12/07/2014 14:22 GMT+7 | World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - World Cup 2014 sắp kết thúc và chúng ta sẽ thử thảo luận xem liệu đây có phải là vòng chung kết đáng xem hay không với hai khách mời là nhà báo Đinh Đức Hoàng (báo Lao Động) và nhạc sĩ Hà Quang Minh.
“Cần xóa bỏ tâm lý ‘ngày xưa hơn bây giờ’”
Phạm An: Xin chào các anh Đức Hoàng và Hà Quang Minh. Vậy là World Cup 2014 sắp kết thúc. Các anh hài lòng với cảm xúc và chất lượng mà nó mang lại chứ?
Hà Quang Minh: Tôi cho rằng đây là một World Cup chất lượng tốt. Chỉ riêng cảm xúc thì khó nói lắm. Mình xem mà cứ bị so sánh với ấn tượng cũ, thời World Cup 16 đội hay 24 đội nó vẫn có cảm xúc mạnh hơn bây giờ.
Đức Hoàng: Nói chung là cũng tùy anh xem bóng đá ở khía cạnh nào. Tôi thì là người thích những chuyện bên lề nên cảm thấy rất hài lòng. Còn bóng đá? Bóng đá ở World Cup 2014, có 2 loại: Những cuộc hủy diệt đơn điệu và những màn giằng co cũng... đơn điệu nốt. Đã bao giờ người ta phải dùng đến hiệp phụ và penalty nhiều như thế này chưa?
Phạm An: Nếu xét theo những con số thì đây vẫn là kỳ World Cup có lượng bàn thắng bùng nổ bậc nhất trong 3 thập kỷ trở lại, 2,7 bàn/ trận. Còn hiệp phụ, penalty hay giằng co cũng có vẻ đẹp của riêng nó chứ, anh Đức Hoàng? Như trận Hà Lan - Costa Rica là một trận đấu hay từ đầu đến cuối, và phạt đền thậm chí còn đẩy kịch tính lên đến tột cùng?
Tôi đồng ý với anh Hà Quang Minh. Chúng ta cần phải xóa bỏ được ấn tượng của tâm lý "ngày xưa hay hơn bây giờ". Bóng đá chịu tác động của bối cảnh và trong bối cảnh hiện tại thì World Cup lần này có lẽ đang mang lại những gì tốt nhất có thể, trong khuôn khổ của bối cảnh chi phối nó.
Hà Quang Minh: Thực ra, vào đến knock-out rồi, các đội thận trọng là đúng nên hiệu quả cuối cùng sẽ dẫn đến cái hiệp phụ và luân lưu. Nhưng World Cup lần này theo tôi sẽ để lại nhiều suy nghĩ đấy. Những gì xảy ra ở Brazil. Những giọt nước mắt của trẻ con, cái công nghệ goal-line tốn cả chục triệu USD chỉ để đi tìm mấy thứ hiếm hoi mới xảy ra. Nó cho thấy đủ xã hội loài người bây giờ như thế nào. Ngày một phù phiếm hơn, biếng lười hơn và thiếu cảm xúc hơn.
Phạm An: Nhìn nhận một cách tích cực, tôi thấy World Cup năm nay rất đủ gia vị nhé: 1) Số lượng bàn thắng + Chất lượng bàn thắng (bàn của James Rodriguez, van Persie…); 2) Những tranh cãi (Suarez cắn Chiellini, chuyện trọng tài); 3) Các ứng cử viên lớn đều góp mặt sau cùng; 4) Các ngôi sao lớn, như Messi, Neymar hay Robben đều có phong độ tốt.
Đức Hoàng: Tỷ lệ 2,7 bàn/trận đến từ những màn hủy diệt không có sức kháng cự của Pháp, Hà Lan, Đức, và nó không thể đánh đồng với chất lượng được.
Hà Quang Minh: Chất lượng chuyên môn theo tôi thì tốt đấy chứ Hoàng. Chỉ có điều, vì Brazil là chủ nhà nên họ mới được vào tới đây. Chứ nếu như Chile mà thắng ở 1/8 và vào gặp Colombia, có thể chất lượng bán kết sẽ cực hay.
Đối với Chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatters, Brazil không thể vào chung kết tức là giải vẫn chưa “về đích an toàn”
“Cái đẹp mỗi thời đều khác nhau”
Phạm An: Trong những kỳ World Cup các anh đã xem, thì kỳ World Cup này sẽ được xếp ở đâu?
Tôi đã xem hết World Cup 1998, 2002, 2006 và 2010. Với tôi, 2006 hội tụ đủ mọi thứ, chuyên môn, tranh cãi, và cả chất bi tráng trong đó.
Hà Quang Minh: Tôi đánh giá World Cup này hay hơn 2010, hay hơn 2002, nhưng dở hơn 2006, 1998. Còn so với thời 1994 trở lại thì thua xa rồi.
Đức Hoàng: Đúng, cái điểm nhấn lớn nhất của giải năm nay, thứ độc giả đọc nhiều nhất, thích nhất, là vụ Suarez cắn Chiellini, so về tính chất bi tráng thì quá là nhảm nhí so với vụ húc đầu của Zidane.
Phạm An: Như tôi đã nói, World Cup chỉ làm hài lòng chúng ta trong bối cảnh chi phối nó. Nếu những gì nhảm nhí lên ngôi thì chuyện đó đâu có gì lạ. Có lẽ chúng ta hãy xem bóng đá với những gì phù hợp với quy chiếu của thời đại này thôi. Cũng như bây giờ, đâu có cái cảnh phải chờ đợi từng trận đấu, từng dòng thông tin nữa. Tất cả mọi thứ đều bão hòa, và cảm xúc quá khứ hay chi phối khi chúng ta đánh giá World Cup của hiện tại.
Đức Hoàng: Không, cũng không đến mức là "lãnh cảm truyền thông" như thế đâu anh Phạm An ạ. Tôi không phủ nhận là World Cup này nhiều cảm xúc, nhưng nó chỉ cảm xúc khi đặt trong bối cảnh của đất nước Brazil nhiều biến động, cảm xúc khi xét đến những tâm trạng của những người tham gia cuộc chơi (năm nay họ khóc rất nhiều).
Chứ việc xuất hiện tới 3 trận đấu kiểu Hà Lan-TBN, Đức-BĐN và Đức-Brazil theo tôi là quá nhiều cho việc ca tụng chất lượng chuyên môn của một giải đấu.
Hà Quang Minh: Cái đẹp của mỗi thời đều khác nhau. Do bối cảnh, do mắt người nhìn và do nhiều lý do khác nữa. Còn chất lượng chuyên môn, tôi vẫn cho là cao. Nhưng không phải tôi dựa trên những trận cầu tỷ số cao như anh Hoàng kể ra. Với tôi, đó lại là những trận đấu dở nhất. Tôi thích những trận như Anh - Uruguay, Anh - Italy, Costa Rica -Italy, Italy - Uruguay, Algeria - Đức, Chile-TBN, Brazil-Mexico... đó là những trận cầu rất hay đấy chứ.
“Chúng ta mắc “bệnh” không thỏa mãn với cái gì cả”
Phạm An: Nhưng có lẽ là World Cup lần này chưa có 1 trận đấu thực sự thuộc dạng "không thể nào quên", thưa các anh?
Đức Hoàng: World Cup đã có trận đấu không thể nào quên rồi đấy chứ anh An. Trận thua 1-7 của Brazil trước Đức sẽ trở nên vĩ đại hơn bất kỳ một trận đấu nào trong lịch sử, nếu xét ở khía cạnh CON NGƯỜI. Tôi xin nhấn mạnh là tôi phân định ra thành 2 kiểu cảm xúc: Cảm xúc thuần túy và cái sung sướng khi được xem bóng đá hay.
Nếu mà nói về cảm xúc thuần túy kiểu con người, thì khi Brazil thua bàn thứ 3 và CĐV của họ bắt đầu khóc nức nở, đó sẽ là những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời xem bóng đá của bất kỳ ai.
Nhưng bàn thắng đẹp nhất trận đó, khiến tôi phải đứng dậy vỗ tay lại là bàn thắng thứ ba của Andre Schuerrle, một bàn thắng... nhạt phèo nếu xét đến ý nghĩa nhân văn hay cục diện.
Hà Quang Minh: Đồng ý với Hoàng. Trận 7-1 ấy, dù Brazil mất hai cầu thủ chủ chốt đi nữa, dù họ vỡ trận đi nữa, nó cũng khiến người ta bàng hoàng. Bàng hoàng vì tính chất của sự kiện chứ không phải vì Đức hay quá.
Nhưng bóng đá đẹp mẫn cảm xem mà thấy thích, thấy sướng, thì đúng là càng ngày càng hiếm.
Theo Hoàng và Phạm An, trận nào là trận xem đã mắt nhất ở World Cup này? Theo tôi, đó là trận Hà Lan – Australia.
Phạm An: Với tôi, đó là trận Hà Lan - Mexico, và như anh Minh nói, nó cũng phơi bày cho chúng ta thấy là rất ít trận đấu World Cup còn mang lại cả khoái cảm thị giác lẫn chất kịch tính và không thể nào quên của sự kiện.
Đức Hoàng: Tôi thì thích Đức và Ghana. Ở đó, kẻ yếu hơn dù sao cũng đã có được phần thưởng cho sự nỗ lực của mình.
Hà Quang Minh: Thấy chưa nào, sau khi cùng liệt kê một loạt trận hay, chúng ta phải thừa nhận, World Cup này thành công đấy chứ. Mà thành công nhất là Brazil không vào được chung kết bởi nếu họ mà vào chung kết, rồi vô địch thì quá lố bịch và bi kịch cho bóng đá.
Phạm An: Hay là chúng ta phải xem lại chính mình, chứ không phải đổ hết tội lỗi cho bóng đá của thời đại công nghiệp nhỉ?
Hà Quang Minh: Nói chung, tôi cho rằng tất cả chúng ta, kể cả tôi, đều mắc bệnh KHÔNG THOẢ MÃN VỚI CÁI GÌ CẢ. Nhưng khi nhìn lại cái đã có, ta thấy nó cũng đâu đến nỗi nào.
Đức Hoàng: Đúng là nó không đến nỗi nào. Nhưng có lẽ tôi không thể tán đồng với quan điểm của anh An trên cái tít chủ đề là "World Cup hay nhất lịch sử" được.
Có lẽ chúng ta không nên cố so sánh để tìm ra một cái NHẤT, mà chỉ biết rằng mình đã thỏa mãn với giải đấu này, vậy là đủ.
Hà Quang Minh: À đấy. Ngoài ra chúng ta còn mắc thêm cái bệnh hưng phấn quá. Thấy thích một cái là lúc nào cũng dễ dàng coi thứ đó là nhất ngay. Quán ngon nhất thành phố này; nhà văn hay nhất Việt Nam này; BLV hay nhất Việt Nam này.
Phạm An: Vâng, xin lỗi các anh. Tôi đã mắc cái bệnh “cái gì cũng thích tìm nhất rồi”. Và chúng ta cũng chưa đủ tuổi (theo nghĩa đen) để đánh giá chuyện đó. Chúng ta chỉ cần biết rằng đây là một kỳ World Cup đã làm mình thỏa mãn là đủ, các anh nhỉ.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất