12/04/2018 06:23 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc họp vào ngày 10/4 vừa qua của HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) không chỉ truyển đi thông điệp cho thấy họ vẫn đặt trọn niềm tin vào việc ông Trần Anh Tú kiêm nhiệm cả chức Chủ tịch HĐQT cũng như Tổng Giám đốc mà còn hé lộ nhiều phác thảo đáng chú ý ở Đại hội BCH VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018-2022).
Trong số 8 thành viên HĐQT VPF tham dự cuộc họp ngày 10/4 thì chỉ thiếu vắng ông Nguyễn Hồng Thanh do bận cùng SLNA tham dự AFC Cup 2018, còn 7 thành viên khác vẫn góp mặt đầy đủ, trong đó nếu không tính ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT và 2 đại diện từ VFF là ông Lê Hoài Anh và bà Đinh Thị Thu Trang thì còn có cả 3 đại diện từ các đội bóng là ông Lê Nguyên Hồng (Quảng Nam), ông Phạm Thanh Hùng (Than Quảng Ninh) và ông Trần Lâm Vũ (Đồng Tháp).
Ngoài ra, có một cái tên rất đáng chú ý không phải là Ủy viên HĐQT VPF nhưng vẫn có mặt ở cuộc họp là ông Huỳnh Mau, GĐĐH HAGL và hiện là thành viên Ban Kiểm soát VPF. Có mặt tại cuộc họp và chứng kiến 6/7 Ủy viên HĐQT VPF bỏ phiếu giữ ông Tú ngồi lại ghế Tổng Giám đốc, hẳn ông Mau sẽ ít nhiều hiểu được những thông điệp mà HĐQT VPF muốn truyền tải để ông Mau về báo cáo với lãnh đạo của mình là ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Chắc chắn HĐQT VPF hiểu rõ cả mặt tích cực và mặt tiêu cực của việc để ông Tú đảm nhiệm cùng lúc 2 chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc VPF, nhưng khi chưa tìm được một ứng viên thích hợp và xứng đáng để làm Tổng Giám đốc thì có lẽ họ thà để ông Tú kiêm nhiệm vị trí này còn hơn là bổ nhiệm vội vàng một cái tên nào đó nhằm chiều lòng những người đang hô hào đòi rút bớt ghế của ông Tú.
Thậm chí, ngay cả lời đe dọa sẽ rút đội bóng khỏi V-League của bầu Đức có vẻ cũng không khiến HĐQT VPF cảm thấy hoang mang hay lo lắng, khi mà tại cuộc họp báo cũng trong ngày 10/4, Phó Tổng Giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc được lãnh đạo VPF đề nghị công bố cụ thể phương án tổ chức V-League trong trường hợp có CLB rút lui giữa chừng.
Thực ra ông Tú không phải là trường hợp lãnh đạo VFF đầu tiên đảm đương nhiều cương vị cùng lúc, bởi cách đây 8 năm, ông Nguyễn Lân Trung từng được gọi là ông “Phó 7 trong 1”, khi ngoài chức danh Phó Chủ tịch Truyền thông & Đối ngoại VFF nhiệm kỳ 2009-2013, ông Trung còn sở hữu 6 chức danh khác là Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, TTK Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hội hữu nghị Việt Pháp (Hà Nội), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ủy viên BCH Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, ở thời điểm đấy vì VPF chưa ra đời và ông Trung cũng không đảm nhiệm vị trí có nhiều ảnh hưởng tới V-League nên người ta chỉ nhắc tới câu chuyện ông Trung có nhiều chức như là một đề tài lúc trà dư tửu hậu, chứ không phải trở thành điểm nóng để công kích và thậm chí là đe dọa như những gì mà ông Tú đang phải chịu đựng hiện nay.
Giả sử lấy ý kiến của 3 Ủy viên HĐQT VPF là đại diện từ các đội bóng để phán ánh phần nào quan điểm của các CLB ở V-League và giải hạng Nhất thì thấy rằng dường như họ không quá quan tâm tới việc ông Tú đang giữ bao nhiêu chức vụ mà chỉ cần biết ông Tú có phải là nhân sự phù hợp cho vị trí lãnh đạo VPF hay không, và nếu nhận được câu trả lời "Có" thì họ sẽ bỏ phiếu cho ông Tú, như câu chuyện 6/7 phiếu bác bỏ quyết định từ chức Tổng Giám đốc VPF kể trên của ông Tú.
Tương tự như thế, cho dù những người ủng hộ hay phản đối ông Tú có thực hiện những chiến dịch vận động hoặc chiến dịch truyền thông tới cỡ nào thì cũng không thể thay thế được thực tế là chỉ có 66 tổ chức thành viên VFF mới có quyền lựa chọn nhân sự cho các vị trí lãnh đạo cao cấp của VFF khóa tới, và chắc chắn họ sẽ đưa ra quyết định dựa trên cơ sở xem xét lợi ích của tổ chức mà mình đang phục vụ cũng như lợi ích của bóng đá Việt Nam, chứ không phải họ sẽ bỏ phiếu vì số phận của một hay một số đội bóng, bởi suy cho cùng thì ở bất cứ tổ chức hay đơn vị nào cũng vậy, lợi ích của cá nhân không thể và không bao giờ được phép đứng trên lợi ích của tập thể.
0 Không một thành viên nào của HĐQT VPF bỏ phiếu tán thành quyết định từ chức Tổng Giám đốc VPF của ông Trần Anh Tú. 7 Cách đây 8 năm, một lãnh đạo cao cấp của VFF là ông Nguyễn Lân Trung từng đảm nhiệm cùng lúc 7 cương vị lãnh đạo khác nhau ở các cơ quan Nhà nước, đoàn thể và tổ chức xã hội nghề nghiệp. 66 Chỉ có 66 tổ chức thành viên VFF mới có quyền quyết định bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ VIII (2018-2022). |
Huy Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất