Cuộc đối đầu dai dẳng Nga - phương Tây

20/04/2021 21:10 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể thấy rằng một vòng xoáy đối đầu mới lại xuất hiện trong mối quan hệ vốn chưa khi nào thôi căng thẳng giữa Nga và Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung. Kể từ đầu năm tới nay, tần suất các động thái “ăn miếng, trả miếng”, trừng phạt - đáp trả giữa hai bên ngày càng gia tăng, đỉnh điểm là việc Mỹ, Ba Lan và CH Séc chỉ trong vài ngày qua liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đổi lại Nga cũng đưa ra các biện pháp tương tự.

Điện Kremlin tiết lộ chủ đề cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ

Điện Kremlin tiết lộ chủ đề cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ

Ngày 26/6, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài khoảng một giờ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong ngày 28/6 tại thành phố Osaka, Nhật Bản để thảo luận về những vấn đề nóng hiện nay.

Xét về quy mô, đây là đợt trừng phạt và "ăn miếng trả miếng" cứng rắn nhất kể từ năm 2018, sau vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal được cho là bị đầu độc tại Anh mà phương Tây luôn cáo buộc do Moskva gây ra, dù Nga nhiều lần bác bỏ. Điều đáng nói, Washington công bố loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ngoài việc trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, trong gói biện pháp công bố ngày 15/4, phía Mỹ đã áp đặt trừng phạt khoảng 40 cá nhân và thực thể của Nga. Ba Lan và Séc ngay sau đó cũng thông báo trục xuất lần lượt 3 và 18 nhà ngoại giao Nga. Đáp lại, phía Nga trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, 3 nhà ngoại giao Ba Lan và 20 nhà ngoại giao Séc. 

Lâu nay, mối quan hệ Nga - Mỹ vẫn trong trạng thái "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", nhưng việc Washington áp đặt gói trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Moskva chỉ vài ngày sau đề xuất về một cuộc gặp thượng đỉnh song phương được xem là chỉ dấu rõ ràng cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ với Nga.

Chuyên gia Charles Kupchan thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington nhận định nếu như trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, chính sách đối với Nga bị đánh giá "mập mờ và thiếu cụ thể", thì định hướng này sẽ rõ ràng và quyết liệt hơn dưới thời Tổng thống Biden. Theo đó, chính quyền của ông Biden được cho sẽ không khơi lại hy vọng "cài đặt lại" quan hệ với Moskva và điều này làm dấy lên khả năng quan hệ giữa 2 nước trong thời gian tới sẽ chủ yếu nghiêng nhiều về cán cân "đối đầu" thay vì "hợp tác".

Trong khi đó, quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) hiện được cho đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những động thái gần đây càng cho thấy hai bên dường như đang "ngắt kết nối" trong quan hệ song phương khi chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Nga và các nước thành viên EU như Hà Lan, Italy, Đức, Thụy Điển và Ba Lan liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu ra một nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một "đối tác chiến lược" của EU, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định nước này "sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ" nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Moskva. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái). Ảnh: AFP/TTXVN

Trên thực tế, quan hệ Nga-phương Tây đã xuống dốc trầm trọng kể từ năm 2014 liên quan đến tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý ở vùng lãnh thổ này. Kể từ đó, quan hệ Nga/Mỹ, Nga-EU dường như được "lập trình" trong những chu kỳ căng thẳng leo thang và vòng xoáy đối đầu, mà tâm điểm khi là cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ, lúc là cáo buộc Moskva dính líu tới vụ một cựu điệp viên hay một nhân vật đối lập nghi bị đầu độc... 

Tất cả những vòng xoáy căng thẳng trong quan hệ Nga-phương Tây như vậy được coi  là "tàn dư" của thời Chiến tranh Lạnh, khi mà cuộc đối đầu Đông - Tây diễn ra khốc liệt. Giới phân tích nhận định về bản chất, đối đầu Nga-Mỹ hay Nga - phương Tây có liên quan tới cuộc cạnh tranh địa-chính trị và tranh giành ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi. Việc nước Nga kể từ năm 2000 dần khôi phục vai trò và sức mạnh của một cường quốc đã biến Moskva trở thành một bên trong thế đối trọng với Mỹ và các nước phương Tây. 

Trong vòng xoáy đối đầu địa-chiến lược đó, những động thái của Mỹ và phương Tây như mở rộng sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông bằng cách kết nạp thêm các nước láng giềng của Nga làm thành viên, triển khai vũ khí và lực lượng khu vực sát biên giới Nga... luôn bị Moskva coi là mối đe dọa đối với những lợi ích cốt lõi của Nga. Đó cũng là lý do Moskva luôn đáp trả tương ứng với các động thái trừng phạt của Mỹ và phương Tây.  

Tuy nhiên, trong gần 20 năm qua, không ít lần Nga-Mỹ hay Nga-EU nhắc tới khả năng “tái cài đặt” quan hệ song phương. Nói cách khác, Nga cũng như Mỹ và phương Tây vẫn nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương ổn định. Mỹ và EU khó có khả năng đóng hoàn toàn cánh cửa hợp tác với Nga mà sẽ để ngỏ cho những vấn đề mà lợi ích của các bên tương đồng hoặc ở những lĩnh vực mà cả hai đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết, như việc kiểm soát vũ khí, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và ứng phó với dịch bệnh

Trong một thế giới toàn cầu hóa, Nga, Mỹ, EU hay các nước khác đều có sự ràng buộc nhất định cả về chính trị, an ninh, kinh tế. Những thách thức mới và những biến động khó lường trong đời sống chính trị quốc tế càng khiến các bên, ở một chừng mực nào đó, thêm phụ thuộc lẫn nhau. Dịch COVID-19 hoành hành hơn 1 năm nay trên toàn cầu là một minh chứng cho thấy khó có quốc gia nào, dù mạnh tới đâu, có thể một mình đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy nhiều vấn đề quốc tế nóng, kể các các vấn đề hạt nhân Iran, xung đột Trung Đông, căng thẳng tại Ukraine... được giải quyết với sự tham gia của cả Nga và các nước phương Tây. Nói cách khác, trong nhiều vấn đề, Mỹ và EU có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy đối thoại với Nga. Có thể từ yếu tố này, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 19/4 đã có cuộc thảo luận về quan hệ giữa hai nước và khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh song phương.

 Cuộc đối đầu địa-chính trị mang tính chiến lược giữa Nga và phương Tây kéo dài hàng chục năm nay cho tới thời điểm này rõ ràng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Các biện pháp trừng phạt - đáp trả mà hai bên liên tục đưa ra càng khiến thế đối đầu thêm gay gắt và dai dẳng. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, hai bên vẫn có sự nhượng bộ, kiềm chế nhất định để không đẩy mối quan hệ có tầm ảnh hưởng này vào bước đường cùng.

Phương Oanh - Duy Trinh (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm