Cần hạn chế nhập khẩu kịch bản Truyền hình thực tế?

09/12/2013 11:00 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Thời đỉnh cao của game show đã qua, khi những chương trình đắt khách bậc nhất Việt Nam một thời phải nhường khung giờ vàng cho THTT. Chưa bao giờ ti-vi tràn ngập Truyền hình thực tế (THTT) như hiện nay và 2013 thực sự là năm phát triển chưa từng thấy của thể loại THTT.

Cho tới nay, số lượng chương trình theo thống kê sơ bộ của TT&VH Cuối tuần đã lên tới con số 30!

Tăng đột biến

Nếu những năm trước khán giả chỉ được xem 1-2 chương trình THTT/tuần, thì tới năm 2013 đã lên tới 5 chương trình/tuần, chiếm trọn vẹn khung giờ buổi tối của hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật (ở 2 kênh “chủ lực” của HTV và VTV), thậm chí khung giờ tối thứ Sáu cũng được trưng dụng nốt. Trong tháng 11 vừa qua Người giấu mặt lên sóng đưa THTT đoạt kỷ lục một chương trình THTT phát sóng hàng ngày.

Theo bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng giám đốc Công ty Đo lường truyền hình TNS Media Việt Nam: “Thị trường truyền hình hiện giờ rất sôi động với 198 kênh cả trong và ngoài nước, khán giả có quá nhiều lựa chọn để xem, nên đòi hỏi nội dung và chất lượng chương trình ngày càng cao để duy trì và giữ được khán giả. Thực tế năm 2012 vừa qua và cả năm 2013 này, các chương trình THTT vào cuối tuần đã mang lại rất nhiều khán giả cho VTV3 không chỉ ở Hà Nội mà cả ở TP.HCM”.

Người giấu mặt - chương trình THTT lên sóng hàng ngày và được xem là rất khác biệt với văn hóa Việt Nam

Số liệu của TNS Media Việt Nam khảo sát từ năm 2011 tới 2013 cho thấy THTT có rating rất khả quan. Phải kể tới: Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model. Những chương trình có rating thấp hơn gồm: Cuộc đua kỳ thú, Đồ Rê Mí, Hợp ca tranh tài, Project Runway, Vietnam Idol, Vũ điệu đam mê, Vua đầu bếp Việt Nam...

Trong số này, một số chương trình từ khi khai cuộc đến khi kết thúc có lượng người xem tăng rất mạnh. Ví dụ: Giọng hát Việt nhí - mở đầu 3,7%, kết thúc 13,1%; Gương mặt thân quen - 5,2% và 10,5%; Vietnam’s Got Talent - 2,2 và 7%...

Tuy nhiên có những chương trình đã từng rất “hot” như Giọng hát Việt, năm nay càng về cuối càng hạ nhiệt. Số liệu từ ngày 16 đến 22/11/2013 rating chương trình chỉ đạt 2%. Có nhiều nguyên do, mà theo các chuyên gia thì nếu một chương trình THTT sút giảm thường do ở khâu sản xuất và chất lượng người chơi. Ngoài ra, còn lý do khác là phải cạnh tranh với các chương trình THTT khác, cũng như phim truyền hình...

Bội thực hàng ngoại

Trong số các chương trình THTT đã, đang và sẽ phát sóng tại Việt Nam hiện nay, kịch bản nhập khẩu từ nước ngoài chiếm hơn 90%. “Ở châu Á, chương trình phải vui, đảm bảo được điều đó sẽ thắng” - bà Fotini Paraskakis, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Tập đoàn Endemol chuyên sản xuất và bán các chương trình THTT và game show, cho biết.

Vì thế, không có gì khó hiểu khi các chương trình THTT mua kịch bản nước ngoài về Việt Nam hiện nay chủ yếu là giải trí. Các đơn vị nhập khẩu lớn như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây Promotion, Multimedia... đều chọn những chương trình độc đáo, nổi tiếng của thế giới để đảm bảo thu hút đông đảo người xem và đem lại lợi nhuận cao.

Việc THTT phát triển như hiện nay, theo các chuyên gia truyền hình là một quá trình phát triển tất yếu, sau khi game show bắt đầu nhàm. Và khi Việt Nam còn chưa đủ năng lực sản xuất kịch bản nội địa thì việc mua kịch bản nước ngoài là đương nhiên.

Tuy nhiên, việc phát sóng quá nhiều chương trình THTT vào cuối tuần khiến khán giả “bội thực”. Để theo dõi suốt tuần chương trình Người giấu mặt, cuối tuần xem liên tục 4 chương trình vào 2 tối thứ Bảy và Chủ nhật, không khán giả nào có thể xem tất cả. Việc chỉ phát các chương trình giải trí cũng gây lo ngại về những tác động không tốt tới khán giả. Ngoài ra việc nhập khẩu các chương trình từ nước ngoài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất chương trình trong nước.

Hiện nay, chúng ta chưa đặt ra vấn đề hạn chế nhập khẩu chương trình THTT. Tuy nhiên, để THTT Việt Nam phát triển, việc hạn chế nhập khẩu cũng là điều rất cần được cân nhắc.

Trung Quốc hạn chế nhập khẩu THTT

Sau một thời gian phát triển ồ ạt, Tổng cục Báo chí, Xuất bản, Phim truyện, Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc yêu cầu mỗi đài truyền hình chỉ có thể phát sóng mỗi năm một chương trình mua bản quyền từ nước ngoài. Và các chương trình này không được lên sóng vào giờ vàng (từ 19h30 đến 22h).


Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm