30/05/2018 19:55 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 30/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tại các tổ thảo luận, vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm được quy định trong dự thảo luật; việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tiếp tục giải trình về thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo" tại tổ thảo luận.
Không tán thành việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo"
Thuật ngữ "giá dịch vụ đào tạo" được quy định tại Điều 65 dự thảo Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong Dự thảo Luật. Theo nhiều đại biểu, việc sử dụng khái niệm "học phí" vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), từ trước đến nay, "học phí" vẫn là cụm từ rất là quen thuộc. Việc quy định về giá dịch vụ đào tạo là theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập, tuy nhiên đại biểu cho rằng thuật ngữ giá dịch vụ đào tạo không phù hợp với môi trường sư phạm.
"Trong quá trình thực tiễn thực hiện đề án tự chủ tại trường, chúng tôi cũng đề là giá dịch vụ theo Nghị định 16, tuy nhiên chúng tôi vẫn phải chú thích là "học phí". Bây giờ phụ huynh đến trường nói đóng học phí thì người ta dễ hiểu, chứ giá dịch vụ sẽ gây khó hiểu", đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, cũng là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, bày tỏ. Đại biểu này đề nghị giữ nguyên thuật ngữ học phí, đồng thời kiến nghị Luật quy định rõ học phí gồm những khoản gì.
Trao đổi tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, liên quan đến học phí, Bộ đã xin ý kiến rất nhiều, cũng có nhiều người hiểu chưa rõ.
"Trong Điều 105 dự thảo Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng học phí, không bỏ học phí. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. Tên gọi đó vẫn còn. Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng giải thích thêm: Điều 105 của Luật Giáo dục vẫn ghi học phí. Điều 65 Luật Giáo dục Đại học là thêm một điều để sau này có lộ trình tính học phí theo Nghị định 16 và gần đây là Nghị quyết 19-NQ/TƯ. Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là "thương mại hóa". Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí.
"Tên gọi vẫn là học phí chứ không phải bỏ đi. Trong Luật Giáo dục Đại học thêm một điều là "Giá dịch vụ đào tạo" để phù hợp với Luật Giá chứ trong Luật Giáo dục vẫn gọi là học phí", Bộ trưởng giải thích.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thực tế học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí do Nhà nước đặt hàng. Những chi phí này áp dụng theo Luật Giá thì mới tính được giá. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá được áp vào chứ không phải tính tùy tiện.
"Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ đó cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành. Như vậy, không gọi là phí mà là giá dịch vụ để trong quá trình các tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ phải được hiểu là những chi phí tính đúng tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học".
Đề nghị quy định chi tiết các khoản học phí và dịch vụ tại trường học, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, hiện chúng ta bàn rất nhiều đến vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, tuy nhiên vấn đề này đang bị hiểu sai và lạm dụng: "Hiện chúng ta không quy định chi tiết một số dịch vụ trong nhà trường như dịch vụ ăn uống trong trường bán trú, dịch vụ trông giữ xe... Đây là những nhu cầu thực tiễn, nếu xảy ra sự cố thì nhà trường vẫn phải chịu trách nhiệm. Nhưng trong Luật lại không quy định các dịch vụ này. Câu chuyện đặt ra là có nên đặt giá các dịch vụ giáo dục trong Luật hay không để giải quyết thực trạng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục phải chỉ đạo không được lạm thu, trong khi phụ huynh học sinh thì bức xúc về những khoản thu không đúng quy định".
Đại biểu này đề nghị nên luật hóa các dịch vụ giáo dục và có khung giá cụ thể để đảm bảo các thầy cô không phải lo các vấn đề là phải họp, thông qua ban phụ huynh học sinh để thu những khoản tiền đó.
Cần quy định hợp lý về chính sách cho sinh viên sư phạm
Về chính sách cho học sinh, sinh viên, dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Đa số đại biểu tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học trong tiếp cận chính sách; bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.
Một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các đại biểu cũng cho rằng cần sửa đổi quy định có liên quan về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) băn khoăn hiện nay đầu vào của ngành sư phạm chưa có chọn lọc, đào tạo ngành sư phạm chưa có đánh giá đúng cung - cầu dẫn đến thực trạng thừa sinh viên. Đây là thực tế, tại khu công nghiệp, rất nhiều sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp phải giấu bằng cấp để làm công nhân.
"Nếu thay đổi miễn giảm học phí bằng việc cho vay tín dụng thì những người tốt nghiệp trường sư phạm ra muốn thi vào ngành giáo viên nhưng các trường lại không có chỉ tiêu tuyển thì sẽ tính toán như thế nào? Quy định này chỉ thực hiện tốt khi ngành sư phạm xác định chỉ tiêu, cung - cầu, đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Khi sinh viên muốn làm việc trong ngành sư phạm nhưng không có điều kiện vào làm việc trong ngành thì việc hoàn trả khoản vay tín dụng sẽ tính như thế nào?", đại biểu Dung đặt câu hỏi và đề nghị ban soạn thảo xem xét lại vấn đề này.
Bên cạnh đó, các đại biểu mong muốn sửa đổi luật sẽ khắc phục được một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi Luật; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đảm bảo Luật Giáo dục vừa là luật khung, làm nền tảng cho các Luật chuyên ngành như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp... vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Luật...
Xuân Tùng (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất