh đã “tích cóp” kiến thức như thế nào về các nền văn hóa đó?

- Để cho nhân vật vượt lên trên một bộ truyện giải trí và đại diện cho một quốc gia hoặc một nền văn hóa thì rõ ràng không phải chuyện đùa. Trong một thời gian dài tôi đã đi thu lượm tài liệu ở các thư viện, nghiên cứu các sách báo giá trị để viết ra không bị hớ.

Đối với nước Nhật tôi không khai thác nhiều chất Samurai mà tập trung vào vấn đề ẩm thực bởi người Nhật hiện đại rất tinh tế trong việc biến thức ăn thành một thứ văn hóa riêng. Đối với Hoa Kỳ tôi thả hồn theo những cuộc phiêu lưu của những chàng chăn bò miền Viễn Tây và cuộc tổng canh tân khoa học sau thời kỳ chiến tranh Nam Bắc... Viết ra những điều này nhằm khái quát tinh thần dân tộc từng quốc gia, mà không hiểu về họ là... sai một li đi một dặm.

* Bộ truyện Năm Sài Gòn của anh từng rất “ăn khách” (và được chuyển thể thành 40 tập phim truyền hình Ngũ quái Sài Gòn), nhưng Năm Sài Gòn là truyện phiêu lưu mạo hiểm, còn Những hiệp sĩ Z Men lại là truyện khoa học giả tưởng. Để từ “phiêu lưu” sang “giả tưởng”, Bùi Chí Vinh đã có những “bước nhảy” quan trọng nào?

- Tôi cho rằng người viết truyện cho thiếu niên hoặc thiếu nhi bắt buộc phải thay đổi đề tài và tự làm mới chính mình để giữ độc giả. Bỏ bút thì không nói làm gì, còn đã cầm bút thì phải có lương tri. Tôi có cảm giác trẻ con đang bị định hướng sai. Những người lớn có tâm huyết thì không có tiếng nói trên báo chí. Còn những người không tâm huyết hay giả vờ tâm huyết thì mặc sức vẽ đường cho tuổi trẻ vọng ngoại với đủ phương tiện trong tay. Trẻ em lớn lên không còn biết đến dân ca, không hề nhớ một bài hát ru, hò vè, ca dao dân tộc... Có đọc sách đọc truyện thì chúng đọc truyện lai tạp du nhập từ nước ngoài. Có ước mơ thì chúng ước mơ làm người mẫu, hoa hậu hoặc cầu thủ bóng đá để kiếm tiền nhanh hơn. Thú thật tôi đã từng thề bẻ bút trước hiện tượng này.

Tôi viết bộ truyện Những hiệp sĩ Z Men lần này không phải là “bước nhảy” ra ngoài thế giới hiện thực. Ngoài vũ trụ cái ác và cái xấu cũng tương tự như trái đất với đủ muôn mặt hình thù quái nhân, quái vật, ngụy quân tử, giả hình...

* Anh có nhận xét thế nào về truyện khoa học giả tưởng do người Việt sáng tác cho độc giả Việt hiện nay?

- Tôi đang chờ sự cạnh tranh lành mạnh và sòng phẳng của các đồng nghiệp trong đề tài khoa học giả tưởng luôn mới mẻ và cũng xưa như trái đất này.

* Xin cảm ơn!

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm