30/08/2017 06:41 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sau thất bại của HLV Nguyễn Hữu Thắng, nhiều ý liến cho rằng bóng đá Việt Nam vẫn cần thầy ngoại.
HLV Hữu Thắng đã nhận mọi trách nhiệm về mình khi U22 Việt Nam không đền đáp được niềm tin từ CĐV nước nhà. Nhưng điều đó không giúp ông thôi bị dư luận chỉ trích về cách dụng binh, vận hành chiến thuật, điều được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại của đội nhà.
Điểm chung các lần thất bại cay đắng, với các đời HLV nội, chính là sự hoài nghi về cách dùng người, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa thân hữu. Minh chứng dễ thấy nhất là ở thất bại ê chề của 2 đời HLV nội gần nhất: HLV Phan Thanh Hùng và Nguyễn Hữu Thắng. Tại AFF Cup 2012 và SEA Games 2013, HLV Phan Thanh Hùng đã không thể giúp đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam làm nên chuyện ở các giải đấu khu vực.
Thành tích chung bị loại từ vòng bảng sau đó khiến HLV họ Phan bị chỉ trích nặng nề dù trước khi nhậm chức, ông Hùng được đánh giá cao bởi chuyên môn và uy tín trong giới cầm sa bàn Việt. HLV Phan Thanh Hùng rời ghế nóng trong chua chát bởi không thể nắm hết lòng quân. Sự hiền hòa của ông Hùng vẫn không được nhiều học trò nể phục và đặc biệt khi gọi các học trò của CLB Hà Nội T&T (cũ) của mình lên tuyển, ít nhiều ông không nhận được sự hợp tác. Đến nỗi dù gọi nhiều học trò thân tín, HLV Phan Thanh Hùng cũng không thể sử dụng vì lời ra tiếng vào.
HLV Hữu Thắng trái ngược với HLV Phan Thanh Hùng, đặc biệt ở khoản quyết đoán trong cách dụng binh. Dù chịu nhiều áp lực từ dư luận nhưng cựu HLV SLNA vẫn thẳng tay sử dụng con người mà theo ông phù hợp với triết lý mình lựa chọn. HLV Hữu Thắng có lý trong những quyết định của mình và di sản ông để lại ở nhiệm kỳ 2 năm đáng kể nhất là chiếc vé dự VCK U23 châu Á tháng 1 năm sau ở Trung Quốc. Nhưng hạn chế lớn nhất mà người ta đã chỉ rõ cho ông thầy này chính là cách sử dụng nhân sự cứng nhắc. Ông Thắng thuận lợi hơn hẳn HLV Phan Thanh Hùng khi dẫn dắt đội tuyển thời “lòng người tản mác”, các cầu thủ trẻ dưới thời cựu HLV SLNA có tài năng và thừa khát khao cống hiến. Có điều, ông không thể vận dụng linh hoạt những gì ông có trong tay. Để rồi sau SEA Games, không những bản thân ông mà cả những học trò cưng như Tuấn Tài phải chịu trách nhiệm chính về thất bại của toàn đội.
Dông dài để thấy điểm chung sau thất bại của 2 HLV nội gần nhất dẫn dắt các ĐTQG chính là thua mình trước khi thua người. “Hành trình di sản” mang tính kế thừa một cách có hệ thống và không phải ngẫu nhiên, sự nhẫn nại của người làm bóng đá Việt Nam cho ra kết quả tồi. Bóng đá Việt Nam lâu nay bị ám ảnh bởi bóng đá Thái Lan, bởi bước phát triển thần tốc của họ và có cảm giác khi thấy họ “ăn khoai”, chúng ta lại “vác mai đi đào”. Điển hình ở tình huống này là chuyện trao niềm tin cho thầy nội để rồi liên tiếp nhận trái đắng.
HLV Đoàn Minh Xương khi trò chuyện với các HLV Thái Lan, họ cho biết rất mừng khi HLV Miura mất việc ở Việt Nam. Bởi đơn giản họ ái ngại lối đá khoa học, thể lực và có phần thực dụng của người Nhật từng áp dụng vào bóng đá Việt Nam. Chúng ta thường huyễn hoặc người Thái cũng ngại đối đầu Việt Nam mà quên rằng đó là cách nói xã giao của họ. Bởi những đối trọng lớn nhất trong khu vực lâu nay của họ là Indonesia, Malaysia, những quốc gia đề cao bóng đá hiện đại, thiên về thể lực và có bản vàng vô địch SEA Games, AFF Cup mà Việt Nam khó bì kịp.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất