09/01/2023 16:15 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Mô hình tính cách Big Five này nói rằng tính cách có 5 yếu tố cốt lõi: Cởi mở, Tận tâm, Hướng ngoại, Dễ chịu và Bất ổn cảm xúc.
Tính cách của một cá nhân đề cập đến các kiểu hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của họ. Để có thể nắm bắt được một phần tính cách của con người, các nhà nghiên cứu đã phát triển các mô hình để đo lường những biểu hiện phổ biến nhất của con người. Nhiều nhà tâm lý học cho rằng bài trắc nghiệm Big Five là có uy tín nhất.
Mô hình tính cách Big Five được phát triển lần đầu tiên vào năm 1949 bởi nhà tâm lý học nhân cách DW Fiske. Sau đó, các nhà nghiên cứu khác như Warren T. Norman, Robert McCrae & Paul Costa, Gene M. Smith và Lewis R. Goldberg đã phát triển thêm các lý thuyết và nghiên cứu của Fiske.
Trong mô hình Big Five, có 5 đặc điểm tính cách lớn là Cởi mở, Tận tâm, Hướng ngoại, Dễ chịu và Bất ổn cảm xúc. Năm đặc điểm cơ bản này giúp các nhà nghiên cứu cố gắng tóm gọn tính cách con người trên quy mô so sánh.
Tính cách được định nghĩa là những kiểu hành vi, cảm xúc và suy nghĩ thông thường của một người nào đó. Mặc dù những kiểu thông thường này rất phức tạp, nhưng có một số đặc điểm chung có thể giúp chúng ta hiểu biết được về một người nào đó.
Theo mô hình Big Five, tất cả các tính cách của con người đều bao gồm 5 yếu tố này. Mặc dù không phải không có những lời chỉ trích, nhưng hàng thập kỷ nghiên cứu đã xác nhận lý thuyết này.
Dưới đây là bảng phân tích từng đặc điểm tính cách trong Big Five.
1. Sự cởi mở (Openness)
Cởi mở là yếu tố thể hiện sự tò mò, trí tuệ, trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo và những hiểu biết có giá trị. Đặc điểm này bao gồm suy nghĩ sáng tạo và sẵn sàng học hỏi những điều mới.
Những người đạt điểm cao trong bài trắc nghiệm về tính cởi mở có xu hướng thích thử những điều mới mẻ, thử thách bản thân với những ý tưởng phức tạp và có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau. Những người đạt điểm thấp hơn về tính cởi mở có thể là những người không thích sự thay đổi, không thích những điều mới và không thích các khái niệm trừu tượng.
2. Tận tâm (Conscientiousness)
Tận tâm biểu thị tính tổ chức, năng suất, trách nhiệm và kiểm soát xung động. Những người có chỉ số tận tâm cao là người có những hành vi hướng tới mục tiêu. Sự tận tâm đo lường các kỹ năng tổ chức của cá nhân, ví dụ như mức độ cẩn thận, sự cân nhắc và kỷ luật, tính tự giác.
Những người đạt điểm cao về sự tận tâm có thể dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho mọi việc, họ chú ý đến từng chi tiết và bám sát một lịch trình cụ thể. Tuy nhiên, những người có điểm số thấp về sự tận tâm có thể là người không thích quy tắc, luật lệ và lịch trình, họ có xu hướng trì hoãn với các nhiệm vụ quan trọng.
3. Hướng ngoại (Extroversion)
Hướng ngoại là yếu tố xem xét mức độ hòa đồng và hướng ngoại của một người, cũng như nơi họ cảm thấy tràn đầy năng lượng nhất.
Với người có điểm số cao cho thấy đây là người tràn đầy năng lượng khi được giao tiếp với người khác và phấn khích khi trở thành trung tâm của sự chú ý. Với những người có điểm số thấp thì thường là người dè dặt và thích ở một mình. Người hướng nội không hẳn là không thích các cuộc tụ họp xã hội, tuy nhiên họ có thể dễ cảm thấy mệt mỏi và cần có thời gian ở một mình để nạp lại năng lượng.
4. Dễ chịu (Agreeableness)
Sự dễ chịu được liên kết với các đặc điểm như lòng tốt, tình cảm và sự tin tưởng.
Những người có điểm số cao là những người mạnh mẽ, thích giúp đỡ và đóng góp cho hạnh phúc của người khác. Họ cảm thấy dễ dàng đồng cảm và quan tâm đến những người xung quanh. Họ cũng thích giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ngược lại, những người có điểm số thấp thường là người ít quan tâm đến người khác và đề cao chủ nghĩa cá nhân.
5. Bất ổn cảm xúc (Neuroticism)
Đây là yếu tố liên quan đến cảm xúc và những nỗi buồn.
Những người có điểm số cao thường là người hay lo lắng, dễ cáu kỉnh, có khả năng bộc phát cơn giận dữ và có những thay đổi đáng kể trong tâm trạng. Với những người có điểm số thấp, đây là người bình tĩnh, ổn định và hiếm khi thấy buồn bã hay chán nản.
Mô hình Big Five giúp mọi người có thể nhận ra rằng họ thể hiện một số những đặc điểm này tại một số thời điểm nhất định trong cuộc sống. Những đặc điểm này rất quan trọng vì chúng hữu ích trong việc hiểu các tương tác xã hội của chúng ta với người khác. Chúng cũng hữu ích trong việc nâng cao nhận thức về bản thân và cách các đặc điểm tính cách của chúng ta có thể tác động đến cách người khác nhìn nhận chúng ta ra sao.
Mô hình Big Five đã phát triển theo thời gian, nghiên cứu và công nghệ, ngày nay nó thường xuyên được áp dụng trong các bối cảnh xã hội, học thuật và nghề nghiệp. Big Five cũng là nền tảng cho các bài kiểm tra tính cách khác đã trở nên phổ biến trong hẹn hò, gia đình và công việc.
1. Nhận biết bản thân tốt hơn
Nhận thức về bản thân là điều rất quan trọng đối với ý thức về bản thân và mối quan hệ của chúng ta với người khác. Một người bình thường có thể sử dụng các yếu tố này để hiểu rõ hơn về bản thân và nhận ra những đặc điểm này tác động như thế nào lên cuộc sống hàng ngày của họ.
2. Tận dụng thế mạnh
Sử dụng những hiểu biết về bản thân có thể tạo dựng các mối quan hệ và cơ hội xung quanh điểm mạnh của mình. Ví dụ, những người có điểm số cởi mở thấp có thể nhắm mục tiêu vào các công việc nơi họ có thể trở thành chuyên gia hơn là những công việc đòi hỏi họ luôn phải nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Theo cách này, điểm mạnh và khuynh hướng tính cách của người đó sẽ có thể tạo ra được thành công. Sử dụng những gì bạn biết về bản thân để giúp bạn đạt được mục tiêu trong công việc và các mối quan hệ cá nhân.
3. Giúp người khác hiểu bạn hơn
Khi bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình, việc giải thích ranh giới và phản ứng của bạn với đồng nghiệp, bạn cùng phòng hay người yêu/bạn đời sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chia sẻ những điểm yếu và xu hướng tính cách cũng sẽ giúp những người bạn dành nhiều thời gian nhất hiểu rõ hơn về con người bạn và vượt qua mọi hiểu nhầm.
Mô hình tính cách Big Five được biết đến rất rộng rãi, tuy nhiên, các bài kiểm tra tự đánh giá luôn có thể sai lệch đôi chút. Điều quan trọng là bạn không nên coi kết quả của bất kỳ loại bài kiểm tra tính cách nào như bất cứ loại chẩn đoán nào. Những bài kiểm tra này chỉ đơn giản là giúp bạn tìm hiểu về bản thân và xác định những lĩnh vực có thể phát triển cá nhân.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất