(TT&VH Cuối tuần) - Ở giữa cái thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam này mà tìm về những giá trị cổ truyền vốn bị không ít bạn trẻ hiện nay cho là “cổ lổ sĩ” đúng là quá khó. Trong khi lân la hỏi han các bậc “tiền bối” của bộ môn đờn ca tài tử - “nhạc thính phòng Việt Nam”, chúng tôi may mắn được biết thêm một di sản quý báu khác của vùng đất phương Nam: nhạc lễ Nam bộ (NLNB). Một thực tế đáng buồn là từ lâu, rất nhiều người (trong đó có chúng tôi) vì thiếu hiểu biết đã xem nhạc lễ chỉ là nhạc… đám ma.
Nghệ nhân Tám Nhứt - kho nhạc lễ sống
Vòng vèo một hồi lâu, chúng tôi cũng đến được nhà nghệ nhân Tám Nhứt, người được xem là một “kho nhạc lễ sống”, tại Gò Vấp, TP.HCM. Nhà đang sửa, bộn bề công việc nhưng khi biết có phóng viên đến tìm hiểu về NLNB, ông già liền lật đật thay áo, đeo máy trợ thính (vật bất ly thân từ nhiều năm nay) tiếp khách ngay. Thế nhưng cuộc trao đổi của chúng tôi với cụ Tám lại không dễ dàng chút nào (tuy đã được các con cụ “báo động” từ trước). Mặc dù đã nói như hét và chiếc máy trợ thính của ông cụ cũng làm việc hết công suất nhưng dường như cụ cũng không nghe được gì. Cuối cùng chúng tôi phải sử dụng đến phương pháp rất cổ điển là “bút đàm”: ghi câu hỏi ra để cụ trả lời. “Tui già quá rồi, quên trước quên sau. Mà nói về nhạc lễ thì nó vô biên, nói không biết bao giờ cho hết mà cũng không biết nói từ đâu bây giờ. Thôi thì nhớ gì nói nấy nhe”, như sợ chúng tôi khó hiểu, cụ Nhứt nói dò.
Nghệ nhân Tám Nhứt biểu diễn trống đồng
Nghệ nhân Tám Nhứt tên thật là Phan Văn Nhứt, sinh năm 1924 tại Cần Đước, Long An. Năm 14 tuổi, cậu Nhứt theo nghệ nhân Chín Láo (học trò của ông Nguyễn Quang Đại, người được xem là “hậu tổ” của NLNB và đờn ca tài tử) học nghề. Lúc đầu chỉ tập đánh mõ rồi dần học đến các nhạc cụ khác: trống lễ, trống bồng, trống cơm, kèn trung, kèn tiểu... Năm 1942, khi thầy qua đời, chàng trai Tám Nhứt lên Gò Vấp tự lập “giạ nhạc” riêng cùng gia đình (đến anh là đời thứ ba theo nghề nhạc lễ). Tại đây, anh Tám tham gia kháng chiến và gầy dựng tên tuổi của mình trong ngành nhạc lễ. Đến nay đã bước vào năm thứ 71 cụ Tám gắn bó cùng nhạc lễ.
Vốn liếng của cụ sau 71 năm là khả năng sử dụng nhuần nhuyễn hầu hết các nhạc cụ trong dàn nhạc lễ, có thể chơi hầu hết các bài nhạc mà còn giải thích rõ nguồn gốc ra đời cũng như nghi thức tương thích với nhạc. Mà người có thể “cạnh tranh” với cụ về khoản ấy chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cả đời “gõ trống”, cụ nhận không biết bao nhiêu bằng khen, giải thưởng đủ các cấp trong đó có danh hiệu Nghệ nhân dân gian được Nhà nước phong tặng vào năm 2006. Cụ cũng không nhớ được mình đã truyền dạy nhạc lễ cho bao nhiêu người, chỉ nhớ là chỗ nào cần biết nhạc lễ là cụ có mặt để chỉ dẫn, truyền dạy những tinh túy của nghề.
Theo lời cụ Nhứt thì NLNB là sự giao thoa giữa Nhã nhạc cung đình Huế, theo chân những người khai phá đất phương Nam vào vùng đất mới, với nền văn hóa bản địa, hình thành nên một thể loại âm nhạc đặc trưng Nam bộ. Thật vậy, nhìn vào dàn nhạc lễ, ta có thể thấy rõ đặc trưng văn hóa của vùng đất phương Nam. Nếu Nhã nhạc cung đình Huế sử dụng chính là ba cây kèn mộc đại - trung - tiểu (với loa kèn bằng cây) thì đến đất Nam bộ chỉ còn lưu lại kèn trung, kèn tiểu và du nhập thêm kèn thau (với loa kèn bằng thau) từ văn hóa của người Hoa, trống cơm từ văn hóa Ấn Độ - Khmer, hai dân tộc rất phổ biến ở miền đất phương Nam này. Đặc biệt cây “đờn cò” là sự sáng tạo tuyệt vời của người dân đồng bằng Nam bộ khi cải biến loại nhạc cụ có hai dây (mà người Bắc, Trung gọi là “đàn nhị”) theo hình tượng con cò thành loại nhạc cụ có âm vực cao mà các nhạc sĩ đã ví là “thân em như cổ con cò, mỏ em như mỏ con cò, tiếng kêu em lảnh lót như tiếng cò”.
Biểu diễn nhạc lễ ở Nhà hát giao hưởng Torino, Italia năm 2007
“Người Nam thường sử dụng nhạc lễ trong các nghi thức quan - hôn - tang - tế. Bất cứ lễ nghi nào cũng cần phải có nhạc, không có nhạc sẽ không thành lễ. Nền âm nhạc dân gian của Nam bộ là nhạc ngũ âm hò - xự - xang - xê - cống tương ứng với ngũ hành mang triết lý phương Đông sâu sắc. Dàn nhạc lễ cũng vậy gồm: kim (bạc, đẫu, thanh la), mộc (cặp trống lễ), thủy (kèn), hỏa (đờn cò), thổ (trống bồng). Khi hòa điệu cùng nhau trong nghi thức thì nhạc lễ thể hiện vai trò “hòa Trời - hòa Đất - hòa Con Người ”. Nhạc lễ là phương tiện để con người bày tỏ lòng thành kính của mình với trời đất, thánh thần - trong các lễ tế ở đình chùa, miếu mạo; với tổ tiên, những bậc bề trên - trong lễ tang, giỗ chạp. Nó thuộc về tín ngưỡng, về “phần hồn” nên thiêng liêng lắm”, cụ Nhứt cho biết.
Ngày nay, lễ quan đã không còn, hôn lễ cũng chuộng nhạc tài tử, cải lương và bây giờ là nhạc trẻ, nhạc lễ chỉ còn xuất hiện trong những dịp cúng bái tế lễ ở đình chùa và trong đám tang. Thành thử người dân ngày càng xa lạ với NLNB, nghĩ đơn thuần nhạc lễ là nhạc đám ma hay tệ hơn không hề biết đến sự tồn tại của dòng nhạc dân gian đặc sắc có vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Nam bộ.
Nỗi niềm nhạc lễ Nam bộ
“Mà thiệt tình bây giờ nhạc lễ đã bị lai hết rồi. 90% là đã mất căn bản. Bây giờ mà đánh đúng bài bản nhạc lễ thì ai mà nghe nữa. Người giữ gốc nhạc lễ không sống được phải bươn chải theo thời cuộc, theo thị hiếu người dân. Bây giờ tui cũng đã ở tuổi “gần đất xa trời” rồi lại điếc nặng, thần trí cũng không minh mẫn như xưa, có muốn truyền dạy cũng hạn chế mà sợ còn không có người theo học”, cụ Nhứt chia sẻ về sự “biến dạng” của NLNB những năm gần đây. Gia đình cụ Nhứt đang quản lý một nhóm đông những anh em đến thọ giáo cụ và sống bằng nghề nhạc lễ.
“Ổng thì đâu biết gì nhạc của bây giờ mà dạy. Ổng chỉ dạy những cái gốc nhạc lễ của ổng từ xưa thôi. Tụi nhỏ ở đây biết hết, đánh hết được đó. Nhưng lại không xài được. Đến nhà người ta phục vụ, người ta kêu đánh cái gì phải đánh cái đó chứ. Bây giờ ai mà kêu đánh nhạc lễ gốc nữa. Muốn kiếm sống thì phải theo thời thế thôi”, chị Mỹ Kim, con gái thứ tư của cụ Nhứt nói.
Vốn rất nghiêm khắc, cụ Nhứt không chấp nhận việc đi đánh nhạc lễ mà mặc áo thun, quần jeans. “Phải mặc sơ mi, áo có cổ ổng mới chịu. Mấy đứa nhỏ bây giờ thích mặc gì thì mặc, bị ông chửi hoài hà. Nhưng tụi nó cũng có nghe đâu”, chị Tư đế thêm. Cụ cũng khó chấp nhận sự có mặt của những nhạc cụ điện (hạ uy di, guitare điện, organ...) trong dàn nhạc lễ nhưng bây giờ nhiều khi chỉ cần một cây organ điện là đã thay thế được nguyên dàn nhạc lễ.
Từ hồi bị bệnh nặng rồi lãng tai, cụ hầu như không đi đâu xa cũng ít khi có dịp biểu diễn tài đánh trống bồng trứ danh của mình (được bằng khen trong Liên hoan âm nhạc Việt Nam - Campuchia năm 1981). Đã lâu rồi cụ cũng không chơi nhạc vì “tai không nghe được” nhưng cụ đã chủ động gợi ý: “Muốn nghe thử một điệu nhạc lễ không?”. Làm sao chúng tôi có thể bỏ qua một dịp may hiếm có như vậy. Cụ với lấy cây đờn cò trên vách, so dây rồi bắt đầu kéo. “Nghe vui không? Đây là điệu Xuân thường dùng trong những dịp vui cưới hỏi, cúng tế ở lễ hội. Còn hơi Ai nè, buồn, sử dụng trong đám ma”, vừa nói cụ vừa “chuyển hơi” đờn làm tiếng đờn đang réo rắt vui tươi bỗng chậm rãi buồn da diết.
Tuổi già, lại còn lãng tai hầu như cụ chỉ tìm vui với những nhạc cụ, những tài liệu nhạc lễ mà cụ xem như báu vật và giữ rất kỹ. Lâu lâu người bạn tri âm của cụ là GS Trần Văn Khê đến thăm và câu chuyện của họ chủ yếu chỉ xoay quanh những tinh túy của nhạc lễ, về những suy tư trăn trở làm thế nào để bảo tồn một loại hình âm nhạc đặc sắc của chính vùng đất Nam bộ. Mà xem ra, những cuộc đàm đạo như thế cũng có vẻ không còn kéo dài được bao lâu vì cả hai ông đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
“Làm nghề đã lâu năm, dạy cũng nhiều học trò nhưng điều tui cảm thấy hạnh phúc nhất đó là truyền dạy những phần cơ bản của ngành nhạc lễ cho con tôi là nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng, hiện là giảng viên khoa Kịch hát dân tộc, trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Vốn liếng của tui đều dồn vào nó đó”, trong cuộc trao đổi, cụ Tám thường xuyên nhắc đến người con trai thứ ba của mình với tất cả niềm tự hào của một người cha cũng như sự kỳ vọng vào người sẽ kế thừa sự nghiệp của mình. “Tui thuộc về thời xưa cũ rồi. Có muốn níu kéo cũng không được. Tui hy vọng nhiều vào Nhứt Dũng và mấy đứa nhỏ sau này làm sao có thể giữ gìn NLNB. Cô cậu nên gặp nó để hiểu thêm...”.
(Đón xem tiếp kỳ sau: Tiếp sức cho Nhạc lễ Nam bộ)
Ninh Lộc - Anh Đức