18/11/2015 05:45 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường... mà Đỗ Duy Mạnh – cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2015 (theo bình chọn của các HLV, giám sát và truyền thông), mới là người phải cày ải nhiều nhất tại mùa giải 2015, ở mọi cấp độ, từ CLB đến các ĐTQG. Người ta phải đặt câu hỏi: Mạnh là người hay robot?
No dồn đói góp
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những con số, xem Đỗ Duy Mạnh đã chơi bao nhiêu trận trong năm 2015. Tại vòng loại U23 châu Á (Malaysia, từ 27 – 31/3/2015), Duy Mạnh lần đầu tiên được HLV Miura tung vào sân trong 15 phút cuối trận thua Nhật Bản 0-2 (thay Đỗ Hùng Dũng), thêm 90 phút trận thắng Macau (Trung Quốc) với tỷ số 7-0, giúp ĐT U23 Việt Nam cán đích ở vị trí nhì bảng và trở thành 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất giành quyền dự VCK U23 châu Á vào năm sau.
Tất nhiên, tiền vệ trẻ của Hà Nội T&T tiếp tục là trụ cột của ĐT U23 Việt Nam giành HCĐ SEA Games 28 (Singapore, từ 29/5 – 15/6, sau trận đấu cuối cùng với U23 Indonesia 5-0), tức thêm 6 – 7 trận đấu nữa. Trong màu áo ĐTQG, Duy Mạnh có trận đầu tiên ra mắt ở Mỹ Đình (8/10), chơi rất hay giúp ĐT Việt Nam cầm hoà Iraq tỷ số 1-1. Đây là cơ sở để HLV Miura tiếp tục dùng Mạnh ở trận đá với Thái Lan sau đó, tất nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng Mạnh đã chạm vào giới hạn.
Sau 8 lượt trận đầu tiên tại V-League 2015 trong tháng 1 và 2/2015 liên tục được cất nhắc, trở về sau SEA Games 28, cầu thủ 19 tuổi Đỗ Duy Mạnh tiếp tục là trụ cột của Hà Nội T&T ở giai đoạn 2, có vai trò quan trọng đưa Hà Nội T&T cán đích ở vị trí thứ 2, tại V-League cũng như Cúp QG 2015. Và như đã nhắc, Duy Mạnh được bầu là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2015. Thêm các trận đấu thuộc khuôn khổ vòng sơ loại AFC Champions League 2015 của Hà Nội T&T hồi đầu năm.
Sau các VCK U21 QG và U21 quốc tế - Cúp CLEAR Men 2015, trong màu áo U21 Hà Nội T&T, cũng như Tuyển U21 Báo Thanh Niên, nếu không gặp tai nạn ngoài ý muốn (như chấn thương chẳng hạn), Duy Mạnh sẽ tiếp tục gánh thêm nhiệm vụ tại U23 Việt Nam đá VCK U23 châu Á (Qatar, 1/2016), giải đấu rất quan trọng với HLV Miura.
Đối xử bất công?
Với Duy Mạnh, anh gần như chỉ có thể đi bộ trong các trận đấu của U21 Hà Nội T&T tại VCK U21 QG – Cúp CLEAR Men 2015. Khi đề cập với HLV Phạm Minh Đức tồn tại này, ông Đức nửa đùa nửa thật rằng, U21 Hà Nội T&T thậm chí còn có cầu thủ hay hơn Duy Mạnh?! Hay thì phải khoác áo các ĐTQG hay chí ít cũng lên đội 1 rồi chứ?! Nói thế là lấp liếm và thiếu tôn trọng nhau.
Tuyển thủ vẫn được xem là nguyên khí quốc gia, xứng đáng được trân trọng và sử dụng đúng mục đích, cũng như thời điểm. Đến máy móc còn hỏng hóc, cần bảo trì, chứ đừng nói con người, đừng nói cầu thủ.
Hãy nhìn sang Tây Ở nhiều thời điểm khác nhau, Thể thao & Văn hoá đã từng thực hiện nhiều chuyên đề, đề cập đến việc các ĐT trẻ (cấp CLB lẫn ĐTQG) cố ý tận thu năng lực cống hiến của các tuyển thủ QG, là một điều rất phi lý và có lẽ chỉ có ở bóng đá Việt Nam hoặc các nền bóng đá vùng trũng như Việt Nam. Điều đó còn dễ gây phản ứng phụ, khi các ngôi sao trẻ (vốn dĩ không có nhu cầu khẳng định ở giải trẻ nữa), không đá mà phá, không chơi mà “làm”, rồi các ca chấn thương rình rập… Bên Tây, các ngôi sao như Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney (lên Tuyển ở tuổi 18 – PV), ngoài nghĩa vụ cống hiến, phải gánh trên người rất nhiều các nhãn hàng, các nhà tài trợ mà họ ký hợp đồng. Có cả những cam kết bằng văn bản về thời gian ra sân, số lượng bàn thắng và các danh hiệu cá nhân… Ở chiều ngược lại, nhà tài trợ có vai trò đáng kể trong việc đảm bảo giá trị thương mại của thân chủ (thực ra là người làm thuê). Kéo một tuyển thủ QG xuống tuyến trẻ, đương nhiên mất giá. Đó là chưa kể các ca chấn thương ngoài ý muốn, khi cầu thủ phải cày ải quá nhiều đương nhiên quá tải. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất