EURO 2012 trước giờ G: Nỗi ám ảnh thế hệ Vàng

31/05/2012 14:09 GMT+7 | Euro 2012

(TT&VH) - Vàng vốn đã quý, vàng trong bóng đá lại càng quý hơn, và một thế hệ vàng giành được vàng trong bóng đá có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong lịch sử kéo dài hàng trăm năm của môn thể thao này. Tại sao lại thế?Sau thất bại tan nát ở World Cup 2006, người Anh cứ thắc mắc mãi rằng tại sao thế hệ vàng của họ, với Beckham, Paul Scholes, Terry, Ferdinand, Gerrard, Cole… lại có thể ra về sớm đến vậy. Thế hệ ấy đúng là có “tố chất” của vàng, cả về tài năng, bản lĩnh, và “chín” cùng một giai đoạn, vậy thì họ còn thiếu gì nữa đây?



Tuyển Pháp trông chờ vào thế hệ 1987 trong đó có Nasri và Ben Arfa - Ảnh Getty

Vàng của người Anh có lẽ được đánh bóng quá tay, quá đến mức mà bên trong, đáng ra là vàng ròng, lại biến thành chì và họ chỉ còn lại thế hệ… mạ vàng. Truyền thông Anh luôn sản sinh ra mỗi năm một vài thần đồng (nhưng không thể lớn), tranh cãi những chuyện cỏn con và thậm chí mở rộng nó ra thành chủ đề khai thác nhiều năm (như chuyện Gerrard-Lampard tại sao không đá được với nhau), và bào chữa kịch liệt cho những thất bại, trong khi vấn đề bản lĩnh và tư duy chơi bóng xơ cứng của người Anh là những điều họ rất ít thừa nhận.

Vàng của người Bồ không như thế: Thế hệ đã đăng quang ở hai giải trẻ thế giới liên tiếp vào các năm 1989 và 1991 (Baia, Couto, Figo, Rui Costa, Gomes…) được chăm chút khá cẩn thận, và không bị đánh bóng kiểu mạ vàng. Nhưng vàng ấy giỏi lắm cũng chỉ là… bạc: Họ vào đến bán kết EURO 2000 và World Cup 2006, và đau đớn nhất là trận thua Hy Lạp ở chung kết EURO 2004 ngay trên sân nhà.

Vàng này thì rõ ràng là vàng không qua thử lửa, và tất nhiên, không chịu nổi “nhiệt” khi phải đứng trước những khoảnh khắc mà tài năng là chưa đủ để tạo ra cú rướn cuối cùng đến vinh quang.

Không cần phải nhắc quá nhiều về vàng của người Hà Lan, vì “công thức” nấu vàng của họ nhiều năm vẫn rất cứng nhắc: Vàng rất chất lượng, nhưng ít giá trị khi cần quy đổi thành danh hiệu. Từ thế hệ đỉnh cao là Johann Cruyff, Neeskens… cho đến thời của Van Basten, Gullit, họ đã 3 lần về nhì ở World Cup, và chỉ chiến thắng đúng một lần ở EURO 1988.

Vàng của người Italia cũng đã trải qua một vài giai đoạn như thế. Thế hệ của Cannavaro, Nesta, Totti, Inzaghi… từng thua Pháp một cách đau đớn ở chung kết EURO 2000, bị Hàn Quốc loại ở vòng knock-out tại World Cup 2002, giải đấu mà họ được đánh giá là ứng viên hàng đầu. Phải đến khi vàng được nung trong ngọn lửa tự tôn bùng lên dưới “chất xúc tác” là Calciopoli, thì thế hệ ấy mới bước lên đỉnh thế giới 4 năm sau tại Berlin.

Vàng của người Pháp thậm chí phải bị vùi dưới một lớp chì và kiên trì cọ rửa mới xuất hiện. Tại World Cup 1998, đội bóng của HLV Aime Jacquet bị chỉ trích tơi bời, vào giải với đội hình không tiền đạo, và cặp tiền đạo Henry – Trezeguet khi ấy chỉ là những cầu thủ tiềm năng, nhưng rốt cục, thế hệ ấy đã lên đỉnh thế giới và đỉnh châu Âu chỉ trong vòng hai năm, chứng tỏ chân giá trị của họ, và hai danh hiệu ấy còn là biểu tưởng chiến thắng của một đội tuyển Pháp đa sắc tộc.

Vậy là chúng ta có công thức rất phức tạp để tạo ra một thế hệ vàng biết cách giành vàng trong bóng đá. Tài năng chỉ là bước một. Chăm chút tốt cũng chỉ là bước hai. Bản lĩnh và cá tính dân tộc cũng rất cần thiết. Vàng nhất thiết phải qua thử lửa, thậm chí là được “đãi” ra trong điều kiện rất khó khăn, mới có thể hoàn thiện.

Việc người Pháp nhắc lại sự kỳ vọng vào thế hệ 1987, và người Đức từng bắt đầu mơ về một thế hệ vàng từ những cầu thủ hiện tại, cho thấy một sự ám ảnh ghê gớm về thế hệ vàng. Và đặt trong sự so sánh với “quy trình nấu vàng” quá khắc nghiệt của lịch sử, chúng ta hiểu rằng thời của những lò nấu vàng như thế có lẽ đã qua rồi.

Phạm An



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm