Ông bầu Đỗ Quang Hiển: 'Mặt trận báo chí thể thao cũng rất nghiệt ngã'!

21/06/2015 14:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Dù xuất hiện muộn so với nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực bóng đá nhưng ông Đỗ Quang Hiển đã để lại nhiều dấu ấn. Xét mặt nào đó, hấp lực của ông bầu họ Đỗ mỗi lần xuất hiện trên các sân cỏ không thua kém bất cứ “ngôi sao” thể thao nào.

Tôi có duyên với anh em phóng viên thể thao, với thể thao

Ở Hà Nội, hay mỗi lần công tác TP.HCM, Đà Nẵng, bất cứ lúc nào,  ông Đỗ Quang Hiển cũng có thể dành thời gian ít ỏi cho anh em phóng viên, trong đó có những người đang  làm nghề ở mảng thể thao. Có thể chỉ là vài vại bia ở quán bình dân, nhưng cũng có khi, ông gọi đến để muốn lắng nghe nghiêm túc những tham mưu, góp ý, hay thậm chí “phản biện”  những vấn đề mà ông quan tâm. “Tôi có duyên với thể thao, với  anh em phóng viên thể thao.  Thể thao đã cho tôi nhiều điều quý giá, nhất là cho tôi nhiều người bạn, trong đó có phóng viên mà tôi có thể kể ra đây nhiều gương mặt thân mến.


Bầu Hiển cùng chung niềm vui chiến thắng với SHB Đà Nẵng

Có những vấn đề quan trọng, qua anh em phóng viên tôi mới được biết. Lúc chuẩn bị tài trợ cho bóng đá Đà Nẵng, hay Quảng Nam, tôi thậm chí còn nhờ  một số anh em phóng viên gửi e-mail tham mưu dùm để tôi có cái nhìn chính xác hơn về trong đó, nhất là về con người. Ngoài Hà Nội, tôi luôn giành thời gian nhất định để giao lưu với phóng viên. Tôi thấy anh em làm mảng thể thao rất dễ thương. Nhiều lúc bận túi bụi, nhiều người cần gặp xếp hàng chờ ngoài phòng khách, nhưng tôi vẫn ưu tiên anh em phóng viên khi họ đến cần gặp tôi”. Ông Hiển trải lòng.

Phải thừa nhận ông Hiển khá gần gũi. Có những việc tưởng ông bâng quơ, nhưng ông vẫn nhớ rất kỹ. Có những việc ông có thể quyết ngay nếu thấy hợp lý. Người viết vẫn giữ một kỷ niệm đẹp về ông. Đấy là dịp trước thềm ASIAN Games 2014 chỉ còn ít ngày là khai mạc, thấy tất cả đều dành hết sự quan tâm cho bóng đá, tôi nhắn tin: “Anh Hiển, theo em anh nên quan tâm đến các VĐV khác ngoài bóng đá, họ vất vả, thiệt thòi lắm. Anh nên động viên họ”.

Tin nhắn gửi đi thì chỉ dăm phút sau, ông Hiển hồi âm : “Ok! Anh đồng ý, hãy bay ngay ra bàn với anh”. Càng bất ngờ hơn khi ở buổi làm việc sau đó, ông Hiển bàn: "Đã thưởng thì phải thưởng hết, từ huy chương cá nhân đến đồng đội, từ VĐV lành lặn đến khuyết tật”. Ông bầu bóng đá nổi tiếng, nhưng cũng tha thiết chuyển tải thông điệp:"Ngoài bóng đá, xin hãy quan tâm các môn thể thao khác”.

Và rồi, bằng 1,5 tỷ đồng tiền thưởng của ông Hiển, thông qua Báo Thể thao & Văn hóa,  năm ngoái hàng chục VĐV các môn ngoài bóng đá có thành tích tốt đã ấm lòng trong dịp Tết cổ truyền.

Phóng viên thể thao ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cần trau dồi bản lĩnh

Đàm đạo về nghề phóng viên thể thao, ông Hiển cho rằng đây là một nghề thú vị bởi môi trường tiếp xúc không quá nhiều rủi ro, thậm chí là được trải nghiệm nhiều niềm vui.  Tuy nhiên, ông bầu họ Đỗ vẫn cho rằng để trở thành một phóng viên thể thao giỏi là cực khó. “Nếu viết thể thao giỏi, trừ những người từng được học hành từ các trường thể thao, và từng là các VĐV. Nếu họ có năng khiếu viết lách thì tuyệt vời.

Tuy nhiên, theo tôi biết, đa số phóng viên thể thao đều học khối xã hội- nhân văn, đến với nghề chỉ do cơ duyên hoặc không có sự lựa chọn. Cho nên, tôi phải nói thẳng nhiều khi tôi đọc một số bài viết mà buồn cười bởi sự thiếu hiểu biết của các phóng viên. Tôi quen nhiều anh em nhưng thực sự là chỉ “nể trọng” dăm cái tên trong làng báo thể thao hiện nay.  Những người tôi nể không chỉ họ giỏi, mà có bản lĩnh, có cái tâm trong sáng với nghề.

Mặt trận báo chí thể thao Việt Nam cũng rất nghiệt ngã. Tôi biết nhiều tờ báo áp lực kinh doanh, nhiều phóng viên không được viết như những gì mình nghĩ, mình thấy. Mặt khác, nền thể thao của chúng ta còn yếu kém, trì trệ, tiêu cực còn nhiều. Trong đó, bóng đá rất là đáng lo ngại. Cãm dỗ, sự sa ngã là rất dễ mắc phải. Do đó, ngoài nghiệp vụ chuyên môn phải hoàn thiện, anh em cần phải trau dồi bản lĩnh thường xuyên. Không có bản lĩnh, không thể làm báo thể thao giỏi đâu.

Bạn thấy đấy, VFF cũng đang loạn lên vì kiện tụng, đơn thư tố cáo, mối quan hệ phức tạp lắm, anh em cần phải tỉnh táo và đặt mình ra ngoài để viết cho khách quan, cho dũng cảm, cho sắc sảo, có những phản biện đúng đắn, đúng lúc, đấy là điều mà nền bóng đá đang cần thiết".

Tôi luôn mong muốn gắn bó lâu dài với bóng đá

Việc nhiều doanh nghiệp đến với bóng đá nhưng  sau khi đánh bóng được thương hiệu đã “bỏ của chạy lấy người”,  cũng là chủ đề được bầu Hiển khá quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Hiển cũng cần chia sẻ với các doanh nghiệp. Tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn,  các doanh nghiệp bị nhiều áp lực, nên họ cần phải chọn giải pháp đầu tư tốt hơn, kể cả đầu tư hình ảnh.

“ Tôi biết nhiều ông bầu rất yêu bóng đá, nhưng tình yêu của họ đổi lại nhiều cay đắng, âu lo, phiền toái hơn niềm vui. Bản thân tôi cũng nhiều lần cảm thấy cô độc, bởi nhìn thấy quá nhiều rảo cản cho đam mê làm bóng đá của mình. Môi trường bóng đá ở ta chưa thể làm cho những người yêu và muốn đầu tư vào bóng đá yên tâm.

Bóng đá phải mang lại niềm vui. Bản thân tôi cũng đã làm mọi cách, đội bóng của tôi ví như Hà Nội T&T  có thành  tích tốt, lối chơi đẹp, cống hiến, nhưng vẫn đang mơ ước được khán giả thủ đô quan tâm. Trước hết, chúng tôi  muốn VFF vạch ra được một con đường sáng sủa hơn cho bóng đá Việt Nam. Liên đoàn phải có dàn lãnh đạo xuất chúng hơn, tư duy thoát ra khỏi lối mòn lâu nay,  hệ thống các văn bản pháp quy phải bắt nhịp được thời cuộc.

Đấy là những thứ cơ bản tạo nên niềm tin, trong đó có tôi. Tôi luôn có khao khát nền bóng đá phát triển bền vững để đầu tư lâu dài cho bóng đá, thỏa mãn tình yêu bóng đá, nhưng với sự phát triển như thế này thì nhiều lúc đúng là hoang mang”.

Khi chúng tôi hỏi ông muốn chuyển tải tình cảm gì đến anh em phóng viên nói chung, đến  phóng viên thể thao nói riêng, ông Hiển tâm tình: “Hãy trân trọng nghề, nghề sẽ trân trọng mình. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”!

“ Mua đứt, hoặc tài trợ cho một tờ báo thể thao, ý tưởng đó khá thú vị. Tôi cũng từng được bạn bè đặt vấn đề. Tôi cũng đã suy nghĩ nghiêm túc nhưng phải nói thế này: Khi nền thể thao cũng như nền bóng đá chưa mạnh, chưa tốt, chưa chuyên nghiệp thì các tờ báo thể thao vẫn khó phát triển tốt, bền vững. Người ta chẳng bảo bóng đá nào, trọng tài đó à. Nếu mọi thứ tốt lên, tôi nghĩ kinh doanh báo chí cũng rất cần quan tâm. Còn bây giờ, sự quan tâm của tôi chỉ dừng ở mức sẵn sàng ủng hộ các tờ báo có sự đóng góp tốt cho nền thể thao, cho nền bóng đá, cho xã hội ”.

“Sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games, tôi lại nhấn mạnh lần nữa bóng đá ta trình độ chỉ đến thế thôi, đừng quá đề cao. Chừng nào chưa có Hội nghị Diên hồng bóng đá nghiêm túc, chừng nào VFF chưa thể hiện trình độ đột phá, thì chúng ta sẽ còn tiếp tục thất bại”


Hữu Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm