"Kẻ thù" của Barca không chỉ là Madrid

29/10/2011 17:00 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Cuối tuần) - Giống như những khoảng lặng đầy hiểm họa trước cơn bão trong quá khứ, cuộc xung đột giữa chủ tịch Sandro Rosell và người tiền nhiệm Joan Laporta đang đe dọa vương triều thể thao của FC Barcelona.

Trong những năm qua, vương triều ấy đã tồn tại trên đỉnh cao thế giới một cách vững vàng và liên tục, bất chấp việc đội bóng luôn thay chủ và sống trong giông bão. Rõ ràng lúc này Barca đang là đội bóng hay nhất, có cầu thủ số một thế giới Lionel Messi, một đội hình có chiều sâu cùng một tuyến trẻ đầy triển vọng, thêm một HLV tụ hội những giá trị hàng trăm năm của “gã khổng lồ xứ Catalunya”. Không ai hiểu Barca và Messi hơn Pep Guardiola và khó có thể tìm được một lò  đào tạo như La Masia, được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của Barca.

Thương hiệu của Barca nổi bật trên thị trường quốc tế và một cuộc điều tra mới đây, do tờ AS được ủy nhiệm tiến hành, khẳng định rằng bóng đá Tây Ban Nha hiện nay nhuốm màu đỏ-xanh hơn là màu trắng, hai màu áo của hai đội bóng kình địch Barca và Real Madrid. Tuy nhiên, kẻ thù lớn nhất của FC Barcelona không chỉ là Madrid mà còn là chính Barca, vì khả năng tự hủy hoại mình, như lịch sử đã từng chứng minh như vậy.


Cựu chủ tịch Laporta từng lừa dối nhiều tín đồ của Barcelona - Ảnh Getty

Kể cả chuỗi danh hiệu mà Guardiola giành được (12 trên 15 danh hiệu tối đa Barca có thể giành được dưới triều đại của HLV này) và kể cả sự thừa nhận quốc tế cũng không làm cho Barca tránh khỏi nguy cơ rạn vỡ do những bất đồng truyền thống trong giới lãnh đạo đội bóng cũng như sự quản lý kém cỏi các tài sản của CLB. Điều này đã từng xảy ra với Samitier và Figo, cả hai sau này cùng chuyển sang Madrid, cũng như những gì đã xảy ra với các kubalistas và Suaristas (những người ủng hộ Kubala và Suarez). Sự ra đi của Maradona và Ronaldo cũng không phải qua con đường chính thống và người ta biết rằng sự suy yếu của dream team bắt nguồn từ vụ kiện cáo giữa Nunez và Cruyff.  Không có gì lạ khi Chủ tịch Florentino sau đó thân thiết với Nunez.

Các cuộc bầu cử luôn tác động lớn đến thể chế của Barca. Rosell và Laporta, hai thành viên trong ban lãnh đạo năm 2003, hôm nay lại là hai kẻ thù không đội trời chung. Một nhà phân tích lão thành của đội bóng áo đỏ-xanh từng tham gia các cuộc bầu cử nói trên đã nhận xét về tình hình và cuộc xung đột hiện nay của Barca như sau: “Sự ngu ngốc của những kẻ cầm quyền gần đây là phản ứng tự nhiên trước sự thô lỗ của những kẻ tiền nhiệm. Có hàng trăm nhân vật ở Barca, từ các cựu lãnh đạo đến các cựu cầu thủ và các phóng viên, luôn đối đầu với nhau qua nhiều thế hệ và điều duy nhất mà họ quan tâm là khai thác các phương tiện để đạt được mục đích của mình. Người chịu trách nhiệm để Rosell lên làm Chủ tịch hiện nay chính là Laporta”.

Sự kình địch giữa Rosell và Laporta đã vượt tầm khống chế của CLB, bởi vì các hội nghị toàn thể ngày càng bị các ban lãnh đạo thao túng, mất dần tính đại diện, và trở thành một vấn đề của tòa án và báo chí. Cuộc chiến tranh kiện tụng, vẫn còn nóng từ cuộc bầu cử năm 2010, đã xuất hiện trở lại, và vai trò chính lại rơi vào những kẻ vô danh như Vicenc Pla, người đâm đơn kiện ban lãnh đạo cũ của Laporta, hay nhà môi giới Bayram Tutumlu, người đưa Laporta ra tòa vì văn phòng của cựu Chủ tịch đã nhận 10 triệu euro từ một nhà kinh doanh Uzbekistan, do cung cấp thông tin về ngành công nghiệp dệt và khí đốt.

Là một người hành động theo bản năng và có sức hút công chúng, Laporta giờ đây trở thành nạn nhân của một chiến lược mà ông đã từng sử dụng để lật đổ quyền lực của Elefant Blau. Các cuộc kiện tụng xuất hiện từ khi cựu Chủ tịch đưa ra một văn bản phê phán Nunez. Sự khác nhau chỉ ở chỗ Laporta hành động công khai, không bao giờ giấu mặt đằng sau một hội viên nào, khác hẳn với cách làm của Nunez và Rosell, quỷ quyệt hơn và thích chỉ đạo từ trong bóng tối, sử dụng những khuôn mặt ít ai biết đến. Sự rõ ràng và minh bạch của Laporta đã cứu ông thoát khỏi nhiều lời cáo buộc, cho đến trước khi người ta biết rằng mối quan hệ của ông với Uzbekistan bắt nguồn từ các quyền lợi kinh tế.


Barcelona đang trải qua giai đoạn thịnh vượng dưới vương triều Sandro Rosell - Ảnh Getty

Vị cựu chủ tịch này đã lừa dối nhiều barcelonistas (những “tín đồ” của Barca) và vài thành viên trong ban lãnh đạo của mình, những người tuyên bố họ chẳng biết gì về vụ Uzbekistan cả, và họ yêu cầu Laporta phải làm rõ chuyện này. Laporta đã thu được số tiền lớn hơn CLB (10 triệu euro so với ba triệu) trong một vụ làm ăn trái với Quy ước Đạo đức do Elefant Blau đề ra cũng như các giá trị mà Armand Caraben, người được coi là hình ảnh của chủ nghĩa Cruyff và chống Nunez, theo đuổi. Giống như Nunez, Laporta đã lợi dụng văn phòng và bộ máy Barca để trục lợi trước khi chuyển sang làm chính trị nghị viện.

Sự nghiệp của Laporta đi vào con đường sai lầm, khi đang đứng ở vị thế Chủ tịch ông đã đồng ý điều tra về bốn phó chủ tịch cũ và liên minh với Gulnara Karrimova, con gái của Tổng thống nước Uzbekistan, trong các vụ làm ăn, như thương vụ bất thành mua đội bóng Mallorca. Tuy nhiên, đừng ai nghĩ rằng Laporta sẽ chịu thua. Ông sẽ tranh đấu đến cùng với Rosell bởi vì ông cho rằng cách mình cầm quyền là công khai và trong sáng, không có cạm bẫy. Vấn đề ở đây chỉ mang tính đạo đức chứ không phải vi phạm pháp luật.

Vị thế Chủ tịch hiện nay của Rosell cho phép người ta không nói tới những thông tin về các vụ làm ăn của ông với Brazil và Qatar. Đến tờ The Economist cũng nói tới các quan hệ của Rosell với Ricardo Teixera, vị chủ tịch đầy tranh cãi của nền bóng đá Brazil. Người ta cũng chưa biết rõ ai là người mua doanh nghiệp mà ông có ở Qatar đồng thời cũng nói không ít về quan hệ của Rosell với Florentino Perez. Trong bối cảnh như vậy, sự ổn định của Rosell trên chiếc ghế quyền lực phụ thuộc vào khả năng cầm lái của ông. Vì thế, nhiều người gần gũi với cả Laporta và Rosell đều cho rằng đã đến lúc phải giảm căng thẳng để không làm hỏng hình ảnh thể chế của Barca.

HLV Pep Guardiola càng nhận thức rõ điều đó và vì thế ông đã lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết. Các CĐV của Barca lo ngại những xung đột trong lòng CLB sẽ làm Pep mỏi mệt. Pep đã từng nói: Rosell và Laport là hai mặt của một đồng tiền. Thách thức của vị chủ tịch hiện nay là làm sao để Guardiola thấy thoải mái trên băng ghế chỉ đạo, cũng như Guardiola phải làm như thế nào để Messi thỏa thích chơi bóng. Nút thắt của vấn đề nằm ở chỗ đó. Đến Laporta cũng đồng ý như vậy. Nhưng vấn đề lại nằm ở cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa các nhà lãnh đạo CLB.

Chẳng có gì mới trong lịch sử của Barca, nô lệ của sự thù hận dai dẳng và chất chồng.

Khang Chi (theo báo chí Tây Ban Nha)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm