08/06/2012 18:01 GMT+7 | Hậu trường Euro
(TT&VH) - Nhìn khuôn mặt câng câng và thái độ coi trời bằng vung của anh sau mỗi bàn thắng, không ai nghĩ rằng đó là hiện tại của một cậu bé từng hay khóc nhè và từng phải chịu đựng một sự cô đơn quá lớn. Hai ngày trước giờ bóng trận Đức – Bồ Đào Nha chính thức lăn ở Lviv, Ukraina, tờ Bild (Đức) đã cử phóng viên tìm về nơi Cristiano Ronaldo sinh ra và lớn lên, để tìm hiểu thêm về anh.
Mario Volpe, cộng tác viên của tờ Bild ở BĐN và là người đã trực tiếp thực hiện chuyến “phiêu lưu” nho nhỏ này, được chào đón một cách ấm áp tại nhà của Ronaldo ở Sao Goncalo, nằm ở phía Đông thành phố Funchal, thuộc quần đảo Madeira. Đó là một buổi tối phủ sương ở quần đảo nhìn ra Đại Tây Dương. Trên bậu cửa, bà Dolores (54 tuổi), bế trên tay một đứa bé chừng hai tuổi, đang lật đật đi ra, luôn miệng nói: “Chờ tôi một chút”.
Đó là mẹ của Cristiano Ronaldo, cầu thủ có giá chuyển nhượng đắt nhất trong lịch sử bóng đá thế giới (Madrid đã phải bỏ ra 94 triệu euro để mua anh về từ Manchester United vào năm 2009). May mắn cho phóng viên Volpe vì đã tìm thấy bà ở đây, vì Dolores thường sống ở Madrid, và dành phần lớn thời gian của bà để chăm sóc cho Junior Cristiano Ronaldo, kết quả mối tình một đêm của CR7 với một cô hầu bàn. Giờ thì cả hai bà cháu đều có mặt ở nơi mà Ronaldo đã sinh ra và lớn lên. Một căn nhà với những ký ức dường như đang bị phủ lấp bởi những đổi thay qua thời gian.
Tác giả Mario Volpe (phải) và bà Dolores, mẹ của Ronaldo, trước căn nhà mà CR7 lớn lên & Ronaldo năm lên 1 tuổi. |
Những ký ức nghèo khó và cơ cực
Đó là một ký ức mà có lẽ Ronaldo muốn quên, trong nỗi ám ảnh của cái nghèo và cuộc sống cơ cực, như rất nhiều gia đình lao động khác ở con phố của giới cần lao Rua da Quinta do Falcao. Cha anh, ông Dinis đã mất cách đây 7 năm vì bệnh viêm gan, hệ quả của chứng nghiện rượu. Ông và bà Dolores đã nuôi Ronaldo lớn lên bằng đủ mọi nghề, từ đầu bếp cho những quán ăn nhỏ, công việc giặt giũ ở các đội bóng địa phương cho đến làm vườn. 20 năm trước, chỗ “chui ra chui vào” của họ chỉ là một túp lều nhỏ có mái tôn màu vàng. Giờ thì nó đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho một bãi đậu xe nhỏ bên hông của ngôi nhà hiện tại.
Rời căn nhà ấy và đi vào trung tâm thành phố Funchal, ta bắt gặp một “boutique” (cửa hiệu quần áo) sang trọng lấp lánh dòng chữ CR7 ngoài biển hiệu. Chủ của cửa hiệu ấy là Elma, 37 tuổi, chị gái của Ronaldo. Một mảnh ký ức khác lại hiện ra: “Nó xa nhà từ quá sớm, và chúng tôi đều buồn vì điều đó. Nó rất nhớ nhà và khóc rất nhiều khi nói chuyện qua điện thoại.” – Elma kể lại. Đó là khi Ronaldo nhận được lời mời gia nhập đội trẻ Sporting vào năm 12 tuổi, nhưng gia đình anh không có tiền để trang trải chi phí đi lại bằng máy bay, và cậu bé hay khóc nhè ấy đã phải một mình vượt qua hơn 1000 cây số đường bộ, rồi tàu thủy, để đến Lisbon. Tại đó, cậu thiếu niên Ronaldo trải qua một quãng thời gian rất cô đơn, khi chất giọng “nhà quê” đặc sệt của đảo Madeira của cậu bị chúng bạn chế giễu.
Bóng đá với Ronaldo giống như một cuộc chiến
Với một tâm hồn còn non nớt, đó là sự tổn thương không hề dễ vượt qua. Từ Andorinha, đội bóng đầu đời của Ronaldo, đến Lisbon, một con đường đầy chông gai mở ra trước mắt cậu thiếu niên. Tại quê nhà, Ronaldo luôn được coi là một cậu bé ưu tú: “Thằng bé là lá cờ đầu của chúng tôi. Nó luôn biết cách vượt qua mọi thứ” – Lời Rui Santos, cựu Chủ tịch của Andorinha. Nhưng Lisbon là một thế giới khác, khi Ronaldo còn phải vượt qua những kỳ thị về xuất thân nghèo khó và “nhà quê” của anh.
Rất may là ý chí chiến đấu luôn là một điểm mạnh của Ronaldo. Pedro, HLV của Nacional Funchal, nơi Ronaldo chơi bóng trước khi anh chuyển đến Sporing, nhận xét: “Cristiano là một thủ lĩnh ngay khi còn nhỏ và luôn là người tốt nhất, trên sân bóng và cả trường học. Ý chí chiến thắng của cậu ta thật bất thường. Thằng bé luôn cố gắng hết sức, giận dữ khi không nhận được bóng, và sau mỗi trận thua, nó khóc và không ai có thể an ủi được thằng bé”.
Từ những giọt nước mắt dằn dỗi năm xưa ấy, một trong những cái tên kiệt xuất bậc nhất của bóng đá thế giới thời điểm này đã được sản sinh. Nước mắt của nỗi nhớ nhà từ một cậu bé đã từng chỉ được về nhà, cách đó cả ngàn cây số, 2 lần mỗi năm. Nước mắt của tủi nhục vì những kỳ thị in đậm vào một tâm hồn khi còn chưa thực sự trưởng thành và tự biết bảo vệ mình. Nước mắt của sự bất lực và tiếc nuối, dù là một trận bóng “làng” hay thất bại ở một trận chung kết, như tại EURO 2004. Nhưng đã đến lúc phải cất hết những khoảnh khắc yếu mềm ấy và không để quá khứ ám ảnh quá nhiều, Ronaldo. Bởi tương lai được xây đắp bằng nụ cười và sự lạc quan.
Ronaldo & Nỗi ám ảnh 2004 Lối chơi hiện tại mà HLV Paulo Bento áp dụng cho tuyển Bồ rõ ràng là phục vụ Ronaldo: Anh được chơi tự do hơn, có nhiều bóng và cơ hội hơn. Tấm băng đội trưởng cũng đã được đeo lên vai áo anh, một biểu hiện cho thấy rằng cả đội đã tin tưởng trao luôn vai trò thủ lĩnh tinh thần cho anh. Nhưng Ronaldo vẫn chưa thể đáp ứng được những kỳ vọng ấy: Anh vẫn chỉ là một cậu bé hay dỗi hờn trên sân bóng và không thể xóa đi những ấn tượng về những giọt nước mắt mềm yếu sau thất bại trước Hy Lạp ở chung kết EURO 2004, một trận đấu mà Ronaldo đã bỏ lỡ một cơ hội mười mươi khi đối mặt với thủ môn Nikopolidis. 4 năm sau, lại thêm một màn trình diễn nhạt nhòa khác ở EURO 2008. Anh vẫn chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu qua những phát ngôn có phần gắng gượng (đại loại như “tôi đã trải qua một mùa bóng tuyệt vời và bây giờ đang ở một vị trí rất thuận lợi để trở thành người hay nhất thế giới” - theo Bild). Tại vòng loại, Ronaldo chơi không tệ và là chân sút số một của tuyển Bồ, nhưng ở trận thua Thổ Nhĩ Kỳ 1-3 ngay trên sân nhà trong lượt giao hữu cuối cùng trước khi EURO diễn ra, Ronaldo đã đá hỏng một quả penalty và thậm chí còn bị chính các CĐV BĐN la ó. Bây giờ, anh liệu có thể vượt qua quá nhiều nỗi ám ảnh như thế? |
Phạm An (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất