27/05/2011 11:53 GMT+7 | Champions League
(TT&VH)- Người ta vẫn hay gọi La Masia là “lò” đào tạo bóng đá danh tiếng bậc nhất Tây Ban Nha và thế giới, nơi sản sinh ra không ít huyền thoại. Nhưng với những gì thể hiện trong hàng chục năm qua, La Masia không chỉ là một “lò” chỉ chăm chăm đào tạo bóng đá, mà nó là mái ấm gia đình thức sự, là gia đình thứ hai của những tài năng nhí sống ở đây.
Cuối tuần trước, khi Ivan de la Pena chính thức treo giày ở tuổi 35, khép lại sự nghiệp đầy vinh quang nhưng cũng không ít khoảng tối, nhiều ý kiến cho rằng người nghệ sĩ cuối cùng của La Masia đã rời bỏ bóng đá đỉnh cao. Điều đó liệu có đúng? De la Pena là một trong những tài năng nổi bật nhất của mà La Masia đào tạo ra trong vòng hai thập niên trở lại đây, điều đó đúng, nhưng kết luận anh là người nghệ sĩ cuối cùng của trung tâm danh tiếng này thì quá vội vàng.
Xavi có thể không sánh được với de la Pena về sự ngẫu hứng trong các pha bóng, nhưng ít nhất anh vẫn là sự kế thừa gần như hoàn hảo của “Tiểu phật”. Iniesta trưởng thành sau de la Pena gần một thập niên, nhưng nếu so sánh về mọi khía cạnh thì anh cũng không kém so với bậc đàn anh. Khi de la Pena bắt đầu đi xuống thì Lionel Messi nổi lên như một trong những ngôi sao xuất chúng nhất của bóng đá thế giới. Và tương lai chắc chắn sẽ còn những tài năng khác mà La Masia sản sinh ra.
Thế nên, khi sự nghiệp của Ivan de la Pena khép lại không có nghĩa La Masia không còn “đẻ” ra các nghệ sĩ sân cỏ khác. Những gương mặt trẻ mà Barca đưa lên đội hình một trong mùa giải này là câu trả lời rõ nhất cho tính kế thừa mà La Masia mang đến, giống như một dòng chảy bất tận. Đó là Andreu Fontas; là anh em nhà Alcantara, Thiago và Rafina; hay Montoya, Roberto…
Không phải “lò”, mà là gia đình
Trong quá trình đào tạo các tài năng bóng đá trẻ, La Masia - với trụ sở chính là một tòa lâu đài cổ được xây dựng đầu thế kỷ 18 (chính xác là năm 1702) - đã cho ra đời khoảng hơn 500 học viên. Một nửa trong số họ là người bản xứ (Catalunya), và phần còn lại đến từ những vùng khác ở Tây Ban Nha, cũng như rải rác khắp thế giới. Trong hơn 500 học viên thì khoảng 10% được Barca đưa vào đội hình chính. 10%, một con số tưởng như rất nhỏ nhưng là thành công mà không phải trung tâm nào cũng có thể vươn đến.
Một trong những yếu tố quan trọng mang đến thành công cho La Masia là xây dựng học viện thành một gia đình thực sự cho các tài năng nhí. Những cầu thủ nhí được chia theo cấp độ khác nhau, và mỗi đợt tuyển có khoảng 1.000 thí sinh tham dự. Mỗi năm, La Masia chi không dưới 5 triệu euro, chủ yếu là xây dựng một ký túc xá hạng sang, tạo môi trường tốt nhất cho các cầu thủ nhí, cũng như dạy văn hóa… Đấy là chưa kể Barca còn chi tiền và cử chuyên gia làm việc ở các CLB địa phương, nhằm làm giảm chi phí cho việc đào tạo.
Dù ở La Masia hay tập luyện ở các CLB địa phương, tất cả đều được hỗ trợ như nhau để cảm thấy mình đang sống trong một mái ấm thực sự, nhằm có cơ hội phát triển hết tố chất.
Trên thực tế, trước đây La Masia không mấy phát triển. Chỉ đến khi Johan Cruyff đề nghị với cố Chủ tịch Josep Nunez về việc áp dụng theo mô hình đào tạo của Ajax, trung tâm hàng đầu châu Âu cho đến trước khi luật Bosman ra đời, thì La Masia mới thay đổi. Nunez trở thành huyền thoại ở Camp Nou nhờ những cải cách của ông, bắt đầu từ năm 1979, nhưng Cruyff mới là người có công lớn nhất trong việc nâng tầm La Masia. Có lẽ, chính Cruyff cũng không ngờ rằng chỉ một thập niên sau ngày La Masia thay đổi, ông đã trở thành HLV của Barca và dẫn dắt lứa tài năng đầu tiên mà trung tâm cho ra đời. Nào là Josep Guardiola, Albert Ferrer, Guillermo Amor. Những tài năng trẻ ấy được kết hợp cùng các ngôi sao lừng danh thế giới, gồm Michael Laudrup, Koeman, Stoichkov, Zubizarreta… để biến Barca thành đội bóng hùng mạnh, với danh hiệu vô địch châu Âu đầu tiên, và chuỗi kỷ lục 4 chức vô địch Liga liên tiếp từ 1991-1994.
Tiếng nói của La Masia chỉ giảm xuống trong giai đoạn thoái trào của Barca, và chính sách “Hà Lan hóa” của van Gaal (ông bán de la Pena cho Lazio). Frank Rijkaard đã đánh dấu sự trở lại của La Masia, khi Xavi và Puyol càng trở nên hoàn thiện, rồi giới thiệu thêm những gương mặt Iniesta, Messi. Giờ đây, Pep - người con đích thực của La Masia, đã nâng gia đình này lên tầm cao mới. Nếu thắng M.U, trang sử mới của Barca sẽ được viết, và chiến công ấy sẽ càng tô đẹp thêm cho La Masia.
Ngọc Linh
Con số 10% Đã có hơn 500 người tốt nghiệp La Masia từ trước đến nay, và 10% trong số đó tìm được chỗ đứng ở Barca. 5.000.000 Mỗi năm, La Masia “ngốn” 5 triệu euro trong ngân sách của Barca. La Masia cũng là một trong những trung tâm đào tạo trẻ tốn nhiều chi phí nhất châu Âu. 1.000 Mỗi năm có hơn 1.000 trẻ dự cuộc tuyển sinh của La Masia. 200 người chiến thắng sẽ được nhận, và thời gian học cũng sẽ đào thải những ai không theo kịp. 15 Không tính TBN, Cameroon là quốc gia góp nhiều gương mặt nhất ở La Masia, với 15 người. Có 7 người đến từ Brazil, 5 từ Senegal và chỉ 3 người mang quốc tịch Argentina. 1 La Masia là lò đào tạo duy nhất cho đến nay có đến 3 gương mặt giành QBV, bạc và đồng trong một cuộc bầu chọn (Messi, Iniesta, Xavi năm 2010).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất