12/08/2019 19:13 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - Xô bồ, nhếch nhác, thiếu vệ sinh - đó là những suy nghĩ dễ được gọi tên khi nhìn vào hàng trăm ngôi chợ truyền thống đang tồn tại giữa một Hà Nội của thế kỷ 21. Nhưng gạt bỏ những định kiến ấy, không thể phủ nhận: chợ chính là một phần diện mạo và bản sắc của thành phố.
Và, cũng như nhiều nơi trên thế giới, một câu hỏi vẫn thường xuyên được đặt ra tại Hà Nội: các ngôi chợ truyền thống nên được ứng xử thế nào trước nguy cơ biến mất trong quá trình đô thị hóa?
Trăm “kẻ quê” đổ về Kẻ Chợ
Đáng nói, trong những cuộc tranh luận về chợ truyền thống, hầu như mọi ý kiến đều nhắc tới khái niệm “kẻ chợ” - danh xưng chưa bao giờ là chính thức, nhưng lại rất quen thuộc của Hà Nội.
Thực tế, mô hình chợ xuất hiện khá sớm, ngay từ khi kinh thành Thăng Long hình thành. Theo sử liệu cũ, từ năm 1035, vua Lý Thái Tông đã cho mở chợ Tây Nhai và chợ Đông (tại các khu vực chợ Ngọc Hà và phố Hàng Buồm hiện nay). Tuy nhiên, phải sang thời Lê sơ, khi nền kinh tế trong giai đoạn này bắt đầu đạt tới giai đoạn cực thịnh, tên gọi Kẻ Chợ được cho là mới bắt đầu xuất hiện.
Như cách hiểu phổ biến nhất, “kẻ" là từ chỉ nơi chốn của một cộng đồng người, có nét đặc thù riêng. Và từ việc gắn với những khu vực buôn bán của Thăng Long Hà Nội cũ, Kẻ Chợ (những người ở trong chợ) dần trở thành cái tên chung của toàn thành Thăng Long cũ. Để rồi, vào thế kỷ 16, trong những ghi chép về đời sống và sinh hoạt tại kinh thành Thăng Long, nhiều tài liệu của các khách buôn và giáo sĩ phương Tây đều nhắc tới cái tên này, với những biến âm như Cacho, Catchou, Cachao, Checio, Kacho, Kichou…
Thậm chí, trong một nghiên cứu, cố GS Trần Quốc Vượng khẳng định: Đến giai đoạn trước thế kỷ 16, chỉ có duy nhất Thăng Long gắn với cái tên Kẻ Chợ, trong khi những vùng đất khác đều là “kẻ quê”. Đơn giản, là đầu mối của hệ thống giao thông thủy phát triển cộng cùng hấp lực từ vùng đất kinh đô, Thăng Long là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa lớn nhất và cũng là nơi duy nhất có chợ buôn bán với thương lái nước ngoài, trong khi chợ tại các nơi khác rất nhỏ và chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ.
Và, cho dù xã hội nông nghiệp cũ có phần không thiện cảm với chuyện buôn bán (cũng như với các “con buôn”), các học giả nghiên cứu về Hà Nội đều khẳng định: Đặc trưng về giao thương đã biến vùng đất Hà Nội xưa thành nơi thu hút người dân tứ xứ đổ về sinh sống, làm ăn, lập phường sản xuất. Hội tụ tinh hoa về lối sống và văn hóa của mọi miền, lại có dịp giao lưu thương mại, nắm bắt thông tin với thương khách nước ngoài, Hà Nội dần là nơi chắt lọc hình thành những lớp dân cư có nếp sống phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần, mẫn cảm về chính trị và văn hóa…
Bốn lần thay đổi
Tất nhiên, trong hơn 10 thế kỷ tồn tại, chợ truyền thống cũng đã có những thay đổi gắn với mô hình xã hội của Hà Nội. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, loại hình này đã qua 4 giai đoạn chính.
Trước thời Pháp thuộc, chợ Hà Nội có thời kỳ phát triển mạnh nhất và tạo dựng được những bản sắc đặc trưng của mình. Ngoài vai trò trung tâm kinh tế của thành phố, chợ truyền thống cũng chính là không gian sinh hoạt quan trọng nhất dành cho cộng đồng, với những cái tên đã được ghi lại trong sử liệu như chợ Cửa Đông, chợ Bưởi, chợ Cửa Nam, chợ Đình Ngang. Dù vậy, chợ Hà Nội vẫn họp theo phiên, với hình thức tổ chức ít nhiều tự phát.
Thời Pháp thuộc, sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại đã dẫn tới nhiều thay đổi trong phương thức mua bán cũng như các loại hàng hóa tại chợ. Các chợ truyền thống chuyển từ hình thức họp theo phiên sang họp theo ngày, từ các lán lợp lá sang gian nhà có khung sắt, mái tôn với những gian hàng xếp ngăn nắp, bài bản.
Ngoài ra, các chợ Hà Nội cũng được tổ chức với quy mô lớn hơn - điển hình là Đồng Xuân, ngôi chợ được xây vào cuối thế kỷ 19. Do sự phát triển của hệ thống xe điện và đường nhựa, việc đổ hàng từ các tỉnh phụ cận có thể đổ hàng vào chợ cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Đến thời bao cấp, khi việc mua bán tự do trên thị trường bị hạn chế các chợ truyền thống tại Hà Nội ít phát triển và hoạt động khá nghèo nàn. Tuy nhiên, sang giai đoạn gần đây nhất, kể từ thời Đổi mới (1986), chợ truyền thống lại phát triển khá mạnh – khi hoạt động kinh doanh, buôn bán phát triển.
Dù vậy,với sự xuất hiện của hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, cũng như với cách sống của một thành phố đã hội nhập quốc tế, chợ truyền thống Hà Nội đang được đặt trước một lần thay đổi nữa.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì: “Thông thường, từ “kẻ chợ" là cách gọi nôm na, dân dã. Nhưng khi được nâng lên thành cái tên “Kẻ Chợ” (viết hoa), đó không chỉ là một cái tên về nơi buôn bán sầm uất mà còn chứa đựng những hàm lượng văn hóa đã tạo nên bản sắc của vùng đất này”. |
(Còn tiếp)
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất