03/02/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Điều mà chúng ta không thể ngờ tới là các tranh thờ hổ của Hàng Trống lại đạt tới đỉnh cao với chỉnh thể mẫu mực kể từ sau năm 1960 trở đi.
Tất cả các dân tộc khi mới hình thành đều tôn thờ những sức mạnh siêu nhiên. Họ tin rằng mọi tạo vật đều có linh hồn... Bỡ ngỡ với môi trường thiên nhiên bao quanh, họ vừa khiếp sợ loài thú dữ, vừa ước ao sở hữu được sức mạnh của chúng. Người Ai Cập tôn thờ cá sấu và sư tử. Các vua Lưỡng Hà vừa tôn thờ vừa quyết đấu với sư tử để giành thế tối thượng nhằm quảng bá ngôi báu coi như được thần linh trao cho. Người Hy Lạp cổ đại sơ kỳ - thuở mới đạt vị thế cường quốc trên biển thì tôn thờ bạch tuộc và mực khổng lồ. Người Trung Hoa ban đầu ngưỡng mộ hổ nhưng sau lại chuyển sang tôn thờ một mãnh thú ngoại lai (không sống tự nhiên trên đất nước họ) là sư tử...
Với người Việt Nam, hổ là loài mãnh thú xuất hiện với tần số cao, nhất là khi nó được suy tôn là “chúa sơn lâm”. Xa xưa nhất có tượng hổ dẹt cỡ mini khai quật ở Lãng Ngâm, Bắc Ninh và vài hình nhỏ khắc họa trên đồ đồng Đông Sơn. Sau khi mất ngôi “chúa sơn lâm” bởi thời Lý (1009-1225) tôn thờ sư tử, bất ngờ hổ trở lại vị thế oai phong- được tạc tượng uy nghi dưới thời Trần (1225- 1400) - hổ đá nằm canh lăng Thái sư Trần Thủ Độ. Đặc biệt khi các làng xã Việt lần lượt dựng đình khắp châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (các thế kỷ XVI, XVII, XVIII) thì hình tượng hổ được tạc khá nhiều trên các vì kèo. Thuở ấy rừng vẫn còn dày chẳng những khắp miền núi và trung du mà còn phổ biến ở đồng bằng miền Bắc...Đến hậu kỳ phong kiến - thời Nguyễn - thì hình tượng hổ được hoàn thiện và rất hấp dẫn trong tranh thờ Hàng Trống...
Một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam
Lâu nay chúng ta có thói quen khó sửa - coi những gì thuộc về dân gian thì thường là “nôm na”, phổ thông và chưa hoàn thiện... Tuy nhiên, tất cả những ai lần đầu được thấy bộ tranh vẽ hổ của dòng tranh Hàng Trống thì đều rất ấn tượng bởi sự hoàn thiện đầy thuyết phục cả về tạo hình, đường nét và màu sắc. Dù treo tại các phủ, điện, đền, miếu hay tư gia thì các tranh hổ này đều rất “bắt mắt” vì rực rỡ màu sắc... với hình tượng chúa sơn lâm oai phong, đầy uy lực mà cũng rất bay bướm và tinh tế.
Các tranh hổ này hấp dẫn ta từ xa nhưng càng xem gần thì càng thấy nhiều chi tiết tinh vi trong tạo dáng oai phong lẫm liệt. Bố cục các tranh hổ đơn đều rất chỉnh thể, còn Ngũ hổ thì đăng đối 4 góc một cách hoàn hảo đến từng chi tiết. Nếu so đọ về phương diện “kỹ thuật của nghệ thuật” thì bộ tranh Hổ Hàng Trống đạt chất lượng chuyên nghiệp chẳng kém gì các tác phẩm mỹ thuật hạng nhất quốc gia. Có khác chăng chỉ vì tác phẩm mỹ thuật chuyên nghiệp quý ở chỗ đơn chiếc nên độc đáo trong khi tranh dân gian thì in, vẽ và bán vô số bản qua nhiều thế kỷ nên có phần suồng sã...
Hơn nữa, ở kỷ nguyên hiện đại, tuyệt đại đa số các họa sĩ ta quá chú trọng đề tài con người mà ngó lơ thế giới động - thực vật và những hình tượng ngụ ngôn từng ngự trị xuyên suốt nghệ thuật dân gian từ thượng cổ đến tận cận đại. Thế giới “phi con người” mà có khi vẫn ngụ ý “cõi nhân gian” ấy từng ngự trị hằng hà sa số trên diềm bia đá, trong chạm khắc đình làng, vẽ trên đồ gốm cũng như tranh dân gian... Và bức Ngũ hổ hiện có vị trí xứng đáng trong phòng Nghệ thuật dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Cuộc truy tìm nguồn gốc bộ tranh hổ...
Đúng là bộ tranh hổ của dòng tranh Hàng Trống có nguồn gốc từ Trung Quốc - các học giả không ai dám nghi ngờ điều này. Nhưng suốt 20 năm nay, chúng tôi tìm nhiều cách để mua các sách về tranh dân gian Trung Quốc - được xuất bản chính thức tại nước CHND Trung Hoa cũng như miệt mài tra trên các trang mạng internet... mà hiệu quả thu được đều không khả quan. Mãi vẫn chưa thấy các mẫu tranh có thể tin được rằng chúng xứng đáng là nguồn mẫu gần nhất với bộ tranh thờ hổ của dòng Hàng Trống Việt Nam. Hiện mới chỉ thấy được một số tranh dân gian Trung Quốc vẽ hổ nhưng có khoảng cách khá xa về bố cục, cấu trúc và tạo hình- chưa đạt mức chỉnh thể như tranh hổ Hàng Trống của ta.
Thực ra từ cuối thế kỷ XIX đã sớm có các sách nghiên cứu của phương Tây đề cập và in dẫn chứng tranh Ngũ hổ của Trung Quốc có bố cục gần với tranh Ngũ hổ của ta nhưng lại chỉ có bản nét khá giản lược với cấu trúc và tạo dáng các con hổ chưa thật mạch lạc...
Sách The Buddhism of Tibet or Lamaism (Phật giáo Tây Tạng hay Lạt Ma giáo) của tác giả Larence Austine Waddell in tại London, Anh năm 1895, có dẫn chứng hình tranh Ngũ hổ của Trung Quốc đúng với bố cục hổ vàng chính giữa và 4 hổ khác màu ở 4 phía... nhưng minh họa này chỉ có nét đen, không có màu, không nền mây, mà tạo dáng hổ rất gần hiện thực, chưa được cách điệu cao như tranh hổ Hàng Trống.
Sách Chrestomathie Annamite của tác giả Edmond Nordemann, in tại Hà Nội năm 1898, được thày Ngô Đê Mân dịch thành Quảng tập viêm văn (Tổng tập những bản văn hay) có minh họa một tranh Ngũ hổ khác, cũng bố cục một hổ chính giữa với 4 hổ 4 phía... nhưng cũng chỉ là bản nét đen, không màu, không nền mây, tạo hình cả 5 con hổ đều quá nệ thực và các chi tiết đầu, chân, đuôi hổ đều lệch pha, không đăng đối, càng khó sánh với tạo hình hổ Hàng Trống đã được cách điệu cao.
Các sách về tranh dân gian Trung Quốc, xuất bản tại CHND Trung Hoa cuối thế kỷ XX, đầu XXI cũng chỉ lẻ tẻ 1-2 tranh Ngũ hổ, bố cục không đăng đối chỉnh thể, có in màu nhưng kém xa về chất lượng vờn tỉa...
Có phần nản, chúng tôi đành tạm suy đoán bằng cách đặt câu hỏi: “Phải chăng bởi những biến động lịch sử suốt 3/4 đầu thế kỷ XX mà các mẫu tranh thờ hổ đẹp đẽ của họ, thậm chí cả một số làng tranh dân gian của họ đã vĩnh viễn thất truyền?” Có thể lắm! Tuy nhiên lại bật ra một câu hỏi khác: “Nếu vậy, tại sao trong 2 cuốn sách tiếng Anh và Pháp kể trên, được xuất bản vào cuối thế kỷ XIX mà tác giả của chúng lại đều không biết tới mẫu tranh Ngũ hổ đầy hấp dẫn như của Hàng Trống Việt Nam hay mẫu gần nhất, có cách điệu cao của Trung Quốc?”.
Sẽ có khá nhiều phương án trả lời... Tuy nhiên rất có thể vì ở thời điểm đó - trước 1900 - các tranh Ngũ hổ của Trung Quốc cũng chỉ dừng ở chất lượng như minh họa trong 2 sách kể trên. Và thời điểm đó tranh Ngũ hổ của Hàng Trống còn sơ khai, chưa hoàn thiện đến chỉnh thể như bây giờ - theo mẫu có khoảng từ sau năm 1960 đến nay! Xin bình về luận điểm bất ngờ này sau.
Chủ đề và nội dung của bộ tranh thờ hổ
Chủ đề và nội dung của bộ tranh thờ hổ có liên quan mật thiết đến mấy tôn giáo từng thịnh hành ở Hoa Nam, Tây Tạng và Việt Nam... Đó là các tôn giáo: đạo Lạt Ma; đạo Bon; Mật tông; và đạo Lão hay còn gọi là Đạo giáo, vốn của người Trung Quốc nhưng về sau thâm nhập sâu vào tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi Hoa Nam và cả Bắc Việt Nam - đạo này cũng pha trộn nhiều pháp thuật phù thủy, bùa chú và thờ cúng các linh vật trong đó có hổ.
Về nội dung, tranh Ngũ hổ trình bày học thuyết Ngũ hành phương Đông bằng hình tượng 5 con hổ, biểu hiện các sơn thần trấn giữ tứ phương và trung ương.
Thứ nhất là Hổ vàng, hành Thổ, tượng trưng cho đất đai, luôn giữ vị trí trung tâm, vai quan trọng nên hổ vàng được ôm bài vị có 4 chữ “Pháp đại uy linh”- Uy linh của quyền phép lớn. Người Việt ta thường thấy đất màu nâu nhưng người Trung Hoa có gốc tích từ cao nguyên Hoàng Thổ (đất màu vàng), khiến dòng sông lớn chảy qua đó xói mòn đất thành Hoàng Hà (sông vàng), đổ ra biển thành Hoàng Hải (biển vàng).
Thứ nhì là Hổ đỏ, hành Hỏa, tượng trưng cho mùa Hạ, phương Nam, nhiều nắng và nóng.
Thứ ba là Hổ xanh, hành Mộc, tượng trưng cho mùa Xuân, phương Đông.
Thứ tư là Hổ trắng, hành Kim, tượng trưng cho mùa Thu, phương Tây - mà phía Tây của Trung Quốc cổ là cao nguyên Tây Tạng, có băng tuyết vĩnh cửu trắng xóa trên nóc nhà thế giới.
Thứ năm là Hổ đen, hành Thủy, tượng trưng cho mùa Đông, phương Bắc - thủy ở đây là “thoạt kỳ thủy” khi trời đất mới tạo lập, vẫn còn là cõi hỗn mang tăm tối. Đáng nói thêm là vào thời mới khai khẩn đất hoang, người Trung Hoa xếp hạng 5 con vật độc hại gồm rết, thằn lằn, bọ cạp, cóc và rắn mà kẻ sẽ bảo vệ người khỏi 5 vật độc ấy lại là con hổ!
Vươn lên và đạt chuẩn mực
Nghệ thuật vẽ tranh thờ hổ của dòng Hàng Trống Việt Nam trải qua quá trình tịnh tiến, vươn lên vào thời Pháp thuộc nhưng đạt đến chỉnh thể kể từ khoảng 1960 trở đi.
Dù chưa tìm ra bằng chứng xác đáng song dường như các nhà nghiên cứu mỹ thuật đều cho rằng dòng tranh dân gian Hàng Trống hình thành sớm nhất có thể vào cuối thời vua Lê- chúa Trịnh (nghĩa là chậm hơn dòng tranh Đông Hồ), phát triển dần vào thời Nguyễn, thịnh đạt vào thời Pháp thuộc do cơ chế thị trường thuộc địa nửa tư bản. Thế nhưng rất bất ngờ là riêng các tranh thờ hổ lại đạt tới chuẩn mực và tinh tế khoảng từ năm 1960 đến nay - đầu thế kỷ XXI.
Hóa ra không phải những mẫu tranh dân gian - loại phổ biến đến quen thuộc - đều công thức hóa ngay khởi đầu và bất biến cùng thời gian. Qua các lưu trữ của Pháp và những bức ảnh tư liệu từ thời Pháp thuộc đến nay, chúng tôi thấy được quá trình từ sơ khai đến hoàn thiện của một số mẫu tranh Hàng Trống, nhất là các tờ tranh thờ hổ. Do những nguyên nhân lịch sử mà chúng ta chỉ có thể biết được bố cục nét của tranh Ngũ hổ vào cuối thế kỷ XIX nhưng cũng đủ để thấy tạo dáng các con hổ còn khá nệ thực, chưa được chuẩn hóa và cách điệu cao như sau này. Con Hổ vàng ở trung tâm còn chưa hề kính cẩn ôm bài vị bằng cả 4 chân. Các nét vằn của cả 5 con hổ còn thô sơ, chưa hề cách điệu và kém xa sự uyển chuyển sau đó. Nét vẽ râu ria hổ đã có nhưng ngắn và chỉ là vẽ cho có chứ chưa tỉa dài và điệu đà như ngày nay ta thấy.
Sang nửa đầu thế kỷ XX, tức là thời Pháp thuộc, kể cả thời Hà Nội trong vùng Pháp tạm chiếm trước 1954, do cơ chế thị trường tư bản nửa thuộc địa khuyến khích thương mại, không gò ép đường hướng nghệ thuật dân gian nên có giai đoạn tranh Hàng Trống bán rất chạy, đạt tới cực thịnh khoảng từ 1930 đến 1945. Đó cũng là thời mà các tranh thờ hổ được in và tô màu rất nhiều nhưng chạy theo số lượng, nét và màu rất hoạt nhưng bố cục chưa mạch lạc, chi tiết chưa kịp chỉn chu đã phải vội bán. Rõ nhất là các dáng hổ chưa đạt chuẩn mực như các bức Ngũ hổ mà ta thấy ngày nay.
Điều mà chúng ta không thể ngờ tới là các tranh thờ hổ của Hàng Trống lại đạt tới đỉnh cao với chỉnh thể mẫu mực kể từ sau năm 1960 trở đi. Đó cũng chính là lúc nghệ thuật dân gian nói chung phải chịu thử thách của phong trào hợp tác hóa (mọi ngành nghề vào hợp tác xã, kể cả nghề sáng tạo cá nhân) và chủ trương chống mê tín - dị đoan có phần rất quyết liệt. Các khách hàng mua tranh thưa dần...
Tuy nhiên các nghệ nhân ưu tú của 2 dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ lại trở thành nhân viên chuyên trách nghệ thuật dân gian trong các cơ quan văn hóa nghệ thuật như NXB Văn hóa, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Họ được tiếp xúc nhiều với nghệ thuật chuyên nghiệp. Họ được đặt hàng làm tranh dân gian chất lượng cao để triển lãm quảng bá văn hóa trong và ngoài nước, in vào sách nghệ thuật quốc gia, làm hàng mẫu để giới thiệu và xuất khẩu sang Đông Âu... Những tờ tranh mẫu mực được làm kỹ mà không chạy theo thị trường, lại được các họa sĩ kiêm lãnh đạo mỹ thuật rất am hiểu giá trị nghệ thuật dân gian góp ý chỉnh lý dần. Kết quả là các tờ tranh thờ hổ ngày càng chỉn chu, chuẩn hóa, tinh tế với chất lượng cao.
Tranh Ngũ hổ in trong sách Tranh dân gian Việt Nam 1962 bởi NXB Văn hóa là dẫn chứng điển hình ở điểm khởi đầu cho nhận định trên.
Kịp đến cuối thế kỷ XX, khi đất nước mở cửa, đổi mới thì nhu cầu văn hóa nghệ thuật đáp ứng du lịch và du khách ngày càng phát triển. Đặc biệt kể từ khi UNESCO công nhận và xếp hạng Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt thì các tranh thờ Hàng Trống được dịp phát triển theo bởi đó là một phần hữu cơ của tục thờ phụng gốc Việt này. Các điện, phủ, miếu thờ cũng như các lễ Hầu đồng được dịp trang hoàng với các mẫu tranh thờ rực rỡ, chất lượng cao, trong đó có bộ tranh thờ hổ Hàng Trống.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là các nghệ nhân Hàng Trống từng và đang làm trong các cơ quan văn hóa nhà nước được tạo điều kiện nâng cao tay nghề - chính bản thân họ cũng nỗ lực khắc phục những điểm chưa hoàn thiện để cuối cùng xuất ra các tranh chất lượng cao hơn. Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - ông Lê Đình Nghiên có hơn 40 năm làm ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có tay nghề rất cao và dù đã hưu trí nhưng hiện ông nhận được nhiều đặt hàng tranh. Các bộ tranh thờ hổ do ông thực hiện ngày nay có bố cục hoàn thiện, màu sắc rực rỡ mà bền đẹp, các chi tiết tinh tế tuyệt vời. Ông tô và cán màu thành thạo tới mức người xem có cảm giác như tay ông đang múa. Với họa sĩ chuyên nghiệp thì càng quen tay càng dở nhưng với nghệ nhân dân gian Hàng Trống ở đỉnh cao thì càng quen tay càng đáng quý.
Bởi thế, dù chưa hẳn đã đủ dữ liệu và bằng chứng từ tranh thờ hổ Trung Quốc hay Mật tông Tây Tạng nhưng sau khi theo dõi tranh thờ Hàng Trống, nhất là bộ tranh thờ hổ, sau ít nhất một thế kỷ mà các nghệ nhân ta phấn đấu trong những điều kiện đôi khi gian nan nhưng cũng khá nhiều thuận lợi cả khách quan và chủ quan, chúng tôi tin rằng bộ tranh Ngũ hổ Việt Nam đã phát triển theo đường riêng, tịnh tiến gần tới chuyên nghiệp, chuyển tải được phần lý tính của triết học phương Đông mà vẫn hào hoa, tinh tế bởi kỹ thuật tuyệt hảo.
Tác giả gửi lời cảm ơn nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng đã tìm giúp tư liệu về 2 cuốn sách “The Buddhism of Tibet or Lamaism” và “Chrestomathie Annamite” có hình minh họa bố cục tranh Ngũ hổ cuối thế kỷ XIX. |
Họa sĩ Đức Hòa
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất