11/11/2019 07:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tranh dân gian Đông Hồ là một di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Giữ gìn, tôn vinh, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách. Điều đó sẽ không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc, còn góp phần xây dựng một sản phẩm văn hóa trở thành thương hiệu, thành công cụ quảng bá, giới thiệu về văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tiềm năng lớn để phát triển du lịch
Với lịch sử phát triển gần 500, làng tranh Đông Hồ có những đặc trưng văn hóa làng nghề rất độc đáo, khác biệt với các làng trong vùng châu thổ Bắc Bộ, tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Cùng với những đặc điểm lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, cảnh quan thiên nhiên, Đông Hồ có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa làng nghề thủ công truyền thống. Nếu phát huy tốt lợi thế này, hoạt động kinh doanh du lịch của làng Đông Hồ chắc chắn sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Minh Đức, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi nghe tiếng làng tranh Đông Hồ từ lâu nên đã tham gia một tour du lịch 1 ngày tham quan làng Đông Hồ, kết hợp với tham quan di tích chùa Dâu và chùa Bút Tháp. Khi đến đây, tôi thấy hướng dẫn viên chưa giới thiệu được đầy đủ về văn hóa làng nghề, nghề làm tranh cũng như ý nghĩa của các đề tài tranh dân gian nơi đây. Tôi chủ yếu đi ngắm các sản phẩm về tranh , cũng chưa có cơ hội trải nghiệm đầy đủ về văn hóa nghề làm tranh dân gian…
Theo đánh giá của khách du lịch cũng như một số công ty du lịch, hiện nay, sự phát triển du lịch của làng Đông Hồ chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của làng. Các tour du lịch tham quan Đông Hồ còn có nhiều điểm hạn chế như đội ngũ hướng dẫn viên chưa đủ trình độ am hiểu để có thể giới thiệu cho khách đầy đủ về văn hóa làng nghề. Không gian tham quan hoạt động sản xuất tranh trong làng bị hạn chế. Các điểm tham quan du lịch bị giới hạn, bởi làng Đông Hồ cũng chỉ còn 3 hộ gia đình còn sản xuất tranh… Vì thế, du khách đến tham quan thu hoạch được rất ít thông tin về văn hóa làng nghề Đông Hồ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch gắn với tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa của Đông Hồ và vùng phụ cận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang thiếu các sản phẩm du lịch trọn gói. Các sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch còn chưa đa dạng, hấp dẫn. Khách du lịch đến Đông Hồ hiện nay chủ yếu là "cưỡi ngựa xem hoa", ít có cơ hội trải nghiệm đầy đủ về văn hóa nghề làm tranh dân gian. Các không gian trưng bày, trình diễn nghề quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp chưa đủ điều kiện xây dựng thành bảo tàng nghề thủ công truyền thống Đông Hồ. Các di tích, cơ sở sản xuất hộ gia đình trong làng chưa có sự gắn kết với hoạt động du lịch làng nghề.
Thời gian gần đây, tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện dự án nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch cộng đồng về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ; đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận để đa dạng hóa lịch trình điểm đến. Tỉnh cũng tăng cường hoạt động quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới trường học, thị trường quốc tế…
Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, để nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch cũng như phát huy giá trị di sản nghề làm tranh ở Đông Hồ có hiệu quả hơn, chính quyền, cộng đồng người dân, các doanh nghiệp cần chú ý thực hiện một số giải pháp, như: tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng tour đến tham quan, tìm hiểu làng tranh Đông Hồ; nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm mới phục vụ đối tượng khách du lịch dựa trên phương pháp tạo hình dân gian truyền thống; tăng cường đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ làm công tác thuyết minh du lịch di sản nghề thủ công truyền thống Đông Hồ. Các đơn vị cũng cần quảng bá di sản dưới nhiều hình thức khác nhau; tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tranh Đông Hồ ở cả trong nước và quốc tế… Đồng thời, giải pháp có ý nghĩa sống còn đối với việc duy trì nghề tranh Đông Hồ hiện nay là tìm được đầu ra ổn định với số lượng lớn cho các sản phẩm tranh.
Bảo tồn, phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ
Bên cạnh nỗ lực giữ nghề của các nghệ nhân, đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh cũng đã chú trọng, có nhiều chính sách hỗ trợ bảo tồn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết, trước nguy cơ mai một dòng tranh truyền thống, những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều hoạt động nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Cụ thể, tháng 6/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030" với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác. Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ; xác định hiện trạng, nguy cơ mai một của dòng tranh này. Đề án đã xây dựng một số các dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ năm 2014 – 2016 với kinh phí 2.1 tỷ đồng; dự án xây dựng, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ năm 2014 – 2020, kinh phí thực hiện là 50 tỷ đồng; dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thực hiện từ năm 2014 – 2016 với kinh phí 7,8 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, cùng với nỗ lực của tỉnh, các đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài cũng góp sức quảng bá di sản tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới thông qua các cơ chế ngoại giao như dùng tranh dân gian Đông Hồ làm quà tặng. Các nghệ nhân tại làng nghề cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội cho học sinh đến trải nghiệm học làm tranh... Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ, dự báo những tác động tiêu cực, từ đó có những biện pháp, hành động kịp thời, hiệu quả ngăn chặn tác động tiêu cực gây ảnh hưởng làm mai một dòng tranh này.
Thời gian gần đây, nhiều dự án tâm huyết đưa tranh hoặc hình ảnh trong tranh Đông Hồ vào đời sống hiện đại bằng cách vẽ lại tranh, thiết kế cho phù hợp rồi in trên những sản phẩm như quà lưu niệm, áo dài, áo yếm, lịch để bàn, túi vải… Do vậy, tranh Đông Hồ cũng đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của người trẻ nhiều hơn. Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, những hướng đi bước đầu này đã "thổi" vào dòng tranh dân gian một luồng sống mới. Bên cạnh việc đương đại hóa, tranh Đông Hồ cũng được "hồi sinh" trong các thiết kế thời trang, thiết kế nội thất dưới bàn tay của người trẻ.
Tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách Di sản văn hóa vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thời gian xây dựng hồ sơ kéo dài 3 năm, chia thành 2 giai đoạn. Từ 2017 đến tháng 12/2018 là nghiên cứu khảo sát, kiểm kê, lấy phiếu đồng thuận, xây dựng hồ sơ và nộp hồ sơ cho UNESCO đúng hạn. Cuối tháng 6/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" để đề nghị UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ sẽ đề nghị UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản thứ 3 của Việt Nam đề nghị UNESCO đưa vào danh mục này. Dự kiến, trong tháng 12/2019, hồ sơ sẽ trình Hội đồng Di sản quốc gia thẩm định, xét duyệt trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.
Nếu được UNESCO công nhận, đây sẽ là một bước đi thiết thực nhất để cứu vãn và vực dậy nghề tranh. Điều đó sẽ xác lập cơ sở pháp lý để Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan quan tâm đầu tư bảo vệ di sản. Nó cũng tạo động lực ý thức cho cộng đồng và toàn xã hội chung tay góp sức giữ gìn di sản.
Làng tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước những vận hội mới. Hy vọng trong tương lai gần, cùng với sự đầu tư, vào cuộc của các cơ quan chức năng, lòng nhiệt huyết, yêu nghề của các nghệ nhân, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Phương Lan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất