Bóng đá Việt Nam: Bao giờ cho đến bao giờ?

17/05/2024 07:41 GMT+7 | Bóng đá Việt

"Tại sao hệ thống giải bóng đá phong trào sân 11 người tại TP.HCM lại ngắt quãng lâu thế?! Không có người chơi hay thiếu nhà tổ chức, hay vì nguyên do nào khác", ngồi đàm đạo với ông Trần Huy Đức, Ủy viên BCH VFF, nguyên Trưởng phòng Tổ chức thi đấu VFF, người viết bất ngờ nhận được câu hỏi này.

Xin nói thêm, ông Trần Huy Đức hiện đang là Phó TGĐ Cty CP Bóng đá Việt (VietFootball), cha đẻ của hệ thống giải bóng đá sân 7 toàn quốc vắt qua mùa thứ 11. Cựu cán bộ phòng Tổ chức thi đấu VFF vốn được giới chuyên môn đánh giá rất cao về năng lực tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp.

Bóng đá TP.HCM nói chung và bóng đá hệ phong trào của thành phố đông dân nhất cả nước nói riêng từng có một quá khứ rất hào hùng. Tuy nhiên, từ khoảng 2 thập niên qua, bóng đá TP.HCM đã tụt lại khoảng cách khá xa, so với các địa phương khác. Nguyên nhân thì có nhiều, song quan trọng vẫn là thiếu một cơ chế mở, thiếu người làm bóng đá thực sự.

Người quan sát: Bao giờ cho đến bao giờ? - Ảnh 2.

Lứa U13 Trung tâm Bóng đá Thăng Long chuẩn bị giải U13 Năng khiếu TP.HCM 2024. Ảnh: CCKM

Nếu cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, về mặt chính sách và thu hút nguồn lực đầu tư, tại TP.HCM đã không thể theo kịp, ít nhất so với Hà Nội (địa phương luôn dẫn đầu ở sân chơi chuyên nghiệp suốt mấy chục năm qua, với không dưới 3 CLB mỗi mùa giải hạng Nhất và V-League), thì ngay ở hạng phong trào, cũng là thiếu nhất quán trong tổ chức và công tác hỗ trợ.

Trong nhiều năm, giải hạng A vô địch toàn thành đã bị ngưng trệ vì thiếu kinh phí và thiếu cả đội chơi, nên suất chơi giải hạng Ba toàn quốc vì thế cũng là theo chỉ định, không thông qua chọn lọc. TP.HCM lúc này có ít nhất 2 đại diện tham dự giải hạng Nhì QG, nhưng đó hoàn toàn là nguồn lực xã hội hóa, tư nhân tự đứng ra làm từ A tới Z.

Chân đế của bóng đá chuyên nghiệp chính là bóng đá phong trào, song tại TP.HCM gần như lại không có mối quan hệ hữu cơ nào giữa 2 hạng mục này?! Ngạc nhiên nhỉ? Các trung tâm bóng đá cộng đồng, các lò đào tạo vừa và nhỏ không thiếu, thậm chí nhiều nhất nước, nhưng vấn đề nằm ở đầu ra sau lứa tuổi U15. Trong nhiều năm qua, bóng đá trẻ TP.HCM đã bị chảy máu rất nhiều nhân tài về với các Học viện hay Trung tâm đào tạo cỡ lớn. Phụ huynh không tin tưởng các tuyến trẻ của TP.HCM hay bản thân các lứa U ở đây không kham nổi. Có lẽ là cả hai!

Trở lại với vấn đề mà chuyên gia Trần Huy Đức đặt ra ở đầu bài viết. TP.HCM không thiếu sân bãi 11 người để phục vụ tập luyện, thi đấu và thậm chí tổ chức giải. Nhưng vấn đề ở đây là, sợi dây liên kết, hỗ trợ giữa Liên đoàn, hạ tầng (sân bãi) phục vụ tập luyện, thi đấu và nhà tổ chức giải đấu gần như không có. Người có sân lấy phí thuê thẳng tay, trong khi đội ngũ chuyên môn (giám sát, trọng tài) trực thuộc HFF cũng khá nửa vời.

Giải Các đội mạnh Thiên Long mùa thứ Bảy (TLS7) năm 2022 bị ngắt quãng cho đến bây giờ chính là từ nguyên nhân này. Tình hình kinh tế khó khăn chung, các nhà tổ chức giải đấu cần được chia sẻ, để cùng chung tay duy trì, phục dựng lại hệ thống các giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp, chứ không phải làm khó lẫn nhau.

Hiện, chỉ còn một số giải đấu trên sân 11 người được gom góp tổ chức nhỏ lẻ hàng năm, nhưng là dành cho lão tướng, với tiêu chí hướng đến là giao lưu, sức khỏe. Mà giải lão tướng thì không thể làm lợi cho tương lai của bóng đá, đó là điều chắc chắn. Hướng ra của bóng đá TP.HCM bắt buộc phải từ các giải bóng đá trẻ, bóng đá học đường và phục dựng lại hệ thống giải A toàn thành..., nếu không muốn tiếp tục bị bỏ lại, tiếp tục phải nhập khẩu cả cầu thủ lẫn đội bóng.

"Bóng đá phong trào mà trống thì dở rồi. Thuộc tính của bóng đá TP.HCM vẫn cứ phải là hệ thống giải sân 11 người, chứ không phải sân 7 hay futsal. Ở đây, tôi thấy còn có nhiều người chơi, nhiều đội sân 11, chứ Hà Nội thậm chí còn không có. Phải gây dựng lại, chứ thế này thì tiếc quá", ông Trần Huy Đức chia sẻ.

Chúng ta đã có đủ những kiến giải, quan trọng là có đồng lòng, cùng bắt tay vào làm hay không mà thôi!


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm