14/09/2022 05:55 GMT+7 | Bóng đá Việt
Rời Cerezo Osaka Nhật Bản, từ J-League đỉnh cao châu Á về với Topenland Bình Định và sân chơi V-League, không ít ý kiến cho rằng đó là một bước lùi của thủ môn Đặng Văn Lâm và anh dường như chỉ nghĩ đến tiền bạc. Nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của thủ môn Việt kiều này, quyết định nào cũng có lý do và đôi khi, tiền không phải là tất cả.
Đi lên bằng thực lực
Bóng đá Việt Nam đã từng có khá nhiều trường hợp cầu thủ Việt Nam xuất ngoại với những điểm đến khác nhau từ châu Á sang châu Âu nhưng không phải ai cũng được các đối tác nước ngoài đặt vấn đề ký hợp đồng chuyển nhượng như trường hợp của Đặng Văn Lâm. Sau khi cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018, Đặng Văn Lâm lọt vào tầm ngắm của Muangthong United tại Thái Lan và Giám đốc điều hành của đội bóng này đã phải cất công sang tận Hải Phòng để đàm phán với đội bóng đất Cảng việc chuyển nhượng Văn Lâm.
Con số 500.000 USD phí chuyển nhượng cùng mức lương hơn 16.000 USD/tháng không phải quá lớn nhưng vẫn là kỷ lục với bóng đá Việt Nam thời điểm bấy giờ và Văn Lâm đã được đưa đi khỏi Hải Phòng và V-League, dù đội bóng đất Cảng muốn giữ anh ở lại để làm thương hiệu, phát triển hình ảnh của đội bóng.
Hai năm chơi bóng tại Thai League (2019-2021) có thể nói là một khoảng thời gian thi đấu tương đối thành công của Văn Lâm với việc thường xuyên được bắt chính và có không ít trận đấu giữ sạch lưới, được chọn vào đội hình tiêu biểu vòng đấu. Đáng tiếc là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dẫn đến hệ quả là Muangthong United không trả lương cho những cầu thủ như Văn Lâm đúng thời hạn cũng như thỏa thuận đã thống nhất trong hợp đồng.
Tranh cãi nổ ra và vụ việc được đưa lên FIFA phân xử và Văn Lâm được cho phép rời Muangthong United mà không phải đền bù hợp đồng do vi phạm. Đây cũng là cột mốc quan trọng khiến Văn Lâm phải suy nghĩ là trở về V-League hay tiếp tục vượt ra khỏi vùng an toàn để khám phá, học hỏi, thử thách giới hạn của bản thân.
Dẫu vậy, cơ duyên đến với J-league 1 cùng Cerezo Osaka không phải là tình cờ vì màn trình diễn chói sáng của Văn Lâm trong màu áo đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019 với thành tích lần đầu tiên lọt vào tứ kết đã thuyết phục đội bóng này. Một mức lương tương tự Lâm đã nhận được trước đó tại Thái Lan cùng chế độ đãi ngộ tương xứng, quan trọng là được tập luyện và thi đấu trong một môi trường bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á đã đủ sức hút để thuyết phục Văn Lâm dấn thân thêm một lần nữa.
Vẫn biết việc cạnh tranh vị trí với những đồng nghiệp hàng đầu châu Á như Kim Jin Hyeon, thủ thành số 3 của đội tuyển Hàn Quốc, có kinh nghiệm hơn 400 trận bắt chính liên tục tại J-League 1 là vô cùng khó khăn với một thủ môn đến từ một nền bóng đá trung bình, khá ở châu Á như Văn Lâm nhưng khó khăn không hề khiến Lâm chùn bước. Đã hơn một lần Văn Lâm tâm sự với người viết rằng mình học hỏi được rất nhiều khi được tập luyện và thi đấu tại Cerezo Osaka từ những giáo án tập luyện bài bản, khoa học và chuyên nghiệp cho tới chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn, chế độ hồi phục sau các buổi tập luyện và thi đấu…
Tất cả những điều đó khiến việc ít được thi đấu với chỉ 2 trận bắt chính trong gần hai năm ở Cerezo Osaka do chấn thương và gặp khó trong việc cạnh tranh vị trí không khiến Văn Lâm quá buồn vì tự hiểu vị thế của mình và nhận thấy đã học hỏi được những gì ở đây. Và giờ Văn Lâm đã trở về V-League nhưng không phải ở đội bóng cũ Hải Phòng mà là Topenland Bình Định.
Gia đình luôn là số 1
Đặng Văn Lâm là con cả trong một gia đình có ba anh em, bố Đặng Văn Sơn là diễn viên múa cùng người anh em song sinh Đặng Hùng được cử sang Liên Xô (cũ) học tập sau đó gặp gỡ bà Jukova Olga, một diễn viên kịch ở cùng nhà hát và hai người nên duyên và sống hạnh phúc cho đến tận bây giờ. Là con cả nên Văn Lâm mang theo sự kỳ vọng lớn của gia đình nhưng đồng thời cả bố Sơn lẫn mẹ Olga đều hết lòng ủng hộ con trai cả trong việc theo đuổi đến tận cùng niềm đam mê với trái bóng tròn, sự nghiệp sân cỏ chuyên nghiệp.
Ngay cả những thời khắc khó khăn nhất, tưởng như phải dừng giấc mơ con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp và chuyển sang học kế toán, bố mẹ cũng để cho Văn Lâm tự quyết định tương lai của mình, rằng có tiếp tục đá bóng hay không và rồi nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại đã khiến Lâm có được thành quả như ngày hôm nay, trở thành niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ.
Cũng chính bởi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ phía gia đình nên trong mọi quyết định liên quan đến tương lai sự nghiệp, Văn Lâm luôn nghĩ đến gia đình đầu tiên. Chuyến trở về Việt Nam lần này cũng không phải là ngoại lệ và để ủng hộ, sát cánh cùng Lâm, bố mẹ đã tạm gác lại công việc ở Nga, giao nhà bên đó cho em trai của Văn Lâm là Đặng Văn Mạnh quản lý bên đó để đưa con gái Đặng Thanh Giang về Việt Nam sinh sống, học tập. Ít ngày trước, em gái của Văn Lâm là Thanh Giang đã nhập học tại một trường quốc tế dành cho người Nga tại TP.HCM và sinh sống cùng bố mẹ tại đây, chờ đón anh cả sau những chuyến thi đấu cùng CLB và đội tuyển quốc gia trở về sum vầy.
Bố của Văn Lâm, nghệ sỹ múa Đặng Văn Sơn đã hơn một lần muốn khuyên con về Nga sống và chuyển sang nghề khác vì chứng kiến những sự vất vả, hy sinh của cậu con trai khi theo nghiệp thủ môn nhưng rồi trước sự quyết tâm và nghị lực của con trai, ông đã chấp nhận theo ý nguyện của Lâm và trở thành người bạn đồng hành dù ở bất cứ nơi đâu. Và sau những gì Văn Lâm đã làm được cho đội tuyển Việt Nam và bóng đá Việt Nam, chắc hẳn ông Sơn và bà Jukova Olga rất hài lòng. Người phụ nữ rất sợ đi máy bay nhưng vẫn đồng ý vượt qua nỗi sợ của bản thân để lần đầu tiên lên máy bay về Việt Nam đồng hành cùng con khi Văn Lâm quyết định rời Cerezo Osaka về thi đấu cho Topenland Bình Định hẳn phải yêu quý con đến nhường nào.
Với Đặng Văn Lâm, gia đình luôn là số 1 và mọi quyết định trong cuộc đời anh đều bắt nguồn từ tình cảm dành cho những người thân yêu. Văn Lâm là một cầu thủ có sự kiên trì, nỗ lực và tinh thần cầu tiến nhưng tất cả những thứ đó cậu sẽ không làm được nếu không có sự ủng hộ của gia đình.
Và khi có bố mẹ cùng các em ở bên, cả tình cảm của cô bạn gái lâu năm Yến Xuân dành cho, đương nhiên Văn Lâm sẽ có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn nữa cho đội tuyển Việt Nam và CLB Topenland Bình Định.
Thủ môn Văn Lâm: “Tôi đã nghĩ nhiều hơn đến gia đình” “Sau khoảng thời gian khá dài thi đấu liên tục tại V-League cho CLB Hải Phòng và Muangthong United tại Thái Lan, tôi quyết định chuyển sang Nhật Bản thi đấu. Tôi biết, khoảng thời gian ở Nhật Bản tại Cerezo Osaka mình không có cơ hội thi đấu nhiều nhưng đổi lại đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, cải thiện bản thân, phấn đấu học hỏi làm sao có được những gì tốt nhất cho mình. Các cầu thủ như tôi được ra nước ngoài chơi bóng, vượt qua khỏi vùng an toàn là một sự nỗ lực lớn và bản thân tôi đã vượt qua. Tôi mong muốn sau này càng ngày càng có nhiều cầu thủ Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài chơi bóng để phát triển sự nghiệp. Tôi cũng mong, bạn bè, người hâm mộ, người thân của những cầu thủ đó, ủng hộ, động viên để họ có thêm động lực phấn đấu nhiều hơn khi thi đấu ở nước ngoài. Hiện tại tôi chưa có danh hiệu ở cấp CLB. Topenland Bình Định là CLB có tham vọng, vì thế tôi quyết định chọn đây là đội bóng mới đầu quân để cùng anh em nỗ lực phấn đấu đạt được thành tích nào đó. Tôi biết, quyết định trở về lần này cũng khiến cơ hội trở lại với những nền bóng đá tiên tiến trên thế giới không có nhiều nhưng năm nay đã 29 tuổi, tôi đã nghĩ nhiều hơn đến gia đình và muốn có một cuộc sống ổn định và lâu dài ở Việt Nam”. |
Lâm Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất