8X vẽ 'Truyện Kiều' bằng sơn mài

03/02/2015 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kiều đánh đàn cho Kim Trọng trong cái “thủa ban đầu lưu luyến ấy”; Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư; Kiều đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến trong bữa tiệc ma tà; Kiều đánh đàn lúc đoàn viên mừng mừng tủi tủi... Những nhịp bước của thân phận nàng Kiều được họa sĩ Nguyễn Đức Đàn khắc họa bằng những tiếng đàn vang vọng trong từng đường nét sơn mài.

Đàn- Xê dịch, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Đức Đàn (sinh năm 1982) đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Hà Nội (kéo dài tới 5/2).

Chiêm nghiệm về Kiều, chiêm nghiệm về người

Nguyễn Đức Đàn không phải là người hoạt ngôn. Trong cuộc trao đổi anh mất rất nhiều thời gian để diễn đạt một ý tứ. Nhưng cũng vì thế, tranh của Đàn mang gam màu tối, đi sâu vào nội tâm, giàu suy tưởng, những suy tưởng không hề ít lời.

Trong hàng chục bức tranh vẽ Thúy Kiều với những chiêm nghiệm về thân phận con người, về những bể dâu có thể đến với bất cứ ai vào bất cứ thời điểm nào, những bức tranh vẽ Kiều đánh đàn đáng chú ý hơn cả. Nhịp bước của thời gian được diễn tả dặt dìu mà quặn thắt. Màu sắc tối giản, đường nét tối giản mà xem tranh như nghe thấy sự thăng, giáng của tiếng đàn từ trăm năm.


Họa sĩ Nguyễn Đức Đàn

Bức Kiều đánh đàn cho Kim Trọng là hình ảnh hai người mặt đối mặt trong một màu vàng phôi pha. Nét phôi pha như ráng chiều lúc Thúy Kiều chia tay chàng Kim: dưới cầu nước chảy trong veo/ bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Khung cảnh xanh tươi mà mang mác nỗi buồn biệt ly và cả những dự báo chẳng lành.

Bức Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư là hình ảnh một mình Kiều trong màu xanh man mác. “Tuổi xuân có đấy, tài hoa có đấy song trong câu chuyện này, Kiều đang một mình và mãi một mình lẻ bóng trong dặm trường” - Họa sĩ Nguyễn Đức Đàn chia sẻ.

Còn theo họa sĩ Nguyễn Trường Linh, bức Kiều đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến là “tới” nhất, cả ý tưởng và nội dung thể hiện. Bức tranh chỉ một màu đen, đen như bóng đêm đời Kiều trong bữa tiệc Hồ Tôn Hiến ăn mừng khi giết được Từ Hải, như tương lai Kiều sẽ phải đối mặt sau bữa tiệc ấy.

Bức tranh Kiều đánh đàn lúc đoàn viên lại là bức tranh duy nhất tác giả khắc họa cận cảnh khuôn mặt Kiều. Những nếp nhăn được khắc họa và cách điệu khiến người xem hình dung như những đám mây vần vũ, như sự phôi pha khủng khiếp của thời gian và sự xê dịch dữ dội của tiếng đàn. Xem đến đây, nhiều người mới ồ à hiểu ra ý nghĩa tên gọi triển lãm: Đàn- Xê dịch.


Tác phẩm “Kiều đánh đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư”

Và con đường chênh vênh

Những bức tranh lấy cảm hứng từ Kiều nhưng không mang dáng dấp minh họa. Đúng hơn, dù vẫn mang âm hưởng phương đông song hơi thở đương đại được khắc họa khá rõ qua những nét phá táo bạo và cả những tư tưởng mới trong Đàn- Xê dịch. Xem tranh nàng Kiều qua các bước đường lưu lạc, người xem cảm thấy ám ảnh với những chữ “run” (chạy), “open” (mở) đan cài. Những bóng người qua lại một bên và một mình Thúy Kiều một bên.

Hình ảnh này của Nguyễn Đức Đàn khiến nhiều người hình dung ra biết bao con người, bao thân phận trong xã hội hiện đại. Những nghịch cảnh trái ngang của số phận đeo bám họ, cuốn họ theo vòng xoáy “chạy”- “mở”, “mở”- “chạy”. Nhưng có chạy được không nỗi đắng cay của cuộc mưu sinh? Có mở được không định kiến của xã hội? Kiều từ trăm năm trước mà như hiển hiện trong bao thân phận đương thời...

“Tranh Nguyễn Đức Đàn còn nhiều bức diễn đạt chưa tới. Nhưng khác với các nghệ sĩ sơn mài trẻ khác, Đàn không chọn vẽ phong cảnh thuần túy (thể tài dễ được đón nhận với đặc thù lung linh của vàng son sơn mài). Đàn chọn con đường suy tưởng, chiêm nghiệm qua điển tích văn học. Con đường tuy chênh vênh nhưng nếu tới đích, Đàn sẽ gặt hái nhiều hơn tất cả. Và tôi đánh giá Đàn là một người tiềm năng”- họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm