Ai cứu bóng đá nữ Sơn La?

17/04/2020 06:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sơn La đang đứng trước nguy cơ trở thành “vùng trắng” trên bản đồ bóng đá Việt Nam khi đội bóng đá nữ tỉnh này đứng trước nguy cơ bị giải tán vì thiếu kinh phí hoạt động vì tình hình dịch bệnh Covid-19. Kinh phí vốn là bài toán nan giải với không chỉ Sơn La mà hầu hết những CLB khác của bóng đá nữ Việt Nam hiện nay cũng đều chung cảnh ngộ.

Bóng đá nữ Việt Nam được và mất gì sau thất bại ở vòng loại Olympic?

Bóng đá nữ Việt Nam được và mất gì sau thất bại ở vòng loại Olympic?

Đội tuyển nữ Việt Nam đã kết thúc hành trình tại vòng loại Olympic 2020 mà không thể có được tấm vé tới Tokyo vào mùa này. Dù vậy, điều đó đem lại nhiều bài học bổ ích cho thầy trò HLV Mai Đức Chung nói riêng và giúp bóng đá nữ Việt Nam nhận ra những gì còn thiếu trong nỗ lực chinh phục thành tích ở sân chơi lớn.

Bị cắt tài trợ vì dịch bệnh!

Theo thông tin mà phóng viên Thể thao & Văn hóa tìm hiểu, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà tài trợ Công ty Cổ phần châu Á Thái Bình Dương (APEC) của bóng đá nữ Sơn La đã ngưng hợp đồng trước thời hạn từ đầu tháng 3 vừa qua. Khoản tiền tài trợ 1,2 tỷ đồng/năm, tương ứng 100 triệu đồng/tháng không phải là quá nhiều nhưng ứng trong điều kiện kinh tế của địa phương và hoàn cảnh thực tế của bóng đá nữ thì đây là nguồn hỗ trợ vô cùng quý giá với thầy trò HLV Lường Văn Chuyên, giúp họ có thể duy trì hoạt động và theo đuổi với phong trào bóng đá nữ suốt những năm vừa qua.

Nhưng, nay “bầu sữa” ấy bị cắt, lý do thực tế và chi tiết như thế nào chỉ có người trong cuộc là nhà tài trợ và chính lãnh đạo, Ban huấn luyện CLB bóng đá nữ Sơn La có thể hiểu nhưng chắc chắn, tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh doanh khó khăn của phía Mạnh thường quân không phải nguyên nhân duy nhất.

Ai cũng biết Sơn La mà một tỉnh nghèo ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Phong trào thể thao của tỉnh này đang ngày càng phát triển về bề rộng nhưng nếu nhìn về chiều sâu, tức thể thao thành tích cao thì không thể sánh bằng các địa phương ở đồng bằng, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Nói riêng trường hợp của bóng đá nữ Sơn La, dù được thành lập từ năm 2012 và lần đầu đăng ký tham dự giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2016 nhưng phải đến năm 2019, họ mới có được chiến thắng đầu tiên tại giải trước đối thủ TNG Thái Nguyên. Trong trận đấu diễn ra chiều 16/9/2019 trên sân vận động tỉnh Hà Nam thời điểm đó, Sơn La đã giành chiến thắng với tỷ số 1-0, bàn thắng duy nhất được ghi bởi Hồng Vân.

3 điểm từ một trận đấu cụ thể đó không thể giúp đoàn quân HLV Lường Văn Chuyên làm nên kỳ tích, cạnh tranh thứ hạng với các đàn chị vốn dồi dào về nhân lực và tài chính hơn là TPHCM, Hà Nội, Phong Phú Hà Nam hay Than khoáng sản Việt Nam nhưng trong suy nghĩ của rất nhiều người, đây vẫn là một chiến thắng lịch sử.

Chính việc luôn nằm trong nhóm cuối tại giải bóng đá nữ vô địch quốc gia kể từ khi tham dự giải cũng hạn chế đi rất nhiều cơ hội của bóng đá nữ Sơn La, đưa họ đến với các Mạnh thường Quân vì không dễ để một đơn vị tài trợ nào đó chi tiền mà không muốn làm thương hiệu, quảng bá hình ảnh đơn vị mà muốn quảng bá thì phải có thành tích.

Với những ai tìm hiểu hoặc theo dõi về bóng đá nữ nước nhà một thời gian thì sẽ không bất ngờ hay lạ lẫm gì về những khó khăn mà các đội bóng đá nữ Việt Nam nói chung, Thái Nguyên và giờ đây là Sơn La đã và đang gặp phải.

Chú thích ảnh
Nếu không phát triển và không có thành tích, thì bóng đá nữ Sơn La cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để tồn tại

Thái Nguyên cũng từng ở vào hoàn cảnh y hệt như Sơn La hiện giờ khi nhà tài trợ cũ rút lui, thiếu kinh phí hoạt động và đứng trước nguy cơ giải thể hồi cuối năm 2019. Nhưng may cho nữ Thái Nguyên là Tập đoàn T&T đứng ra ký hợp đồng tài trợ và thỏa thuận hợp tác ngày 13/11/2019.

Sơn La giờ đây cũng đang chờ đợi và hy vọng vào một kịch bản tương tự khi nhà tài trợ Thái Sơn Nam ngỏ ý muốn chung tay với địa phương trong việc duy trì hoạt động của đội bóng đá nữ, tránh nguy cơ phải giải tán. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn đang ở giai đoạn trao đổi và thảo luận và hợp đồng tài trợ nếu có sẽ chỉ được hoàn tất sau khi dịch bệnh COVID-19 bị đẩy lùi, mọi hoạt động kinh tế xã hội chung trở lại với quỹ đạo bình thường.

Chờ sự hỗ trợ từ VFF

Việc Thái Sơn Nam có chính thức tài trợ cho đội bóng đá nữ Sơn La hay không suy cho cùng vẫn là câu chuyện ở thì tương lai nhưng ít nhất, HLV Lường Văn Chuyên và các học trò lúc này cũng đã nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm, một lối ra đã hé mở cho họ trong việc tiếp tục theo đuổi đam mê sân cỏ.

Song song với đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã có những liên hệ bước đầu với đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Sơn La, đơn vị chủ quản của CLB bóng đá nữ Sơn La để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Hồi cuối năm 2019, VFF đã nhận được gói tài trợ 100 tỷ đồng/5 năm (2019-2024) từ nhà tài trợ Hưng Thịnh Land, đây là chi phí trả lương, chế độ dinh dưỡng, đào tạo cho các cầu thủ trẻ để phát triển bóng đá nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu có mặt tại World Cup.

Khoản hỗ trợ mà VFF chuyển đến CLB bóng đá nữ Sơn La sẽ được trích từ nguồn kinh phí này nhưng không chỉ nữ Sơn La được hỗ trợ mà các đội bóng đá nữ khác cũng phải được hưởng. Mặt khác, sự hỗ trợ từ VFF sẽ chỉ đến với CLB nữ Sơn La khi họ đăng ký tham dự các giải đấu mà VFF tổ chức từ giải vô địch quốc gia, Cúp quốc gia cho tới một số giải của lứa U dành cho bóng đá nữ.

Nói như vậy để chúng ta thấy rõ một điều VFF cũng đang nỗ lực tìm ra những nguồn tài chính để hỗ trợ cho đội bóng đá nữ Sơn La một phần nào đó nhưng về lâu về dài, để duy trì sự tồn tại và hoạt động của mình thì nữ Sơn La vẫn cần có một nhà tài trợ riêng đồng hành, song song với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Nếu không có nhà tài trợ sát cánh thì CLB bóng đá nữ Sơn La khó lòng đủ điều kiện đăng ký tham dự giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2020 vốn cũng đang bị hoãn lại vì dịch bệnh Covid-19. Không tham dự cũng đồng nghĩa với việc Sơn La sẽ không được nhận khoản hỗ trợ từ VFF và việc giải tán là không thể tránh khỏi.

Hiện tại, lãnh đạo ngành thể thao tỉnh Sơn La, Ban huấn luyện đội bóng đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để chốt được hợp đồng với nhà tài trợ mới. Chỉ có như vậy thì HLV Lường Văn Chuyên và các học trò mới có thể yên tâm tập luyện chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia năm nay. Ưu tiên của đơn vị quản lý CLB bóng đá nữ Sơn La là vẫn muốn duy trì đội bóng, không thể để đội giải tán vì thiếu tiền. Nhưng ở thời điểm này, giải pháp tài chính căn cơ thì vẫn chưa có.

Trong thời gian chờ đợi, các cầu thủ đội bóng đá nữ Sơn La tiếp tục tập luyện bình thường tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, tuân thủ nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, tiếp xúc để phòng tránh sự lây lan của dịch Covid-19. HLV trưởng Lường Văn Chuyên sẽ phải tiếp tục liên hệ, xây dựng các kế hoạch đáp ứng yêu cầu từ phía các đơn vị muốn tài trợ cho đội bóng để khi dịch bệnh bị đẩy lùi, việc tìm kiếm tài trợ mới phải gấp rút được hoàn tất.

Trả lời báo chí, HLV Lường Văn Chuyên cho biết, đội bóng đá nữ Sơn La được thành lập từ năm 2012 với hầu hết cầu thủ là người đồng bào dân tộc, năm 2016 đội lần đầu tham gia giải vô địch quốc gia. Đây không chỉ là cuộc "cách mạng" với các cô gái dân tộc Thái mà còn với cả cá nhân anh Chuyên bởi các cô vốn chỉ quen ở nhà làm nương rẫy và thường lập gia đình ở độ tuổi 16-18.

Cũng do 100% cầu thủ của đội là người dân tộc Thái nên theo HLV Chuyên, với phong tục tập quán của đồng bào Thái nếu kéo dài tình trạng khó khăn này, các nữ cầu thủ có thể sẽ bỏ đội về quê lấy chồng hoặc đi làm công nhân hết.

Lâm Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm