01/03/2014 07:33 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Điện thoại của bạn sẽ bị tịch thu. Bạn sẽ phải lấy dấu vân tay. Bạn sẽ vào tù. Nhưng đừng lo, tất cả những việc này chỉ để giúp bạn có thể thưởng thức những món ăn ngon lành, tại các nhà hàng nằm trong những nhà tù thực sự ở Nam London.
Tuần này tổ chức từ thiện Clink Charity đã khai trương nhà hàng thứ 3 của họ trong nhà tù Brixton, nằm tại thủ đô London của Anh.
Khi tù nhân đóng vai bếp trưởng
Đây là nhà hàng thứ 3 ra đời dưới một dự án do Clink Charity khởi xướng, với 2 nhà hàng trước đó nằm tại các nhà tù Cardiff ở Xứ Wales và High Down ở Surrey. Nhắm tới các thực khách cao cấp, các nhà hàng này mở cửa đón công chúng từ ngày thứ 2 tới thứ 6. Họ được phép vào đây để ăn sáng và ăn trưa, không có ăn tối. Họ sẽ dùng bữa tại nhà hàng, trong khuôn khổ một chương trình đào tạo hướng nghiệp nhằm giúp tù nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống đời thường.
"The Clink nằm tại Brixton không chỉ là một nhà hàng mới khai trương" - Chris Moore, giám đốc điều hành Clink Charity nói - "Chúng tôi đang mang tới một giải pháp đáng kinh ngạc cho tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề trong ngành công nghiệp, đồng thời giúp xử lý vấn đề tái phạm tội".
Theo Moore, đồ ăn ở Brixton được nấu nướng và phục vụ bởi các tù nhân thực sự. Những người này đang thụ án và chỉ còn 6 -18 tháng nữa là ra tù. Tù nhân được điều tới đây sẽ làm việc toàn thời gian, tức khoảng 40 giờ mỗi tuần. Họ học tập và sẽ được cấp Chứng chỉ đạt chuẩn hướng nghiệp quốc gia (NVQ) về chuẩn bị đồ ăn, phục vụ đồ ăn và dọn dẹp công nghiệp. Hết giờ làm việc, họ sẽ về phòng giam vào buổi tối.
Nhà hàng sẽ phục vụ một thực đơn khá gọn nhẹ, nhưng vẫn gồm nhiều loại đồ ăn cao cấp của châu Âu. Thực đơn sẽ được thay đổi sau mỗi quý, hoặc theo các sự kiện đặc biệt. Các món ăn thuộc hàng đặc sản gồm cua bỏ lò, bánh crepe cá thu hun khói, sườn heo ướp lá thơm nấu với nấm dại và mỳ lasagna nấu với atisô.
Có thể cạnh tranh với mọi nhà hàng cao cấp
CNN đánh giá lịch sử nghề nghiệp của các đầu bếp và những người phục vụ nhà hàng chưa phải là yếu tố đặt biệt duy nhất. Thực khách muốn ăn tại The Clink phải đặt chỗ trước 48 giờ, khoảng thời gian chờ cần thiết để được Bộ Nội vụ Anh phê chuẩn danh sách thực khách.
Khách phải ở tuổi từ 18 trở lên. Họ phải mang theo hộ chiếu hoặc các giấy tờ nhận dạng để được vào nhà hàng. Họ cũng phải để lại các loại điện thoại, máy ảnh, túi lớn, máy tính xách tay và các vật dụng sắc nhọn.
Dao dĩa dùng bữa được làm từ nhựa và rượu chỉ được phục vụ với một lượng nhỏ, chỉ trong các dịp đặc biệt. Khách thậm chí còn không được mang vào quá 80 USD tiền mặt. Toàn bộ chi phí cho bữa ăn phải được thanh toán bằng ngân phiếu hoặc các dạng thanh toán không dùng tiền mặt khác.
Ngoài ra thực khách còn bị lấy dấu vân tay, bị chụp ảnh nhận dạng và có khả năng sẽ bị "kiểm tra bình thường". "Quy trình về cơ bản sẽ giống như những gì diễn ra ở một sân bay vậy" - quy định an ninh tại nhà hàng ghi rõ.
Tuy nhiên những quy định ngặt nghèo đó không làm người ta bớt tò mò hoặc tránh xa nhà hàng. Thống kê của Clink Charity cho thấy khoảng 18.000 người đã tới ăn tại hai nhà hàng The Clink ở Cardiff và High Down trong năm ngoái. Họ bỏ ra trung bình 35 USD mỗi người cho một bữa trưa gồm 3 món và một ly cà phê.
Cá nhân Moore đánh giá ngoài những điều phiền toái về an ninh, nhà hàng mới mở ở Brixton hoàn toàn có thể cạnh tranh với bất kỳ tiệm ăn cao cấp nào khác ở London.
Dạy nghề để dạy làm người
Được biết Clink Charity đã khởi nghiệp từ năm 2009, là “đứa con tinh thần” của Alberto Crisci, người trước đó làm bếp trưởng tại nhà hàng Mirabelle ở Mayfair, London. Ông giờ là giám đốc thương hiệu và đào tạo của dự án.
Nhà hàng mới khai trương tại Brixton thuộc nhóm 10 nhà hàng/cơ sở hướng nghiệp trong tù, sẽ được tổ chức khai trương ở Anh trong 3 năm tới. Cho tới nay, kế hoạch hướng nghiệp nhằm ngăn ngừa tái phạm tội do Clink khởi xướng đã hoạt động rất hiệu quả. Theo thống kê hồi năm 2011, chỉ có 12,5% các tù nhân tốt nghiệp chương trình của Clink tái phạm sau khi ra trường. Để so sánh, tỷ lệ tái phạm trung bình trên toàn quốc ở Anh là 47%.
Tuy nhiên thành công của chương trình không hề rẻ. Cá nhân Crisi đã tiến hành gây quỹ hơn 500.000 USD để đầu tư cho dự án. Cho tới nay ông vẫn chưa thể thu lời. "Mỗi nhà hàng Clink lỗ 250.000 USD mỗi năm do hoạt động huấn luyện đào tạo. Học viên cũng được tập sự từ 6-12 tháng sau khi ra tù" - Moore nói - "Chúng tôi vẫn hoạt động được nhờ nhận sự hỗ trợ tài chính từ các cá nhân hảo tâm, các nhà tù và chính quyền. Những sự trợ giúp này và tiền thu từ các thực khách đã giúp giảm mạnh khoản thâm hụt.
Nhà bình luận kiêm cựu tù nhân Erwin James của tờ Guardian đã ủng hộ hoạt động từ thiện của Click Charity. James đã được phóng thích hồi năm 2004 sau khi thụ án tù kéo dài 20 năm vì giết người. "Với tôi các nhà tù luôn không đủ sáng kiến tái hòa nhập. Trong khi đó tái hòa nhập xã hội có nghĩa sẽ ít người trở thành nạn nhân hơn do bị các cựu tù nhân tái phạm làm hại" - James nói với CNN - "Thật đáng hổ thẹn khi chính quyền phải dựa vào các tổ chức từ thiện như Clink Charity để cung cấp cho tù nhân các sáng kiến đó".
Tường Linh (theo CNN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất