16/04/2020 07:21 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/4/2020 vừa qua, ông Victor Montagliani, Phó Chủ tịch FIFA, đã nói: “Với diễn biến của dịch Covid-19 trên toàn cầu, tôi thấy việc tổ chức các trận đấu quốc tế mang lại thách thức lớn. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng trên toàn thế giới. Thế nên, tôi cho rằng lúc này chỉ nên tính việc tổ chức giải quốc nội, còn với cấp độ ĐTQG, tôi không chắc các trận đấu có thể diễn ra trong năm 2020”.
Phát biểu của ông Montagliani nghĩa là FIFA có thể đã nghĩ tới kế hoạch chuyển tất cả các trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2022 của năm 2020 qua năm 2021. Nó giống như cầu thủ đá bóng bị thẻ đỏ và phải "đi tắm sớm" vậy. Và nếu thế thì mùa bóng 2020 coi như kết thúc sớm ngoài mong đợi với toàn hệ thống các giải VĐQG.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, mọi thứ có vẻ như khó khăn hơn nhiều, trong bối cảnh nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp vẫn vừa chạy vừa xếp hàng. Việc duy trì mạch đập, thậm chí là nhịp thở, cho các CLB là cả một vấn đề. Ai dám đảm bảo khi bóng lăn trở lại số lượng các đội vẫn còn nguyên si?
Trên thực tế, bóng đá Việt Nam cấp độ CLB đã trải qua nhiều lần bể dâu. Có thời điểm, chỉ sau một đêm, nền bóng đá mất đi không ít CLB chuyên nghiệp. Nhiều đội bóng bỏ giải giữa chừng khiến nhà tổ chức vắt giò lên cổ để chạy. Nhưng ngay cả khi phải giải quyết khủng hoảng trong những trường hợp như vậy thì cũng không khó như lúc này.
Việc bóng không thể lăn trên khắp các sân cỏ Việt Nam lẽ đương nhiên sẽ ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch của ĐTQG. HLV Park Hang Seo đã có những điều chỉnh về mặt giáo án cũng như nhân sự, nhưng nó cũng như giải quyết khủng hoảng vậy, chỉ là vạn bất đắc dĩ. Không một HLV nào thay đổi cấu trúc vận hành vốn đã ổn định và hiệu quả.
Đây là thời điểm toàn xã hội, chứ không chỉ riêng địa hạt bóng đá, phải chung lưng đấu cật để chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Những hy sinh nhỏ bé của bóng đá so với các ngành nghề khác thực ra chưa là gì cả.
Bóng đá Việt Nam tưởng như đã đến lúc được hưởng thái lai, sau bao cơn bĩ cực, thì bây giờ giờ gần như phải làm lại từ đầu. Nhưng đó là tình cảnh chung của bóng đá toàn cầu và biết đâu được trong họa lại có phúc? Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào nội lực của nền bóng đá đã và đang hướng đến sự tự cường.
Tất cả các đội bóng tại Việt Nam đều đã thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc giãn cách xã hội. Bóng đá cũng như âm nhạc và phần lớn các mô hình giải trí khác thuộc về đám đông, phải đóng băng là chuyện cần thiết vào lúc này.
Những nỗ lực tự điều chỉnh lương thưởng của HLV và cầu thủ chỉ là giải pháp tình thế nhằm duy trì sự tồn tại. Và đó cũng xem như sự chia sẻ của các đội bóng với nhà tổ chức vậy. Ở chiều ngược lại, chúng ta chưa thấy nhiều những hỗ trợ của VPF và cao hơn là VFF với các CLB thành viên.
Không ai mong muốn điều tồi tệ song thi thoảng nó vẫn xảy ra và quan trọng chúng ta tiếp nhận nó như thế nào và giải quyết khủng hoảng ra sao. Chỉ thời thế mới tạo ra anh hùng chứ không bao giờ có chiều ngược lại. Hy vọng dịch Covid-19 qua mau, những khó khăn qua mau, để nhịp đập bóng đá trở lại, hơi thở cuộc sống trở lại.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất