Kết thúc Liên hoan Múa rối quốc tế: Rối Việt thắng lớn!

10/09/2010 13:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Liên hoan (LH) Múa rối quốc tế lần thứ 2 - 2010 tại Hà Nội đã bế mạc vào tối qua (9/9/ 2010) với thắng lợi lớn của các đoàn rối Việt Nam. Đó có phải là một điều thiếu… tế nhị, khi mà chúng ta cũng là chủ nhà của cuộc thi này?



Ông Vương Duy Biên
Về vấn đề trên, TT&VH có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Biên (Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức LH). Ông Biên cho biết:


- Nói thật, bản thân BTC chúng tôi cũng... giật mình khi nhìn vào kết quả của Hội đồng giám khảo trước lễ trao giải. Số điểm của chúng ta vượt trội so với các bạn quốc tế. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, vị giám khảo người Thổ Nhĩ Kỳ (đại diện cho các giám khảo quốc tế) khẳng định lại: Thực tế là như vậy, không thể phủ nhận đâu. Các tiết mục của rối Việt Nam rõ ràng nổi trội hơn nhiều so với phần còn lại.

Nói chung, các khán giả có thể yên tâm rằng kết quả trên được đưa ra chỉ đơn thuần từ chất lượng nghệ thuật của LH. 3/5 thành viên của Hội đồng giám khảo là các chuyên gia lớn của quốc tế về nghệ thuật rối, trong đó có ông Chua Soo Pong, Chủ tịch Hiệp hội Múa rối ASEAN. Chúng ta có là chủ nhà thì cũng được chấm điểm một cách “sòng phẳng” với các bạn thôi.

* Từ góc độ một đạo diễn múa rối, ông giải thích thế nào về sự vượt trội này?

- Lý do dễ hiểu thôi: chúng ta có nhiều ưu thế hơn các bạn quốc tế. Hầu hết các đoàn quốc tế tham dự LH này là các đơn vị tư nhân. Họ có những khó khăn khi đầu tư cho quy mô, chất lượng của tiết mục biểu diễn. Ngược lại, các đoàn rối Việt Nam tham dự đều là đoàn của Nhà nước. Chúng ta có điều kiện đầu tư cho vở diễn tốt hơn, không chỉ từ quy mô sân khấu, kỹ thuật tạo hình và biểu diễn quân rối... mà còn ở những vấn đề khác như âm nhạc, vũ đạo, ánh sáng, mỹ thuật...

Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa là phủ nhận việc các nghệ sĩ múa rối VN đã rất khổ công tập luyện để có dịp khẳng định mình tại LH. Thực tế là chúng ta đã sẵn có truyền thống lâu đời về môn nghệ thuật này rồi. Và những năm gần đây, người trong nghề vẫn thường chú tâm để sáng tạo, cách tân sao cho múa rối Việt Nam không nhàm chán, đơn điệu.

* Vậy nhìn vào LH, ông thấy những tiết mục rối của VN có nét thay đổi gì về phong cách?  

- Tôi nghĩ, đó là việc kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố hiện đại trong biểu diễn.

Chẳng hạn, chương trình độc diễn rối dây của Nhà hát Múa rối Thăng Long tại LH có nhiều tiết mục độc đáo như Tiếng trống Ba-ra-nưng, Trống cơm, hay thậm chí rối về... Michael Jackson. Rất hấp dẫn và táo bạo đấy chứ - khi mà nhiều năm nay, một số đoàn rối chuyên nghiệp vẫn chỉ quanh quẩn với 16, 17 trò diễn mà cha ông để lại.

Hoặc, có thể kể tới sự gặp gỡ giữa nghệ thuật rối nước truyền thống Việt Nam và văn hóa Đan Mạch trong Truyện cổ Andersen của Nhà hát Múa rối Việt Nam. Xưa nay, các trò rối nước truyền thống thường đơn lẻ và ít chuyển tải được những câu chuyện có nhiều tình tiết. Lần này, Truyện cổ Andersen không những chuyển tải tốt được nội dung câu chuyện của Andersen mà còn thể hiện rất khéo tình cảm, tính cách của từng nhân vật trong cách tạo hình và điều khiển con rối.


Truyện cổ Andersen của Nhà hát Múa rối Việt Nam
* Nhưng, có thể thấy nhiều chương trình quốc tế tại LH đề cao vai trò độc diễn kỹ thuật của nghệ sĩ. Trong khi đó, ở Việt Nam lại có quá ít điều này...

- Quả thật, đây chính là điểm yếu lớn của ngành rối Việt Nam. Nhìn vào chương trình biểu diễn của các đoàn Trung Quốc, Israel, Indonesia, Myanmar... ta thấy rõ họ thường chỉ có từ 1 đến 3 diễn viên, bố trí cảnh trí gọn gàng đơn giản khi biểu diễn. Vậy nhưng rõ ràng những tiết mục ấy rất lôi cuốn, hấp dẫn và “khoe” được các ngón nghề kỹ thuật điêu luyện của người diễn viên. Phải thật sự tài năng thì người nghệ sĩ mới có thể độc diễn suốt một chương trình như vậy.

Về phần VN, tham gia LH này chỉ có duy nhất các tiết mục độc diễn của nữ nghệ sĩ Thủy Tiên. Có lẽ, xem các bạn diễn, chúng ta cũng nên học kinh nghiệm về sự tìm tòi sáng tạo cá nhân trong nghệ thuật rối. Không thể chỉ trông vào tập thể, đạo diễn hay người chỉ đạo nghệ thuật khi làm nghề được...

* Thật ra, ông có nghĩ rằng trong một đoàn rối của Nhà nước, việc một cá nhân có những chương trình độc diễn sẽ bị cho là “chơi trội” không?

- Có đấy, rất dễ xảy ra suy nghĩ kiểu này. Nhưng, theo tôi, lãnh đạo các nhà hát cần tìm cách khuyến khích những chương trình độc diễn mang dấu ấn cá nhân như vậy. Trước tiên, hãy làm sao để mỗi nhà hát có khoảng 5, 7 nghệ sĩ đủ khả năng độc diễn. Muốn vậy, việc thay đổi cách nghĩ, chú trọng đầu tư cả về những tiết mục nhỏ, ít người.

Nói thật, cái hay của một tác phẩm rối không phụ thuộc vào việc huy động đông hay ít người, cũng như không phải cứ đổ thật nhiều tiền vào là tiết mục sẽ hay.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Việt Nam đoạt 16/28 giải Vàng, Bạc

* Ở Giải dành cho vở diễn: 4 giải Vàng được trao cho các vở Chuyện cổ Andersen (Nhà hát múa rối VN), Chương trình múa rối nước (Nhà hát múa rối Thăng Long), Đường phố ở Singapore (Đoàn rối Singapore), Câu chuyện của Bhishma (Đoàn rối Indonesia).

6 giải Bạc được trao cho các vở: Vịt con xấu xí, Trăng trẻ thơ, Hồn khí Thăng Long (đều của Nhà hát múa rối VN), Ngày hội buôn làng (Đoàn rối Đắk Lắk), Câu chuyện của Limthong (Đoàn rối Campuchia) và Suwannahoisang (Đoàn rối Thái Lan).

* Ở giải thưởng cá nhân: Các đoàn Việt Nam giành 4/11 giải Vàng cá nhân và 6/7 giải Bạc cá nhân.

Như vậy, trên tổng số 28 giải Vàng, Bạc cho cá nhân và vở diễn xuất sắc, các đoàn Việt Nam đã giành được tổng cộng 16 giải.

Liên hoan còn trao các giải Đạo diễn xuất sắc cho NSƯT Vương Duy Biên và Quỳnh Giao (Nhà hát múa rối VN), Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn rối Đắk Lắk) và đạo diễn Hoàng Tuấn (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Ngoài ra, còn một số giải thưởng phụ..


Nguyễn Thi (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm