"90% NHỮNG GÌ XẢY RA TRONG ĐỜI QUANG HẢI, NGƯỜI HÂM MỘ KHÔNG NHÌN THẤY"
Thanh An: HLV Jurgen Gede đã nhận xét về Quang Hải, Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng "...những bạn này tiềm năng, nếu được hãy giúp đỡ cho người ta". Khi ấy, anh đã nhìn thấy tiềm năng gì ở Quang Hải?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi với Quang Hải có mối quan hệ hơi riêng và đặc biệt một chút.
Người bố nuôi phát hiện ra tài năng và chăm sóc, bảo ban Quang Hải từng chút là Vũ Minh Hoàng chẳng may bị tai nạn, mất sớm. Sau này chúng ta vẫn quen thấy mỗi lần ghi bàn xong Hải thường chỉ 2 tay lên trời ăn mừng. Đấy là cháu tri ân bố Hoàng trên thiên đường.
Anh trai của Hoàng là bạn tôi từng tâm sự: "Mọi đứa con Hoàng để lại, em đều phải thay nó lo cho trọn vẹn. Thằng Hải cần được đi trên con đường thật dài vì ước mơ Hoàng dành cho Hải lớn lắm. Em chẳng biết nhiều về những con đường xa, thôi, em gửi cháu cho bác". Bố mẹ Hải cũng vậy, luôn nói với tôi một câu: "Chúng em chẳng biết gì, trăm sự nhờ bác".
Nhận những gửi gắm đó nên tôi gắn kết và coi Hải như con. Nghĩa là tôi xác định đứng sát bên cạnh Hải trước hết vì muốn viết tiếp giấc mơ của những người đã sinh thành và phát hiện ra cháu.
Từ Thường Châu trở về cháu bắt đầu nhen nhóm quyết tâm vươn đến đỉnh cao nhất định trong nghề nghiệp. Lúc đó tôi bắt đầu quan sát và phát hiện ngoài tài năng cũng như tố chất của một cầu thủ bóng đá lớn ra, Hải còn cực kỳ tập trung cho sự nghiệp, cực kỳ bản lĩnh khi đối diện với mọi cơn bão điều tiếng. Cháu có ưu điểm tối quan trọng để thành một cầu thủ lớn đó là càng bị gây áp lực, truyền thông càng viết ra những câu chuyện tiêu cực, chê bai thì Hải con đá càng hay.
Mấy lùm xùm tưởng rất buồn cười như chuyện bạn gái hay các mối quan hệ cá nhân mà người ta cũng lồng ghép vào để chê trách công việc, sự nghiệp của Hải. Nhưng Hải không bao giờ nói về chuyện đó. Hải chọn lối sống không giải thích, miễn sống đúng là được. Dần dần tôi thấy cháu chẳng bao giờ vướng víu trong các mối quan hệ. Người đàn ông này không hề như câu chuyện ai đó đưa lên mạng xã hội hay truyền thông. Mấy chuyện "Hải quay xe" hay "dập dình ở Hồ Tây" ư, toàn là cắt cúp, đẩy lên rồi thành nội dung hết sức nhảm nhí.
Ngày xưa Hải có một mối quan hệ tình cảm khá lâu dài. Hai đứa không thể gắn bó nữa, chia tay thì nó yêu người khác. Trong các mối quan hệ, khi tìm hiểu nhau không hợp thì dừng. Và bây giờ Hải đang có mối quan hệ tình cảm khá bền chặt.
Thanh An: Điều gì khiến anh thấy xúc động nhất về Quang Hải?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Đến 90% những gì xảy ra trong cuộc đời Quang Hải người hâm mộ không nhìn thấy. Mọi người chỉ nhìn hào quang phát ra từ một ngôi sao mà ít ai hiểu con người đặc biệt của Hải. Tất cả những ai ở bên cạnh đều yêu quý Hải. Cháu sống rất biết điều, luôn nghĩ cho người khác, chăm lo chu toàn cho gia đình, cho tập thể.
Tối hôm rồi Hải gửi mấy tấm ảnh tự nấu ăn ở Pháp và khoe "Con mua máy này cho chú đấy". Hóa ra nhận nhà mới xong, cậu đi siêu thị sắm đồ. Biết tôi thường xuyên uống 4 - 5 ly Espresso mỗi ngày nên cháu đã mua máy pha cà phê về dành đấy. Cảm động lắm chứ, vì cháu nhớ chính xác loại máy pha cà phê chú yêu thích.
Nói thực sự, chả tiền nào mua được cảm xúc lúc ấy của tôi. Chứng tỏ đấy là một người biết quan tâm đến mọi người, thậm chí ở mức tinh tế. Kể cả sinh hoạt hàng ngày ở Pau, từ tập luyện, đi chơi, đi chợ, nấu ăn, học hành... Hải để ý từng cái nhỏ rất nhỏ để hoàn thiện mình. Cháu đã trưởng thành, hòa nhập và bắt đầu có được tiếng nói chung với mọi người ở môi trường mới. Không phải ai cũng làm được như thế trong từng đấy thời gian.
Thanh An: Vậy anh thì đã làm những gì cho "đứa con" đặc biệt này?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Từng bước từng bước một, tôi làm cho Hải những việc cần và đủ để hiện thực hóa ước mơ lớn trong đời. Cháu đưa ra quan điểm chỉ sang châu Âu thi đấu chứ không đi Nhật, không đi Hàn, không đi Thái. Sâu xa tôi biết, Hải muốn mở một con đường thẳng nhất, đường hoàng nhất cho chính mình và nhiều lớp cầu thủ phía sau bước tới thị trường bóng đá lớn nhất hành tinh.
Quote: "Tất cả những ai ở bên cạnh đều yêu quý Hải. Cháu sống rất biết điều, luôn nghĩ cho người khác, chăm lo chu toàn cho gia đình, cho tập thể"
Thanh An: Anh có thể tiết lộ những bước đi cụ thể?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Từ năm 2018 tôi đã chuyên tâm làm hai việc để dọn đường cho Hải.
Thứ nhất, tôi đồng hành, hỗ trợ tích lũy cho Hải một số tài sản nhất định. Cộng với sự thông minh và tu chí của cháu, Hải đã gấp số tài sản đó lên khá nhiều lần. Mình phải giúp cầu thủ của mình có đủ tự tin trước mọi mức giá thị trường đưa ra. Bởi vì ta phải hiểu không đời nào một cầu thủ đang trong cảnh bố mẹ vẫn ăn ở lụp xụp, nghèo nàn, tích lũy cho tương lai bằng 0 lại dám nói không với số tiền lót tay và mức lương ít nhất 30 tỷ đồng/3 năm, chưa nói đến các hợp đồng quảng cáo sẽ nhận về.
Thứ hai, tôi phát triển mạng lưới đàm phán hiểu biết sâu rộng về thị trường chuyển nhượng cầu thủ quốc tế từ Á cho đến Âu. Và sử dụng mạng lưới đó đưa thông tin của Quang Hải đến với các CLB. Giống như bán hàng ấy, tôi làm thị trường trước cả khi sản phẩm lên kệ. Vừa là để đến giây phút quyết định thì mình cùng CLB mới có thể chốt phương án luôn, vừa loại dần những CLB muốn tiếp cận cầu thủ của mình chỉ đơn thuần vì vấn đề thương mại.
Đến năm 2022 Hải "con" đã vững vàng về tài chính và có trong tay tất cả: Sức khỏe - Sự nghiệp - Danh tiếng - Tiền bạc - Gia đình - Tình yêu... Gần như mọi giấc mơ của thanh niên đất nước này cháu có hết nhưng sự lựa chọn của Hải lúc ở đỉnh cao mới thực sự khiến tôi cực kỳ nể.
Trong những lần làm việc cuối cùng, CLB Hà Nội đưa ra mức giá có thể gọi là phá vỡ MỌI KỶ LỤC trong lịch sử bóng đá Việt Nam dành cho Hải. Điều này nói lên sự trân quý của CLB và Hải dành cho nhau. Nhưng thêm một lần nữa, cháu bày tỏ thái độ rõ ràng: Không đá cho Hà Nội thời điểm này chỉ để đi nước ngoài thực hiện ước mơ, chứ không đá cho bất kỳ CLB nào trong nước dù được trả tiền nhiều hơn chăng nữa. Khao khát khám phá bản thân của Hải lớn đến mức tất cả các bên đều tôn trọng.
Thanh An: Ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam chấp nhận trở thành một cầu thủ ít được tung hô khi bước vào thế giới bóng đá châu Âu, rõ ràng là một sự lựa chọn rất dũng cảm. Đã có những CLB nào ở châu Âu quan tâm đến Quang Hải thời điểm trước khi ông và Hải đặt bút ký hợp đồng với Pau?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Có cỡ 4 - 5 CLB nổi tiếng của châu Âu chấp nhận gạt bỏ mọi bất lợi để có Quang Hải.
Chốt lại, thứ họ muốn trong hợp đồng nhiều phần là thương mại. Đã có 2 doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng tôi để đưa Quang Hải ra nước ngoài với những bản hợp đồng như thế này. Thậm chí họ còn đưa ra phương án rất cụ thể, doanh nghiệp này chi 1 triệu USD, doanh nghiệp kia bỏ ra 5 triệu USD.
Chốt được hợp đồng đưa Hải sang Áo thì ngay lập tức tôi được nhận 1,2 triệu USD. Hoa hồng của một mình tôi thôi đấy. Về phần cầu thủ, ngoài tiền lương ra, nếu sang CLB đó Hải sẽ có cơ hội xuất hiện ở giải đấu lớn. Thương hiệu được quảng bá cho cả hai bên tốt đến thế thì còn gì hơn?
Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, nhận tiền của người ta đương nhiên mình giàu. 1,2 triệu USD chắc chắn là triệu phú rồi, nhưng gánh nặng sự nghiệp lúc đó sẽ đè lên lưng Hải rất nhiều. Đến CLB danh tiếng mà không có cơ hội ra sân, triền miên ngồi ghế dự bị thì đâu là niềm vui và là đích đến cho cuộc ra đi lần này của Hải con?
Làm vậy tốt hay không tốt cho Hải? Nhìn lại 6 triệu USD tài trợ đấy, tôi cân đong đo đếm từng tý một. Chưa bao giờ trong đời mình, tôi tự tin đứng trước rất nhiều lời mời và cũng cẩn trọng từng tý một trước mỗi con số. Nguyên cả 6 tháng đầu năm 2022, nhìn lại những con số đặt lên bàn... hóa ra tôi đã từ chối kha khá tỷ đấy.
Thanh An: Nhưng tại sao lại là đội Pau ở giải Hạng 2 của Pháp?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Tôi biết ngay mà! Đến tận bây giờ bạn vẫn hỏi tại sao lại là giải Hạng 2 của Pháp. Tôi mới hỏi lại bạn, tại sao không nên là Hạng 2 ở Pháp?
Ngày công bố thông tin Hải sang Pau đã có rất nhiều người, kể cả những người tự cho mình am hiểu bóng đá, yêu bóng đá, chuyên gia bóng đá... đều dè bỉu tôi: "Trời! Tưởng Đắc Văn thế nào. Hóa ra không có cửa nào mới phải ký với đội Hạng 2!"
Mặc dù trước đó, Atletico Madrid - CLB thuộc Top 3 của Tây Ban Nha tiếp cận để đàm phán, thì tất cả các diễn đàn bóng đá ở Việt Nam đều đồng loạt chế nhạo: "Văn hoang tưởng rồi à Văn?"
Thực ra đôi lúc mình không thể hiểu trong đầu người ta nghĩ gì. Cũng chả quan trọng, niềm tin tuyệt đối Hải dành cho mình mới đáng quan tâm. Mối quan hệ công việc của chúng tôi đặc biệt ở chỗ, Quang Hải không bao giờ hỏi tôi đang đàm phán với ai, tôi cũng không bao giờ nói với Hải mình đang làm gì. Cả hai đều hiểu rằng chúng ta đang làm tốt nhất mọi việc cho nhau.
Hai ngày trước trận tuyển Quốc gia Việt Nam gặp Afghanistan, tôi gọi điện báo với Hải: "Thủ tục visa đã xong, đá xong con ra Hà Nội lấy visa rồi sang Pháp với chú. Con cần tận mắt quan sát các CLB để tự biết chỗ hợp lý nhất với mình. Chú tư vấn, lo mọi thủ tục nhưng người quyết định lần này phải là con".
Tối hôm ở Paris tôi mới nói ngày mai mình sẽ đi tàu đến một CLB Hạng 2 của Pháp. Khi nói xong câu đó tôi sợ. Tôi lo cháu sẽ thất vọng, hỏi vặn lại mình tại sao lại Hạng 2, nhưng hoàn toàn không.
- Con xin tên đội bóng ạ.
- Pau Football Club.
Vì ban ngày vừa bị mất đồ lại cảm lạnh nên tôi ngủ sớm, 3 giờ sáng thức dậy thấy Hải đang ngồi xem thông tin về Pau trên Google, Youtube...
5 giờ sáng hai chú cháu trả phòng, cùng đối tác đi tàu xuống gặp Chủ tịch và HLV trưởng. Làm việc xong họ mời cơm mình ở một nhà hàng trong thành phố. Ông Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, người rất muốn lấy Hải về hỏi: "Hải, cậu nghĩ gì về Pau FC?"
Bạn không thể tưởng tượng được một "thằng bé" chỉ trước đấy mấy tiếng mới nghe về CLB mà nói vanh vách Pau thành lập năm nào, HLV là ai, đá với sơ đồ chiến thuật nào, có những điểm gì mạnh, có những điểm gì ấn tượng với cá nhân Hải... Ôi, thành viên phía Pau "há mồm" luôn. Họ bảo chưa bao giờ trong lần đầu gặp gỡ cầu thủ mới mà nhìn thấy sự nghiêm túc và cực kỳ cầu thị như ở Hải. Và Hải cũng là là nhân tố hiếm hoi họ chấp nhận tăng ngân sách để mang về chơi ở vị trí này.
Những hôm sau, hai chú cháu đến thăm vài CLB nữa, ơ đâu người ta cũng bị sự chuyên nghiệp của Hải chinh phục "đổ rụp". Và khi Hải quyết định chọn Pau FC thì cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trong điều kiện không doanh nghiệp đồng hành, không nhà tài trợ xuất hiện, một cầu thủ Việt Nam ký được hợp đồng 2 năm, cộng 1 năm gia hạn với đội bóng ở châu Âu.
Đấy là lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Thanh An: Màn trình diễn ban đầu của Hải với CLB mới có vẻ đang không hề dễ dàng như kỳ vọng nhỉ. Thời điểm này có điều gì từ Quang Hải khiến anh phải lo lắng không?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Quang Hải là người tôi không có gì để phải băn khoăn, lo lắng hay căn dặn cả. Bạn ấy không hề bình thường - rất thông minh, trí óc vượt trội. Hải luôn biết mình là ai, trình độ của mình như thế nào. Và từ đó Hải biết phải làm gì. Tất cả những gì Hải nhắn với tôi đến lúc này đều: "Chú cứ yên tâm nhé. Bây giờ là đến phần con".
Một vài trận đấu không thể nói bất kỳ điều gì cho mục tiêu 2 - 3 năm. Như tôi đã nói, Pau là CLB phù hợp nhất với Hải lúc này bởi vì họ thực sự muốn Hải làm chuyên môn. Có nghĩa là Hải sẽ luôn biết chắt chiu từng cơ hội để được tập luyện, thi đấu và khẳng định chính mình ở sân khấu có rất nhiều con mắt chuyên môn nhìn vào. Đương nhiên, làm tốt thì không có chuyện Hải chơi mãi ở Pau.
Thanh An: Ồ, đấy là tính toán của anh và Quang Hải?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Đấy là tính toán của tất cả các bên khi ký vào hợp đồng. Bản hợp đồng 2 năm 1 nhưng biết đâu 1 năm nữa Pau FC bán Quang Hải thì sao?
Trước mắt, CLB chiêu mộ Hải để chất lượng tuyến giữa tốt hơn. HLV trưởng của Pau rất thích Hải nhưng bóng đá chuyên nghiệp là câu chuyện kinh doanh. Ví dụ, Pau đang trả cho Hải vài trăm ngàn Euro cả thuế. Một năm nữa, CLB khác trả 2 - 3 triệu Euro. Vậy Pau FC có bán không? Bán chứ. Cả Pau và Hải đều có lợi từ sự hợp tác. Đấy mới là bóng đá chuyên nghiệp.
Hôm nay tôi phải nói ra thực tế của thị trường chuyển nhượng Việt Nam. Đây là thị trường mà bất kỳ CLB nước ngoài nào muốn mua được cầu thủ Việt Nam đều cực kỳ khó.
Nếu cầu thủ của mình đẳng cấp vượt trội, thì chuyện khó mua đã đành, nhưng không phải thế. Trên thị trường chuyển nhượng quốc tế, cầu thủ Việt Nam được đánh giá vô cùng ít kỹ năng sống, thể hình thể lực kém, tư duy chiến thuật kém lại còn không ngoại ngữ... Để các nền bóng đá phát triển quan tâm đã khó rồi, để người ta bỏ tiền ra mua - cực kỳ hiếm. Mong người ta vượt qua hết mọi trở ngại vì nhìn thấy tố chất đặc biệt của cầu thủ nào đó và quyết định: "Ok, tôi mua cầu thủ này". Đừng có mơ! Ở nước ngoài không có cửa cho chuyện này.
Đúng là Việt Nam đang nỗ lực làm bóng đá chuyên nghiệp, nhưng để chuyên nghiệp đúng chất như người ta, mình còn cách xa! Bởi chuyên nghiệp là phải tạo ra được một thị trường, ở đó có tự do mua bán theo khuôn khổ pháp luật. Ví dụ một cầu thủ A đang có hợp đồng với tôi, nhưng nếu CLB B muốn mua thì quan trọng là bao nhiều tiền chứ? Tôi là cơ sở đào tạo cầu thủ là để tôi kiếm tiền và từ đồng tiền đó tôi quay vòng đầu tư tiếp cho đào tạo. Không có chuyện tôi có công đào tạo xong là cầu thủ chỉ được phép đá cho tôi. Đấy là thị trường, là động lực cho sự phát triển. Không có tình thương mến thương nhập nhằng ù xòe ân huệ ở đây.
Đơn cử mong muốn xuất ngoại của Hoàng Đức cũng vậy, đến cả HLV Park Hang Seo còn phải đề xuất với Chủ tịch nước thì bạn hiểu chứ. Thực ra, ở vị trí của mình, ông Park chả việc gì phải làm thế. Quyết định nói ra là chẳng đừng được. Ông Park với kinh nghiệm làm việc ở các nền bóng đá phát triển đã nhìn thấy, không có cầu thủ xuất ngoại sang các nền bóng đá phát triển đồng nghĩa với việc bóng đá trong nước rất khó phát triển.
Quang Hải đi nước ngoài lúc 25 tuổi đã là muộn. Hoàng Đức lúc này mới 23 tuổi, quá lý tưởng để đi. Ngoài Hoàng Đức, Việt Nam cần cho rất nhiều cầu thủ giỏi và trẻ đi nước ngoài càng sớm càng tốt. Bán được càng tốt. Nhưng dù ông Park, Hoàng Đức hay ai mong muốn đi chăng nữa thì Đức cũng không đi nổi. Nhìn vào hợp đồng giữa CLB với cầu thủ sẽ thấy họ bay đi sao nổi.
Tuy nhiên, chẳng ai muốn thay đổi thực trạng này. Vì thay đổi thì các ông bầu không được lợi, CLB không được lợi. Chỉ có cầu thủ và sự phát triển của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng. Những thứ đó lại chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến một cộng đồng ai cũng biết nói hay, nhưng ít người dám làm điều khó.
Thanh An: Nhiều người lại nói với tôi: "Đắc Văn à? Tay này đã thương mại hóa mất một thủ môn quốc dân". Trường hợp Bùi Tiến Dũng ấy!
Ông Nguyễn Đắc Văn: Mọi người quan tâm đến Dũng đúng không? Vậy tại sao không hỏi Dũng bây giờ có hạnh phúc không, hài lòng với cuộc sống và công việc không?
Hằng ngày nói chuyện với nhau, tôi vẫn luôn hỏi cháu câu đó. Dũng bảo: "Con lấy được một người vợ con thương. Con có nhà, có thu nhập ổn định, chăm sóc được cho bố mẹ và gia đình... Con hạnh phúc mà".
Vậy đấy. Bây giờ là năm 2022 rồi, sao mọi người cứ muốn Dũng vẫn phải là thủ môn quốc dân hồi năm 2018 - với gia cảnh nghèo khó, bố mẹ người dân tộc?
Chẳng ai quan tâm rằng nghề thủ môn Dũng chọn, ở bất kỳ nền bóng đá nào cũng vậy, luôn có những đặc thù rất khác biệt. Đó là vị trí rất nhạy cảm, đòi hỏi sự ổn định cao. Khi đang ở U23, Dũng là số 1 nhưng lên ĐTQG Dũng phải đọ với Văn Lâm, Tấn Trường, Văn Toản... Ai chiến thắng thì tiếp tục còn những người chưa có được vị trí thủ môn số 1 ở ĐTGQ họ vẫn được quyền tiếp tục sống tốt chứ. Mọi người đừng áp đặt Dũng phải thế này phải thế kia. Dũng đã cố gắng hết sức và vẫn đang chăm chỉ mỗi ngày.
Bây giờ tôi mới nói đến chuyện "thương mại hóa" bạn nhắc. Thực ra, người làm bóng đá Việt Nam phải biết ơn Dũng vì đây là cầu thủ đứng mũi chịu sào về câu chuyện thương mại hóa bóng đá. Không có Bùi Tiến Dũng làm sao cầu thủ ngôi sao hôm nay có được giá 50 - 100 triệu cho một bài đăng trên mạng xã hội. Không có Bùi Tiến Dũng bây giờ làm gì có chuyện ngôi sao thể thao dự một sự kiện được trả thù lao 200 triệu đồng.
Thanh An: Công việc của anh dù đúng đến mấy vẫn có vẻ rất dễ gây hiểu lầm hoặc tạo tai tiếng. Đã bao giờ anh rơi vào trạng thái cay đắng đến mức phải chảy nước mắt trước những lời khen chê?
Ông Nguyễn Đức Văn: Cay đắng vì lời ì xèo thì chưa bao giờ nhưng đã có lúc tôi phải băng qua những áp lực không ai thể hiểu nổi. Bởi vì nghề tạo dựng, duy trì và phát triển giá trị cho một con người mà tôi chọn là vô cùng khó.
Đêm 31/8/2019, tôi đưa Văn Hậu bay sang Hà Lan để hoàn thành mọi thủ tục cần thiết tiến đến ký kết hợp đồng cho mượn với CLB Heenrenveen. Mọi thủ tục từ y tế, hành chính... xong hết rồi, chỉ có hợp đồng là chưa ký. Theo lịch định sẵn giữa các bên đúng 2h chiều ngày 2/9/2019 CLB Heenrenveen tổ chức họp báo ra mắt Hậu. Nhưng đến tận trưa ngày hôm đó, hợp đồng vẫn chưa có chữ ký từ phía Việt Nam.
Trong căn phòng chờ gồm 4 người: tôi ngồi đối diện với Chủ tịch CLB Heenrenveen, bên cạnh có Giám đốc Thương mại và Hậu; gọi điện đi gọi điện lại về Việt Nam thì tất cả các đầu mối cần thiết đều đang bận hoặc nghỉ lễ. Trong khi đó 5 giờ chiều ngày 2/9/2019 thị trường chuyển nhượng bên này đóng cửa.
Chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ nữa là đến giờ họp báo với 200 phóng viên đợi ở phòng ngoài.
Đi lại. Email. Gọi điện. Không tiến triển.
Lúc ấy tôi nói với Chủ tịch CLB Heenrenveen: "Break up" (Hủy lịch đi). Ông Chủ tịch bảo: "Không thể hủy! Nhiều năm nay chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này! Một cầu thủ trẻ ở một nền bóng đá trẻ măng!"
- Cơ hội cuối cùng để Heenrenveen có Hậu là hủy! - Tôi nói thế và đề nghị lãnh đạo Heerenveen gọi cho CLB Hà Nội thông báo tình hình. Đúng 5 phút sau, phía Việt Nam gửi sang một email: "Đồng ý cho CLB bóng đá Heenrenveen - Hà Lan mượn cầu thủ Đoàn Văn Hậu".
Tất cả những người Hà Lan hôm đó đều hỏi: "Cái này là gì?" Chẳng kịp giải thích, tôi chỉ bảo: "Họp báo đi, tờ giấy này có giá trị hơn mọi loại hợp đồng".
Đoàn Văn Hậu, Chủ tịch CLB, Giám đốc thương mại đi ra ngoài họp báo, tôi đóng sập cửa phòng chờ lại ngồi xổm xuống sàn khóc tức tưởi luôn. Mình có làm gì xấu đâu? Mình làm tốt mà. Mình làm tốt cho Hậu, tốt cho bóng đá Việt Nam mà...
Tới giờ, khi mọi chuyện đã qua đi, tôi chỉ muốn nói lời biết ơn anh Đỗ Quang Hiển, Vinh và Quang - các con anh Hiển. Tấm lòng và sự quan tâm kịp thời của họ là nhân tố giúp hợp đồng của Văn Hậu được ký kết. Sau này gặp Quang, Quang mới kể: "Hôm đó ba em đi công tác nước ngoài rất bận nhưng vẫn hỏi chuyện của Hậu. Mọi người báo cáo thì mới biết để xử lý gấp, tạo điều kiện hết sức cho việc của Hậu được thành công".
Thanh An: Làm thế nào để những chuyện như vậy sẽ giảm bớt trong quá trình mua bán hay chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam?
Ông Nguyễn Đắc Văn: Mục tiêu về Việt Nam ban đầu của tôi chỉ là đưa được vài cầu thủ ra nước ngoài thi đấu thành công. Sau đó, các cầu thủ xuất ngoại quay trở lại cống hiến để ĐTQG đạt thành tích tốt hơn, tạo động lực cho bóng đá trong nước phát triển. Cũng từ chính họ, hình ảnh bóng đá Việt Nam được quảng bá rộng hơn ra quốc tế.
Thật ra tôi không có ý định tạo bất kỳ cái chợ nào với bóng đá Việt Nam. Thứ tôi muốn là xã hội Việt Nam dần dần coi bóng đá như một nghề chứ không cảm tính bằng các cụm từ đam mê, tình yêu hay tự hào như bây giờ.
Nhìn rộng ra Việt Nam cần có một ngành công nghiệp thể thao, bao gồm cả công nghiệp bóng đá. Tại đó các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức bình đẳng tham gia vào sản xuất, quảng bá và tổ chức bất kỳ hoạt động nào vào lĩnh vực thể thao để cuối cùng, ai cũng có thể sống được bằng thể thao. Chúng ta không bao giờ được để xảy chuyện sau những tràng vỗ tay, những đêm đi bão của người hâm mộ cả nước, nam nữ cầu thủ muốn có tiền sinh sống hoặc phải bán độ, hoặc phải bán rau. Trong khi đó cầu thủ bóng đá ở nước ngoài lấy siêu mẫu, đi siêu xe là chuyện thường.
Cho nên khi trở thành người đầu tiên làm cho nghề cầu thủ bóng đá ở Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, dù xã hội chê cười nhưng các cầu thủ luôn cảm ơn tôi. Và dần dần các môn thể thao khác cũng bắt đầu có những hành động đảm bảo quyền bình đẳng cho vận động viên. Chính những điều đó mới là động lực để tôi tiếp tục ở lại với bóng đá Việt Nam.
Thanh An: Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện quá nhiều cảm xúc hôm nay!
Bài viết: Thanh An
Thiết kế: Hà Mĩ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất