Họa sĩ Lê Quân: Tâm đắc với chân dung Hữu Loan

16/07/2010 14:53 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Triển lãm Giai điệu màu sẽ khai mạc ngày 20/7 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội, với 49 tác phẩm của Lê Quân. Đây là triển lãm đầu tiên của Lê Quân tại Việt Nam, sau các triển lãm ở Pháp, Singapore… Trong năm 2010 này, Lê Quân còn được mời triển lãm tại Hong Kong, Ma Cau (Trung Quốc) và Pháp, Anh.

Đây không phải là cuộc trưng bày tranh chân dung, vì chúng chỉ chiếm khoảng 10% trong 49 tác phẩm, nhưng với Lê Quân là cả một câu chuyện thú vị. Thứ nhất, vì anh tự mày mò học vẽ, nên việc diễn tả cốt cách hay tâm trạng của một người thường gặp nhiều khó khăn về mặt giải phẫu hình thể, kỹ thuật khó chiều lòng người. Thứ hai, tranh chân dung không phải là chủ đề chính mà anh hướng đến trong việc cầm cọ của mình, nên anh chỉ vẽ những người bạn, người quen, thật khó để nói là “vẽ quen tay”. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả điều đó, sự tự tin, táo bạo và những cảm xúc mà Lê Quân đã mang đến cho tác phẩm cũng thật đáng xem.

Vẽ như chơi

Trong khoảng 15 tranh chân dung mà Lê Quân giới thiệu trên website chính thức của mình, vẽ về Phan Vũ 2 bức, nhưng nhà thơ này lại thích nhất là chân dung thi sĩ Hữu Loan, gầy nhom và cô độc.

“Tôi xem tranh Lê Quân từ khi cậu ấy mới bắt đầu vẽ, suốt 1 năm tôi chẳng có ý kiến gì, chỉ đến khi vẽ hoa, với những vệt màu bạo dạn và đầy bất ngờ, tôi mới thực sự ngạc nhiên và khen ngợi. Tranh của Lê Quân vừa có sự điềm nhiên của người đi qua được sự bon chen, vừa có sự quyết liệt của con người khoa học, đầy nghị lực. Nếu quá khắt khe thì không thể xem tranh Lê Quân được, về bố cục toàn thể thì được, nhưng chi tiết lại yếu. Đặc biệt những bức vẽ chân dung luôn hỏng về mặt giải phẫu hình họa, nhưng khả năng biểu cảm thì tạo được sự thu hút”, Phan Vũ nhận xét.


Tác phẩm Phan Vũ, sơn dầu, 30x45cm, 2008
Lê Quân kể, bản thân anh cũng không thích vẽ tranh chân dung cho lắm, vì nó nhọc công và dễ bị thị phi là giống hoặc không giống, có thần hay không có thần. Nhưng với những người quen, những người bạn vong niên như Hữu Loan, Trịnh Công Sơn, Phan Vũ, Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, Trần Tiến, Hồng Đăng, Vũ Ngọc Quang... thì anh cứ vẽ theo ý thích của mình. “Đẹp hay không đẹp với tôi chẳng quan trọng, vì vẽ cốt là để bày tỏ tình cảm của mình với bạn, vẽ như thật là mình muốn... chứ đâu vì một mục đích gì khác. Nói sợ nhiều người không ưa, chứ tôi vẽ như chơi vậy, ai thích thì chơi, không thì thôi, đâu thể gò ép nhau được. Thơ ca nhạc họa, suy cho cùng, cũng là để nói chuyện lòng mình; mà lòng mình đâu phải là lòng thiên hạ, một vài người thích đã là may mắn lắm rồi”, Lê Quân tâm sự.

Tâm đắc với Hữu Loan


Tác phẩm Hữu Loan, sơn dầu,
90x60cm, 2007

Trong số các chân dung đã vẽ, Lê Quân nói rằng mình tâm đắc với thi sĩ Hữu Loan, không phải vì bức này được nhiều người thích, mà vì chuyện đời của hai người. Lê Quân là nhà khoa học, chủ tập đoàn sơn Joton, là doanh nhân... nhưng ước mộng lại muốn về quê ở Hải Dương để trồng rau sạch, ngày ngày chở rau ra chợ bán. Anh nói cuộc đời thồ đá của Hữu Loan tuy nặng nhọc về thân xác nhưng lại thanh sạch về tâm hồn, mà thanh sạch là chất liệu duy nhất để đến được sự thảnh thơi. Mà đời này, thảnh thơi là thứ đắt giá nhất, dù lắm tiền lắm quyền, cũng chẳng thể mua được.


“Hữu Loan đầu tóc bạc phơ, ngồi trên chiếc ghế màu đỏ, nền tranh màu vàng đất... là một bố cục đầy ẩn ý và khá nên thơ. Nhìn cách Hữu Loan gác chân trên đầu gối, ánh mắt nhìn xa xăm... thì đủ thấy tác phẩm không chỉ diễn tả được cái thần, mà còn kể được câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió và thi vị”, Phan Vũ nói.

Với kinh nghiệm đã bán được hơn 100 ngàn USD tiền tranh, Lê Quân nói tranh vốn là một hàng hóa vô dụng, tặng cái vô dụng cho thiên hạ đã khó, bán thì càng khó hơn, nên ai mua tranh mình thì rất trân trọng, vì người biết chơi cái vô dụng đâu có nhiều. Nói thì nói vậy, nhưng không phải tác phẩm nào tác giả cũng muốn bán, như chân dung Hữu Loan chẳng hạn, Lê Quân muốn giữ lại bên mình càng lâu càng tốt, vì đó là kỷ niệm cho tình bạn vong niên.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm