24/04/2023 14:43 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 24/4, Cơ quan Mội trường của Liên minh châu Âu (EEA) cho biết ô nhiễm không khí vẫn gây ra hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên toàn châu Âu, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính sau này trong cuộc đời.
Thông qua một nghiên cứu tại hơn 30 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), EEA nêu rõ bất chấp những tiến bộ gần đây, mức độ các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc biệt tại khu vực Trung - Đông Âu và Italy.
Cơ quan này ghi nhận hơn 1.200 ca tử vong sớm mỗi năm ở những người dưới 18 tuổi trên toàn châu lục. Vào tháng 11 năm ngoái, EEA cho biết 238.000 người đã tử vong sớm trong năm 2020 tại EU, Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Do phạm vi nghiên cứu mới nhất không bao gồm các quốc gia công nghiệp lớn là Nga, Anh và Ukraine, nên báo cáo của EEA cho rằng tổng số ca tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn châu Âu có thể còn cao hơn. Đây là nghiên cứu đầu tiên của cơ quan này chú trọng tới nhóm đối tượng là trẻ em.
Báo cáo nhấn mạnh mặc dù số ca tử vong sớm ở nhóm tuổi này tương đối thấp so với tổng dân số trên toàn "Lục địa Già" theo ước tính hằng năm của EEA, nhưng số ca tử vong sớm phản ánh mất mát tiềm tàng trong tương lai, đồng thời tạo gánh nặng đáng kể liên quan các bệnh mãn tính ngay cả ở thời thơ ấu cũng như những giai đoạn sau đó của cuộc đời.
Báo cáo cũng lưu ý rằng sau khi trẻ chào đời, tình trạng ô nhiễm không khí xung quanh làm tăng nguy cơ gặp một số vấn đề về sức khỏe, trong đó có hen suyễn, suy giảm chức năng phổi, mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng. Chất lượng không khí kém cũng có thể làm trầm trọng hơn các bệnh mãn tính như hen suyễn - căn bệnh mà 9% trẻ em và thanh thiếu niên tại châu Âu mắc phải - cũng như làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính sau tuổi trưởng thành.
Cũng theo báo cáo, vào năm 2021, khoảng 90% dân cư thành thị hít thở bầu không khí không đáp ứng được khuyến nghị an toàn của WHO.
Chính vì những lý do trên, EEA kêu gọi giới chức các quốc gia tập trung cải thiện chất lượng không khí quanh các trường học, nhà trẻ cũng như các điểm giao thông vận tải lớn và các cơ sở tập luyện thể dục thể thao.
Những số liệu cập nhật này tương đối trái ngược so với thông báo năm ngoái của EEA rằng EU đang trên đà đáp ứng được mục tiêu của khối đó là vào năm 2030, giảm khoảng 50% số ca tử vong sớm so với mức ghi nhận năm 2005. Cụ thể, đầu những năm 1990, bụi mịn đã khiến gần 1 triệu người tử vong sớm mỗi năm tại 27 quốc gia EU. Con số này đã giảm xuống còn 431.000 vào năm 2005.
Dù vậy, WHO nhận định tình hình tại châu Âu dường như khả quan hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Tổ chức này cho rằng ô nhiễm không khí là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, gần bằng số ca tử vong vì hút thuốc lá và ăn uống không lành mạnh. Khoảng 200.000 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi.
Mãi tới tháng 9/2021, các quốc gia trên thế giới mới đạt được thỏa thuận siết chặt các hạn chế đối với các chất gây ô nhiễm phổ biến kể từ năm 2005. Chỉ riêng tại Thái Lan, nơi khói bụi độc hại bao trùm khắp đất nước, giới chức y tế sở tại tuần trước cho biết 2,4 triệu người đã đến bệnh viện điều trị các vấn đề y tế liên quan đến ô nhiễm không khí kể từ đầu năm nay.
Các hạt bụi mịn, chủ yếu từ ô tô và xe tải và có thể xâm nhập sâu vào phổi, được coi là chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, kế đến là nitơ dioxit và ozone.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất