Bất ngờ khi 'Cụ Rùa' xuất hiện tại đêm mở màn Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016

13/10/2016 13:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 12/10, Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 đã chính thức mở màn tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Những tác phẩm tiêu biểu, ấn tượng nhất của bạn bè thế giới và Việt Nam đã được "trưng trổ" ngay trong đêm nhạc đầu tiên.

Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2016 lần thứ 2 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Chương trình diễn ra đồng thời với Hội nghị - Festival Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương (ACL) lần thứ 34. 

Đây là một cơ hội lớn dành cho các nhà soạn nhạc Việt Nam không chỉ có dịp được giao lưu, giới thiệu văn hóa đất nước qua âm nhạc mà còn có cơ hội nâng tầm chuyên môn, bắt kịp với xu thế, bút pháp sáng tác đang thịnh hành trong thể loại khí nhạc trên thế giới.

Đến với buổi khai mạc, công chúng đã được thưởng thức 11 tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ các nước, gồm: Giao hưởng Phù điêu khắc đồng (Rashid Kalimullin, Nga), Hồi ức (Marc Battier, Pháp), 7 ý nghĩ (Shai Cohen, Israel), Bài ca về kỷ nguyên mới (Mak Yui-kan Raphael, Hong Kong), Vistara (Jun HyunSuk, Hàn Quốc), Incident Tableaux (Chris Gendall (New Zealand), Khí trời (Isao Matsushita, Nhật Bản), Những cái bóng (Richard Tsang, Hong Kong - Trung Quốc), Cụ Rùa (Robert Casteels, Singapore), Trích đoạn vở Opera Lá đỏ (Đỗ Hồng Quân, Việt Nam), Thăng Long ngàn năm hội ngộ (Nguyễn Thiếu Hoa, Việt Nam).

Tại buổi khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch các Hội Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định thông điệp tại liên hoan: “Nhà thơ Nguyễn Trãi đã từng viết, thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. 

Vì vậy, Festival âm nhạc Á - Âu là dịp để chúng ta giao lưu, giới thiệu những thành tựu âm nhạc chuyên nghiệp và đỉnh cao. Một lĩnh vực đòi hỏi sự lao động nghệ thuật vất vả, miệt mài và không ngừng thu được những giá trị đổi mới".


NSƯT Bùi Lệ Chi thể hiện tác phẩm "Cụ Rùa"

Một trong những tác phẩm gây ấn tượng nhất trong chương trình hòa nhạc lễ khai mạc là tác phẩm Cụ Rùa do nhà soạn nhạc Singapore Robert Casteels sáng tác với niềm yêu mến Việt Nam và cây đàn bầu. 

Robert Casteels cho biết, tác phẩm Cụ Rùa lấy cảm hứng từ kỷ niệm nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông cảm nhận được lòng tốt của con người và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam. "Tôi bị lôi cuốn bởi âm sắc buồn rất riêng của cây đàn bầu, đặc biệt là âm giai từ những quãng ngắn của loại nhạc cụ này. Và tôi chọn thuyết Vua An Dương Vương và Vua Lê Thái Tổ là cơ sở chính của tác phẩm với sự tích trả gươm báu để lên ý tưởng sáng tác" - tác giả chia sẻ.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Trong khi đó, đại diện Việt Nam là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giới thiệu trích đoạn trong vở nhạc kịch Lá đỏ. Vở kịch thể hiện câu chuyện tình yêu lãng mạn trong chiến tranh và sự hy sinh bi tráng của những con người trẻ tuổi vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước gồm 4 trích đoạn. Đây là tác phẩm đã được công diễn tại Hà Nội vào tháng 5/2016 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honda Tetsuji và tháng 9/2016 với sự chỉ huy của tác giả - nhạc trưởng Đỗ Hồng Quân.


NSƯT Bùi Công Duy

Sau đêm khai mạc này, từ ngày 13-18/10, “Festival Âm nhạc mới Á - Âu” sẽ tiếp tục có gần 100 tác phẩm sẽ được biểu diễn trong 11 buổi hòa nhạc chính với các thể loại từ giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch, hợp xướng đến ca khúc nhạc đại chúng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chương trình mở cửa miễn phí cho khán giả.

Bên cạnh đó, liên hoan còn có 2 buổi hội thảo với chủ đề: Cây đàn bầu Việt NamGiao lưu âm nhạc mới Á - Âu.

Cùng nghe tác phẩm Cụ Rùa:


Yến Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm