26/12/2017 12:26 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Bầu Đức không mặn mà trong việc cho lứa cầu thủ con cưng của mình sang Thái Lan thi đấu, Công Phượng trong lần trả lời phỏng vấn báo chí gần nhất cũng khẳng định thích chọn Hàn Quốc hay Nhật Bản hơn. Dưới góc nhìn của chính người Thái, đâu là nguyên nhân của sự hờ hững này?
Tờ Siam Sport vừa có bài viết phân tích, chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn đến việc tại thời điểm này, chưa có bất cứ một cầu thủ từ Việt Nam nào gia nhập giải vô địch quốc gia Thái Lan (Thai League), dù cánh cửa cho các cầu thủ Đông Nam Á gia nhập đấu trường này đã rộng mở với 1 suất từ mùa giải 2018.
Đầu tiên là mối quan hệ gia đình. Các cầu thủ Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ gia đình và không dám rời xa gia đình, tìm kiếm những thách thức mới. Đơn cử như Văn Quyết hiện đang có phong độ ổn định và thu hút được sự quan tâm của nhiều đội bóng tại Thai League.
Văn Quyết kết hôn năm 2015 và theo nhận định chủ quan của Siam Sport, tiền vệ này sẽ từ chối trước lời đề nghị ra nước ngoài thi đấu vì không muốn xa vợ con một thời gian dài.
Bàn thắng đẹp mắt của Công Phượng vào lưới U23 Thái Lan tại M-150 Cup
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là các cầu thủ Việt Nam rất khó hòa nhập, thích nghi với một nền văn hóa mới, sợ rất nhiều thứ, từ việc giao tiếp bằng tiếng Anh, không nói được tiếng bản địa, đồ ăn không hợp khẩu vị, khó thích nghi với hệ thống chiến thuật mới.
Yếu điểm này đã được chính cựu tiền đạo đội trưởng đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh chỉ ra trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây.
Thứ ba, tất cả các CLB tại V-League đều không muốn để mất những nhân sự chủ chốt của mình, thay bằng những cầu thủ khác. Điều này theo Siam Sport cho thấy hệ thống đào tạo trẻ của các đội bóng tại V-League hiện nay là không tốt.
Theo thống kê, trong 7 mùa giải gần đây của V-League có tới 5 đội bóng thay nhau giành chức vô địch V-League là SLNA, SHB Đà Nẵng, B.Bình Dương, Hà Nội T&T và Quảng Nam. Mỗi CLB với những tuyển thủ quốc gia không dám mạo hiểm tạo điều kiện cho những cầu thủ này ra đi tìm kiếm những thách thức mới. Không những thế, họ, bằng mọi giá được giữ lại để đảm bảo hoàn thành những mục tiêu trong mùa giải mới.
Cuối cùng, Siam Sport cho rằng cầu thủ Việt Nam chưa xứng đáng sang Thai League. Ở Việt Nam, các cầu thủ nhận lương cao nhưng sang Thái Lan, mức lương còn có thể cao hơn nếu đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Tuy nhiên, người Thái cũng cần phải lựa chọn kỹ càng ai là người đủ sức chơi bóng tại Thai League.
“Mặt bằng cầu thủ Việt Nam thua cầu thủ Thái Lan nên có muốn chọn lựa cũng khó”, Siam Sport chốt lại.
Với quy định mỗi CLB Thai League được đăng ký một cầu thủ ngoại đến từ khu vực ASEAN trong đội hình từ mùa giải 2018, “cơn sốt” cầu thủ ASEAN “nóng” lên từng ngày ở xứ chùa Vàng.
Chiangrai United đã mượn Kyaw Ko Ko (Myanmar) từ Yangon United với thời hạn 1 năm, thủ môn Hassan Sunny cũng đang chơi ở giải hạng 2 Thái Lan cho Army United, tiền vệ Zulfahmi Arifin gia nhập Chonburi, Aung Thu đến Police Tero… nhưng vẫn chưa có cầu thủ từ V-League nào chuyển sang Thai League.
Văn Quyết, Công Phượng hay Quang Hải từng được đồn đoán là được Buriram United quan tâm. Hoàng Vũ Samson, tiền đạo nhập tịch của Hà Nội FC được chính Buriram United loan tin là đã đạt được thỏa thuận nhưng đến lúc này vẫn chưa có hợp đồng nào ký kết.
Sau khi xuất hiện thông tin Công Phượng muốn sang Thai League chơi bóng, chính bầu Đức trên báo chí đã tuyên bố: “Không bao giờ tôi để cho Công Phượng sang Thái Lan chơi bóng. Họ là đối thủ của Việt Nam làm sao tôi cho phép cầu thủ của mình sang đó thi đấu. Hơn nữa, báo Thái Lan biết gì về giá trị của Công Phượng mà định giá cậu ta?”.
Hiền Anh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất