'Bổ đề cơ bản' cũng không thể... giải cứu lợn

08/06/2017 07:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Talk show của một đài truyền hình đặt vấn đề "24.000 Tiến sĩ và giải cứu lợn" đang khiến dư luận xôn xao. Chương trình mời một vị PGS tới trò chuyện về chất lượng tiến sĩ và vấn nạn "khủng hoảng thừa" thịt lợn đang diễn ra.

Rồi, hai MC của  chương trình liên tiếp đặt vấn đề về "tiến sĩ giấy", "lò đào tạo tiến sĩ"... Từ đó, các câu hỏi của MC cũng xoay quanh vấn đề: giá thử, các nhà khoa học nghiên cứu kỹ càng, hữu dụng hơn thì có hay không cuộc khủng hoảng hiện nay?

Chú thích ảnh
Tiến sĩ có giải cứu được lợn? Ảnh: Internet

Mặc dù vị khách mời khá điềm đạm bóc tách các vấn đề để trả lời, tuy nhiên, kết thúc chương trình, MC kết luận: "Cái gì thừa thì cũng không tốt, dù là lợn hay là tiến sĩ".

***

Không phủ nhận, vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đang có nhiều bất cập. Bộ GD&ĐT cũng đã sửa đổi yêu cầu đào tạo tiến sĩ theo hướng ngặt nghèo hơn để tăng chất lượng tiến sĩ. Và, những bức xúc trong dư luận về các đề tài nghiên cứu tiến sĩ cũng tương đối nhiều.

Bên cạnh đó, việc "giải cứu lợn", để thị trường điều tiết bằng trái tim thay vì quy luật cung cầu cũng khiến nhiều người mệt mỏi. Trước đó, cộng đồng đã có nhiều phen "giải cứu" như: giải cứu dưa hấu, giải cứu hành tím; thậm chí còn có cả đề nghị "giải cứu giáo viên" khi đồng lương thầy cô quá thấp...

Chú thích ảnh
Lợn thừa cũng không tốt. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, những bức xúc không thể và không nên "xả" bằng cách cố lái hai vấn đề vào nhau. Sự gán ghép khiên cưỡng này khiến người xem có cảm giác phản cảm. Chưa kể, chương trình đã trực tiếp gây tổn thương tới đội ngũ học giả chân chính.

Điển hình, chương trình còn đề cập tới Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), nơi được coi là "lò đào đào tạo tiến sĩ" để minh chứng cho việc nhiều tiến sĩ mà vẫn phải... "giải cứu lợn". Miễn bàn tới quy trình đào tạo tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội, việc đặt vấn đề liên quan tới nông nghiệp, thị trường với khoa học xã hội là lệch lạc.

Bên cạnh đó, khoa học không nhất thiết là chỉ nghiên cứu ứng dụng. Khoa học còn là nghiên cứu lý thuyết, cung cấp nền tảng tri thức để các nhà nghiên cứu sau tiếp tục nghiên cứuứng dụng. Nên, việc đưa con số 24.000 tiến sĩ mà không chỉ rõ số lượng tiến sĩ khoa học xã hội, số lượng tiến sĩ khoa học tự nhiên, số lượng tiến sĩ kinh tế, nông nghiệp là cách tiếp cận chưa sòng phẳng.

***

Những năm bao cấp, có một giai thoại khá hay về chuyện tri thức và lợn. Đó là câu chuyện PGS Văn Như Cương nuôi lợn trong căn hộ tập thể vào những ngày khốn khó. Khi bị lập biên bản: PGS Văn Như Cương nuôi lợn, PGS Văn Như Cương có đề nghị phải làm lại là: Lợn nuôi PGS Văn Như Cương.

Câu chuyện ấy cho thấy nỗi khổ của những nhà khoa học chấn chính, khi một mặt bị đánh đồng là "tiến sĩ giấy", một mặt vẫn chật vật với vấn đề cơm áo gạo tiền.

Đừng bắt nghệ thuật phải 'tiến sĩ hóa'!

Đừng bắt nghệ thuật phải 'tiến sĩ hóa'!

'Việc dừng đào tạo hàng chục ngành nghệ thuật với lý do thiếu các thạc sĩ, tiến sĩ khi giảng dạy là hết sức máy móc và không hiểu gì về đặc thù của nó' - nghệ sĩ Vũ Huyến, nguyên Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Bây giờ, cuộc sống đi lên, nhưng nhiều bài báo vẫn đưa tin về mức sống khó khăn của các nhà khoa học. Liên tiếp các bài báo đưa tin về tiến sĩ Viện Toán, lương 3 triệu/ tháng.  Tại Viện Công nghệ Sinh học, nhiều tiến sĩ bỏ việc vì lương 3 triệu. Mức lương ấy ngang với công việc bán thời gian của một tài xế xe ôm Grab bike.

Hay TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) chia sẻ trên báo giới rằng anh không thể mua sách với đồng lương của mình. "Vì mua sách là lạm ngay vào tiền sữa, tiền thức ăn của con" - TS Trần Trọng Dương nói.

Thực tế, rất nhiều GS,TS và các nhà khoa học đang vất vả vì chính sách đãi ngộ hiện tại. Vô tình, cách đặt vấn đề lệch lạc lại là sự thể hiện thái độ tệ bạc, bóng gió miệt thị với họ.
Cứ theo cách đặt vấn đề như vậy, có lẽ, "Bổ đề cơ bản" từng giúp GS Ngô Bảo Châu giành giải Fields danh giá cũng chẳng thể giải được vấn đề "thừa lợn" của nước nhà!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm