V-League có thể 'lột xác'?

21/10/2015 10:00 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục đón nhận các bài viết có tính hiến kế cho bóng đá Việt Nam, chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của độc giả gửi từ email [email protected]. Bài viết này tập trung vào hướng tháo gỡ cho Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, cho giải chuyên nghiệp Việt Nam.

1. Trước hết, tôi không đồng ý khi lãnh đạo VFF và VPF luôn lý giải chúng ta thiếu tài chính để làm bóng đá chuyên nghiệp cho tử tế. Tôi có thể khẳng định, giải chuyên nghiệp của chúng ta tiêu quá nhiều tiền bạc. Tham gia cổ đông VPF chi phí “là muỗi” với nhiều doanh nghiệp lớn.  Nếu có cơ chế tốt, giải có uy tín,  nhiều ông lớn sẽ  tham gia VPF ngay.

Mô hình VPF hiện nay không thể có lãi, tiền quảng cáo sẽ bị rơi rớt hết, không thể xã hội hóa. VFF muốn bán quảng cáo cho ai thì phải mua lại bản quyền giải đấu của VPF, thế mới đúng. Đằng này ngược lại, VFF đã khai thác hết, thì VPF còn chỗ nào đâu để bán quảng cáo.

Chính cách tổ chức, điều hành kém cỏi khiến cho giải mất uy tín, nên doanh nghiệp không dám tham gia VPF bởi danh dự, uy tín sẽ mất.

VPF phải là đơn vị độc lập, có tính chủ động và có quyền quản lý, điều hành thật sự. VFF chỉ nên là thành viên giám sát điều hành hoạt động của VPF. Thực tế từ khi ra đời, VPF chỉ tồn tại và vận hành như là một ban của VFF. VPF chẳng có quyền gì, không có tính chủ động. Tôi quan sát thấy VPF chỉ có chức năng duy nhất là… tổ chức nhận lỗi cho VFF khi có sự cố xảy ra, trong khi VFF là cổ đông lớn nhất.

Theo tôi, vấn đề cơ bản của VPF là phải xác định rõ Công ty này là doanh nghiệp tổ chức các giải đấu hay nó chỉ là một quỹ đóng góp của các CLB để tổ chức giải đấu?

Vấn đề thứ hai: Nếu VPF là doanh nghiệp thì ai là cổ đông chi phối? Nếu là VFF vẫn chiếm 35,4%, trong khi 15 CLB chỉ 3,9%, Công ty Cổ phần phát triển bóng đá Hà Nội 1% và cuối cùng số cổ phần được quyền chào bán chiếm 5,1%, thì không công bằng, không có sự cạnh tranh lành mạnh, không có động lực cho các cổ đông.

Nếu như thế này thì không cần thiết ra đời VPF vì tất yếu sẽ diễn ra cảnh “bình mới rượu cũ”, chỉ thay đổi về  hình thức. Nếu VPF có một vài doanh nhân (cổ đông) đủ mạnh chiếm vốn lớn (thay vì VFF kiểm soát), họ sẽ có quyền định đoạt, có quyền quyết định nhân sự, họ không có đội bóng tham gia giải chuyên nghiệp, khi đó VPF mới thật sự là doanh nghiệp đúng nghĩa, mới mong thoát ra khỏi vũng bùn để có lãi.

2. VPF cũng không nhất thiết các cổ đông phải là các CLB. Như thế sẽ tránh được phức tạp, tránh cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi. Các CLB thích thì tham gia cổ đông. Cũng chẳng quy định mức góp làm gì. Các CLB tham gia giải không cần phải đóng tiền, đó mới là hợp lý.

Ngược lại anh phải tuân thủ quy chế, điều lệ, quy định kỷ luật của giải. Tóm lại là tuân thủ  luật chơi mà VPF đề ra. Lợi nhuận đưa vào tiền thưởng theo thứ hạng. Giải chất lượng cao thì lợi nhuận nhiều, thưởng lớn. Đội nào cũng có thưởng. Giống như bơi lội, qua vòng loại thì được bao nhiêu, vào 1/8 vào 1/4... mức thưởng tăng dần. Thế giải chuyên nghiệp mới sống động đến trận cuối chứ không  như mùa này còn 3 vòng đã biết hết cả đội rớt hạng, vô địch thì sớm hơn.

CLB nào vi phạm luật, VPF sẽ “đuổi” khỏi Công ty. Một vài CLB bị đuổi thì chẳng ai dám đá láo. Về thực tiễn, các CLB từ quan chức đến cầu thủ sợ mất việc, thất nghiệp thì có “húp cháo”. Chưa kể lãnh đạo địa phương sẽ mạnh tay kỷ luật. Nếu cho VPF có các quyền đó đi, xem còn CLB nào dám đá láo không? Không sợ bỏ giải, cần thiết “trộn” các đội hạng Nhất và chuyên nghiệp lại làm một giải cho tử tế cái đã, nếu tốt thì tự khắc sẽ không thiếu đội tham gia giải chuyên nghiệp.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Tổng cục TDTT hãy thử một lần làm quyết liệt trong việc cách mạng VPF theo chiều hướng trên. Tôi đảm bảo một năm là giải có chất ngay.

Là doanh nhân, tôi thường xuyên đi công tác nhưng thú thực chứng kiến quan chức VFF và VPF đi như đi chợ, còn ngồi ghế VIP, ở khách sạn 5 sao. Thử hỏi nếu là doanh nghiệp đích thực cán bộ có dám xài sang như vậy không? Đa số các doanh nhân thành đạt, họ đều rất tiết kiệm, văn hóa tiết kiệm phổ biến rộng khắp đơn vị đó.

Doanh nhân bỏ tiền ra, xin lỗi 1 đồng họ cũng tính. Không phải đi đâu cũng kéo đông đảo như đi hội. Điều này báo chí cũng phản ánh nhiều, tôi không nói nữa nhưng rõ ràng lãnh đạo VFF và VPF phải biết tiết kiệm ngân sách để làm gương.

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm