13/11/2023 15:31 GMT+7 | Đời sống
Bến Tre tiên phong ứng dụng loại hình du lịch sinh thái vào quá trình phát triển kinh tế, đưa con người gần gũi với thiên nhiên.
Vài năm gần đây, Bến Tre đã nỗ lực khai thác mạnh mẽ hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Trước tình hình diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp, đô thị hóa nông thôn, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, du lịch sinh thái nông nghiệp là một hướng đi.
Đây là một trong 13 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre được thiên nhiên ưu ái với đường bờ biển dài 65km, hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông. Nhờ đó mà nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ với đa dạng ngành nghề khác nhau như sản xuất cây giống, hoa kiểng, đánh bắt cá, nuôi trồng, chế biến thủy sản…
Bằng những lợi thế và tiềm năng có sẵn, Bến Tre đã tiến hành phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh, cải thiện đời sống người dân.
Hiện toàn tỉnh có 57 làng nghề, bao gồm 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định công nhận. Quá trình sản xuất chủ yếu là dựa vào phương pháp thủ công. Do đó, khi đến với Bến Tre, du khách sẽ có cơ hội trực tiếp trải nghiệm vào các công đoạn tạo ra sản phẩm như làm cây giống, hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, chế biến cá khô, rượu Phú Lễ, kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng…
Tại đây, khách du lịch còn được tham quan các vườn dừa, vườn cây ăn trái, trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng nông thôn tại nhà người dân, thưởng thức những món ăn chế biến từ dừa như kẹo dừa, dừa sấy, nước cốt dừa, nước màu dừa… Đặc biệt, bưởi da xanh, dừa uống nước xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn của Bến Tre đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của tỉnh tiếp cận du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bến Tre còn sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với diện tích đất có rừng khoảng 4.224 ha, tập trung ở các xã thuộc 3 huyện là Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Bên cạnh vai trò hết sức quan trọng trong việc chống xói lở, chắn sóng, chắn gió, rừng ngập mặt còn mang đến nhiều tiềm năng để tỉnh khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên.
Đây là tiền đề mở ra hướng phát triển cho các hoạt động giải trí như bắt nghêu, mò sò huyết, câu cua, chèo xuồng đối với khách du lịch; góp phần nâng cao hoạt động sản xuất người dân vùng ven biển.
Để hiệu quả mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực hỗ trợ người dân trong việc ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như cầu, đường, giao thông, viễn thông, điện, nước đến các vùng, địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Tại Bến Tre, du lịch sinh thái nông nghiệp đã tạo ra được nhiều việc làm mới, gia tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình này sẽ giúp tỉnh có được những bước tiến mới trong quá trình quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất